Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại Việt Nam
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với kinh tế - xã hội nước ta. Nội dung phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn được chính thức đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Trong đó, yếu tố xanh được nhấn mạnh trong cả quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước và các mục tiêu tổng quát xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Trong giai đoạn 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm(1). Năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng tăng lên 3,83%/năm(2); với quy mô xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục 53,01 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn càng ngày càng trầm trọng. Hiện nay, 62% dân số vẫn đang cư trú tại khu vực nông thôn (62/100,3 triệu người)(3), 62,7% lực lượng lao động (32,9 triệu người) là lao động nông, lâm và ngư nghiệp(4). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ tương đương 71% so với thành thị. Tỷ lệ nghèo nông thôn gấp 4 lần thành thị. Một trong những trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh tại Việt Nam là thiếu dịch vụ tài chính phù hợp cho đại bộ phận dân cư có thu nhập thấp và doanh nghiệp vi mô.
Thực trạng tài chính vi mô và vai trò đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh tại Việt Nam
Tài chính vi mô (TCVM) là một phương pháp phát triển kinh tế thông qua các dịch vụ tài chính, như tiền gửi, cho vay, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm cho người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ và một số dịch vụ hỗ trợ phi tài chính. Tài chính vi mô vừa là công cụ ngân hàng, vừa là công cụ phát triển. Các dạng thức cung cấp dịch vụ TCVM tại Việt Nam thuộc ba nhóm: nhóm chính thức (tổ chức tín dụng), nhóm bán chính thức (chương trình, dự án, có đăng ký với chính quyền địa phương) và nhóm phi chính thức (người cho vay cá nhân, họ hàng, bạn bè, hụi, họ, phường). Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập cao ở nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức TCVM tập trung nhiều hơn vào nhóm khách hàng có thu nhập thấp, cận nghèo và nghèo, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Hiện nay, Việt Nam có 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức, 79 chương trình dự án tài chính vi mô đăng ký theo Quyết định số 20/QĐ-TTg, ngày 12-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ, về “Quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ”, và hơn 400 dự án chương trình, dự án TCVM do các tổ chức chính trị - xã hội trực tiếp quản lý. Nếu chỉ xét TCVM, bao gồm tổ chức TCVM và các chương trình dự án TCVM, quy mô của TCVM khá khiêm tốn, với tổng dư nợ của 4 tổ chức chính thức là 8.699 tỷ đồng và 603.590 khách hàng vay vốn (chiếm khoảng gần 60% tổng khách hàng và 80% tổng dư nợ cả hệ thống tổ chức TCVM), mạng lưới bao phủ gần 40 tỉnh, thành phố cả nước, chủ yếu ở một số xã, phường với quy mô nhỏ(5). So với các nước trong khu vực, quy mô của các tổ chức, chương trình dự án TCVM Việt Nam cũng hết sức khiêm tốn. Tổng dư nợ TCVM của Việt Nam là 383 triệu USD, với 807 nghìn khách hàng, tương đương 0,8% tổng dân số. Trong khi đó, Phi-líp-pin là 1,4 tỷ USD cho 2,6 triệu khách hàng, tương đương 2,2% tổng dân số; Pa-ki-xtan là 1,9 tỷ USD cho 7,25 triệu khách hàng, tương đương 3% tổng dân số(6). Lý do chính là các nước còn lại tính cả ngân hàng, các định chế phi ngân hàng... có hoạt động TCVM, trong khi Việt Nam chỉ tính tổ chức, chương trình, dự án TCVM.
Nếu xét TCVM bao gồm tất cả tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM tại Việt Nam thì vai trò TCVM rất đáng kể cả về quy mô và mức độ tác động. Nếu chỉ xét TCVM bao gồm tổ chức và chương trình, dự án TCVM thì vai trò TCVM được đánh giá cao trên giác độ hiệu quả và tác động tổng thể trên một đồng vốn bỏ ra. Cụ thể:
Thứ nhất, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của tài chính vi mô cao, do cách tiếp cận phù hợp, đặc biệt là đối với đối tượng thu nhập thấp. Thông qua khoản vay nhỏ (trung bình 20 triệu VND/người), không cần tài sản bảo đảm, TCVM giúp tăng thu nhập hộ gia đình, từ đó tăng cường an ninh lương thực, tích lũy tài sản, tối ưu hóa nguồn đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, tài chính vi mô giúp tăng tiếp cận các dịch vụ tài chính, giảm thiểu cả chi phí giao dịch và chi phí cơ hội cho khách hàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hoạt động của TCVM thường gần nơi khách hàng sinh sống. Khách hàng giảm nhiều chi phí giao dịch (chi phí đi lại, tài liệu, hậu cần...) và giảm được các chi phí cơ hội (giảm thời gian giao dịch để tận dụng thời gian đó cho việc khác).
Thứ ba, quy trình cho vay đơn giản giúp giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ, chồng nợ. Các khoản vay được thông qua nhanh, dễ dàng. Cơ chế giám sát tín dụng thông qua cộng đồng, áp lực nhóm hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu của TCVM luôn ở mức thấp - điều ít thấy ở các định chế tài chính khác. Đến hết tháng 12-2023, trong khi tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam là 4,55%(7) (chưa tính nợ xấu ngoại bảng đang theo dõi và nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC)), thì con số này của Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn Tình thương (TYM) - tổ chức TCVM chính thức đầu tiên của Việt Nam chỉ là 0,09% và của Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) - tổ chức TCVM lớn nhất Việt Nam chỉ ở mức 1,44%(8).
Thứ tư, tạo cơ hội cho đối tượng yếu thế nâng cao năng lực và vị thế xã hội. Hầu hết khách hàng TCVM là phụ nữ và người thu nhập thấp. Khi vay vốn để tham gia vào các hoạt động kinh tế tạo thu nhập, các đối tượng yếu thế này được nâng cao năng lực cá nhân và vai trò xã hội, cải thiện vị thế, giảm tình trạng dễ tổn thương trước khó khăn. Họ còn giúp tác động tới văn hóa - xã hội (vị trí trong gia đình và xã hội), tâm lý (tăng lòng tự trọng) và chính trị (có nhiều quyền ra quyết định hơn).
Thứ năm, tổ chức tài chính vi mô cùng với các tổ chức tín dụng chính thức khác góp công lớn làm giảm tín dụng đen, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tài chính vi mô với điều kiện vay vốn và giải ngân đơn giản, không cần tài sản thế chấp, lãi suất phù hợp và thấp hơn nhiều so với lãi suất tín dụng đen.
Một số hạn chế và đề xuất nhằm tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh
Bên cạnh các mặt tích cực, TCVM Việt Nam cũng có một số hạn chế trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh, đó là:
Thứ nhất, quy mô hoạt động của tổ chức tài chính vi mô tương đối nhỏ với mức độ bao phủ thấp. Tổng khách hàng của TCVM ở mức 807 nghìn người, tổng dư nợ dưới 10 nghìn tỷ VND. Ngoài CEP và TYM hoạt động ở các tỉnh khác nhau (CEP tại 9 tỉnh Nam Bộ, TYM tại 13 tỉnh miền Bắc và miền Trung), hầu hết tổ chức còn lại đều hoạt động ở 1 tỉnh hoặc tại 1 vài xã, huyện ở một số tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, chỉ 4 tổ chức TCVM đăng ký chính thức. Bảy mươi chín chương trình, dự án TCVM hoặc chưa đủ điều kiện, hoặc không có ý định chuyển đổi chính thức trong tương lai gần do năng lực tài chính thấp và nhân lực mỏng, chất lượng thấp.
Thứ hai, nguồn vốn hoạt động hạn chế. Sản phẩm tiết kiệm chưa thật sự đa dạng và chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng, không có tiền gửi thanh toán. Các ngân hàng thương mại không mặn mà với việc cho tổ chức TCVM vay. Các nguồn tài trợ giảm khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Tổ chức TCVM bán chính thức không được phép huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện vượt quá 30% vốn chủ sở hữu.
Thứ ba, sản phẩm, dịch vụ chưa phong phú, chủ yếu thông qua kênh trực tiếp. Tổ chức TCVM chỉ được cung ứng sản phẩm cho vay và tiết kiệm bằng đồng Việt Nam, nhưng số lượng sản phẩm còn ít. Một số tổ chức TCVM đã phát triển phần mềm, nhưng hoạt động cho vay và gửi trực tuyến còn khá hạn chế, chủ yếu giao dịch tại chi nhánh của tổ chức TCVM. Sản phẩm khác quy mô rất nhỏ và không phát triển.
Thứ tư, chi phí hoạt động cao. Tổ chức TCVM mang giao dịch đến gần khách hàng. Điều này khiến khối lượng công việc của cán bộ, đặc biệt là cán bộ tín dụng tăng lên đáng kể, chi phí hoạt động trên một đồng vốn vay lớn so với tổ chức tín dụng khác.
Thứ năm, nguồn nhân lực hạn chế. Cán bộ của tổ chức TCVM thường có kỹ năng xã hội tốt, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc, nhưng kiến thức chuyên sâu về TCVM, quản lý khách hàng, quản trị rủi ro hạn chế. Thu nhập tương đối thấp so với tổ chức tín dụng khác, địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nên việc thu hút cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm không dễ dàng.
Thứ sáu, công tác quản trị, điều hành, quản lý rủi ro còn hạn chế. Cơ cấu quản trị điều hành chưa mang tính tự chủ, độc lập. Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa hiệu quả. Một số tổ chức chưa thành lập bộ phận quản lý rủi ro.
Thứ bảy, môi trường công nghệ tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và tổ chức tín dụng khác tham gia thị trường nông nghiệp, nông dân và nông thôn dễ dàng hơn với chi phí thấp. Các dịch vụ tài chính ngân hàng trực tuyến trở nên phổ biến với chi phí thấp. Quy định về định danh khách hàng điện tử (e-KYC) trong thanh toán và cho vay trực tuyến của tổ chức tín dụng, trong bối cảnh Việt Nam có mức độ phủ sóng internet và điện thoại thông minh đứng đầu trong khu vực, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho hoạt động ngân hàng phi chi nhánh phát triển. Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) ứng dụng dữ liệu lớn (big data) để nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Một số ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã dần coi nông nghiệp, nông dân và nông thôn là phân đoạn chiến lược trong tương lai.
Thứ tám, các quy định pháp lý hiện hành cho tài chính vi mô còn một số vướng mắc. Các quy định về hình thức pháp lý là công ty trách nhiệm hữu hạn, giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn góp của các bên... chưa tạo nhiều cơ hội tham gia của cá nhân, tổ chức. Khách hàng TCVM chỉ bao gồm một số nhóm nhất định, với quy mô dư nợ tối đa thấp (dưới 50 triệu), khó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng tăng trưởng. Các yêu cầu về tỷ lệ khả năng chi trả tăng chi phí hoạt động, giảm năng lực cấp tín dụng, tăng lãi suất, và giảm mức độ bền vững tài chính của tổ chức TCVM. Yêu cầu về phòng giao dịch chi nhánh và giới hạn nhận tiết kiệm tối đa không quá 1 triệu đồng/ngày chưa thực sự phù hợp với đặc trưng của tổ chức TCVM và thực tiễn Việt Nam hiện nay.
Thứ chín, tác động xấu từ biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều khách hàng cùng lúc. Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhiều khách hàng bị mất tài sản, nhà cửa, phương tiện sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hồi vốn của TCVM.
Thứ mười, sự suy giảm về nguồn tài trợ và quan tâm từ đối tác quốc tế đối với tài chính vi mô. Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, khó khăn về kinh tế của nhiều quốc gia phát triển dẫn đến sự suy giảm nguồn vốn hỗ trợ quốc tế cho hoạt động TCVM tại Việt Nam. Các dự án, chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho TCVM giảm dần, hoặc chuyển hướng sang tài chính toàn diện, bao phủ các hoạt động và đối tượng rộng hơn.
Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, một trong chín giải pháp được đề ra là phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính bảo đảm an toàn, hiệu quả. Để tăng cường vai trò của TCVM cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh, cần thực hiện một số nội dung sau:
Một là, hoàn thiện các quy định pháp lý về tài chính vi mô. Nghiên cứu điều chỉnh quy định về tỷ lệ khả năng chi trả để phù hợp đặc trưng tổ chức TCVM, từ đó giúp tăng năng lực cấp tín dụng và giảm lãi suất đầu ra. Các quy định về phòng giao dịch, chi nhánh nên cho phép linh hoạt hơn, có thể bỏ giới hạn 1 triệu đồng/ngày, áp dụng như với Ngân hàng chính sách xã hội hay Quỹ tín dụng nhân dân. Nghiên cứu hình thành biện pháp khuyến khích để tăng số lượng tổ chức TCVM chính thức; nghiên cứu biện pháp cụ thể, như đào tạo nhân lực, tư vấn bồi dưỡng, gắn kết TCVM với khuyến nông, phát triển cộng đồng để thúc đẩy TCVM vì mục tiêu nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện đại, hiệu quả.
Hai là, phát triển thị trường tài chính vi mô, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô chủ chốt. Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hoạt động an toàn, hiệu quả của các tổ chức tín dụng trên thị trường TCVM. Mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chuyển đổi ngành, nghề nông thôn.
Ba là, các tổ chức tài chính vi mô nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số mạnh mẽ, phát huy thế mạnh và giảm thiểu điểm yếu. Tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí giao dịch, tăng mức độ tiếp cận khách hàng, tăng minh bạch trong hoạt động, quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Phát triển sản phẩm trên các ứng dụng (app), áp dụng ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây (cloud) trong quản lý dữ liệu khách hàng, liên lạc và chăm sóc khách hàng thường xuyên thông qua các phương tiện và app miễn phí, như zalo, facebook, viber, áp dụng e-KYC cho phát triển khách hàng. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ, phối kết hợp với doanh nghiệp fintech. Phát triển hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ hỗ trợ cho nghiệp vụ tín dụng hiệu quả. Đa dạng hóa nguồn vốn, tập trung tăng huy động tiết kiệm. Tăng vốn chủ sở hữu thông qua tăng lợi nhuận để lại và khuyến khích chủ sở hữu góp thêm vốn. Đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm tín dụng đa năng, tín dụng theo chuỗi giá trị, tín dụng hạn mức, tín dụng xanh, tín dụng tuần hoàn, tín dụng cầm cố bằng sổ tiết kiệm với các hình thức trả gốc và lãi linh hoạt. Thử nghiệm phát triển sản phẩm trực tuyến. Khuyến khích bán chéo, bán theo gói sản phẩm. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phi tài chính, giúp nâng cao dân trí tài chính của người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý từng loại rủi ro tín dụng, hoạt động, thanh khoản. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nhân lực nội bộ thông qua đào tạo tại chỗ, chọn nguồn nhân lực chất lượng cao từ đơn vị, cá nhân có xu hướng quan tâm phát triển cộng đồng. Có cơ chế khuyến khích nhân lực tiềm năng làm việc cho tổ chức TCVM từ cá nhân, gia đình sử dụng dịch vụ tài chính vi mô hoặc tổ chức có liên quan để tìm được nguồn nhân lực tốt và hiểu về tổ chức TCVM, sẵn lòng làm việc vì cộng đồng một cách tận tâm, chuyên nghiệp./.
----------------------------
(1) Xuân Thảo: Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2030, Cổng thông tin điện tử Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài chính), ngày 22-7-2022, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM239882
(2) Đỗ Hương: Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, Báo Điện tử Chính Phủ, ngày 29-12-2023, https://baochinhphu.vn/nganh-nong-nghiep-tang-truong-cao-nhat-trong-10-nam-qua-102231229192024679.htm#
(3) Tổng cục Thống kê: Thống kê dân số Việt Nam. https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0202&theme=D%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20v%C3%A0%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng
(4) Tổng cục Thống kê: Tình hình thị trường lao động Việt Nam, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023/
(5) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2024), “Tài chính vi mô thúc đẩy tài chính toàn diện: Thực trạng và giải pháp”, Báo cáo của Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước ngày 16-5-2024
(6) Ngân hàng Phát triển châu Á: Định hình lại khu vực tài chính vi mô của Việt Nam: Một số khuyến nghị cải cách thể chế và pháp lý, Tài liệu làm việc của ADB Đông Nam Á số 20, tháng 11-2021 (Asian Development Bank - ADB: Reimagining Vietnam’s microfinance sector: Recommendations for institutional and legal reforms, ADB Southeast Asia working paper No. 20, November 2021), https://www.adb.org/sites/default/files/publication/752541/sewp-020-reimagining-viet-nam-microfinance-sector.pdf
(7) Tạp chí Thanh tra Việt Nam: “Áp lực nợ xấu tăng cao tại nhiều ngân hàng”, ngày 5-8-2024, https://thanhtravietnam.vn/thuc-tien-va-chinh-sach/xay-dung-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-minh-bach-phat-trien/ap-luc-no-xau-tang-cao-tai-nhieu-ngan-hang-209544.html#
(8) CEP: Báo cáo tài chính cho năm kết thúc, Tổ chức tài chính vi mô CEP, ngày 31-12-2023, https://cep.org.vn/wp-content/uploads/2024/03/Bao-cao-tai-chinh-2023_vn.pdf
PGS, TS Lê Thanh Tâm - PGS, TS Vũ Thanh Sơn
Trường Đại học Kinh tế quốc dân - Ban Tổ chức Trung ương
Theo Tạp chí Cộng sản