Lực hấp dẫn hoạt động như thế nào trong kinh tế? Điều này được lý giải cụ thể như sau: Nền kinh tế của hai quốc gia tương tác (thương mại) với nhau sẽ tỷ lệ thuận về quy mô (tức là GDP) và tỷ lệ nghịch về khoảng cách giữa hai quốc gia đó. Nền kinh tế với quy mô càng lớn, khi nhưng yếu tố khác đều tương đương - kim ngạch ngoại thương của nó với tất cả những quốc gia khác sẽ càng lớn hơn. Đồng thời, hoạt động thương mại với các nước láng giềng về mặt địa lý diễn ra sôi động hơn nhiều so với các nước cùng quy mô kinh tế nhưng ở khoảng cách xa.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ba nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu - đang có hoạt động thương mại nhiều nhất với nhau, còn đối với các quốc gia còn lại, ba nền kinh tế này (hoặc một trong số đó) đang đóng vai trò đối tác thương mại chính (hoặc tối thiểu là một trong số). Về khía cạnh địa lý, ba nền kinh tế này nằm tương đối gần với các quốc gia khác. Điều đó giúp xác định được cả sức mạnh kinh tế, lẫn tầm ảnh hưởng chính trị của các quốc gia này (xem Hình 1).
Hình 1. Quy mô GDP nền kinh tế của các nước
* GDP (PPP) năm 2018 theo số liệu của IMF.
Nguồn: Econs (worldmapper.org).
Một câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Trước tiên, các nền kinh tế lớn nhất có thị trường tiêu thụ khổng lồ. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ những quốc gia khác, điều này mang lại cơ hội tuyệt vời để gia tăng sản lượng và lợi nhuận. Riêng các nền kinh tế nhỏ thì không có được những cơ hội như thế. Thứ hai, nếu như các nền kinh tế quy mô lớn nhất là đối tác thương mại chính của các nền kinh tế nhỏ, thì những nền kinh tế quy mô nhỏ và thậm chí là cả lớn, cũng chỉ chiếm một phần khá nhỏ bé trong kim ngạch thương mại của các nền kinh tế lớn nhất.
Hình 2. Những dòng chảy thương mại quốc tế
Nguồn: Econs (Global Trade Finance, 2018).
Việc đánh mất thị trường của một nền kinh tế quy mô lớn nhất do gián đoạn quan hệ thương mại sẽ giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế quy mô nhỏ hơn nói chung và vào các doanh nghiệp nói riêng. Việc đánh mất thị trường địa phương của một nền kinh tế quy nhỏ chỉ là một điều phiền toái, chứ không phải là vấn đề đối với một nền kinh tế quy mô lớn nhất và các doanh nghiệp của nó. Điều này dẫn đến sự bất cân xứng: Đối với các nền kinh tế quy mô nhỏ, việc duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh tế với nền kinh tế quy mô lớn nhất quan trọng hơn nhiều so với điều ngược lại.
Trong số các nước khối BRICS, Trung Quốc vượt trội về quy mô kinh tế (xem Hình 3). Đối với các nước khác trong khối, hoạt động thương mại với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng (chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của Nga) hoặc vai trò quyết định (Braxin - 27%) căn cứ vào quy mô nền kinh tế của nước đó. Nói cách khác, nếu không có Trung Quốc, khối BRICS với tư cách là một liên minh kinh tế, sẽ mất đi nhiều ý nghĩa. Đương nhiên, theo thời gian, kinh tế Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng với tiềm lực về dân số, có thể bắt kịp Trung Quốc. Nhưng đó là một quá trình mang tính dài hạn (theo dự báo của Liên hợp quốc[1], dù Ấn Độ vượt Trung Quốc về dân số vào năm 2023, nhưng theo tính toán của IMF, quy mô nền kinh tế của nước này trong những năm tới sẽ vẫn nhỏ hơn khoảng 5 lần[2] của Trung Quốc).
Hình 3. GDP các nước khối BRICS năm 2021, tỷ USD
Nguồn: Econs (IMF).
Tất nhiên, không phải mọi thứ đều được xác định bởi quy mô và khoảng cách, nhưng cả hai chỉ số này đều quan trọng. Liên quan đến khoảng cách, đặc thù hoạt động thương mại không chỉ quy định sự hiện hữu của biên giới giữa các quốc gia, mà còn cả cơ sở hạ tầng của biên giới, sự sẵn có của các tuyến đường biển mà chủ yếu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa trên thế giới, sự bổ sung lẫn nhau của cơ cấu kinh tế và ngoại thương (bao gồm cả tính độc đáo của các hàng hóa được xuất khẩu), sự sẵn có của các mối quan hệ chính trị, lịch sử, di cư và văn hóa giữa các quốc gia, ngôn ngữ chung hoặc ngôn ngữ tương đồng, v.v. Nhưng những đặc điểm này, nhiều khả năng, sẽ bổ sung những điều chỉnh vào quy tắc chung, mà xuất phát từ thuyết lực hấp dẫn. Vượt qua được lực hấp dẫn là điều hoàn toàn có thể, nhưng đòi hỏi những nỗ lực đáng kể.
Từ đó có thể thấy, lý thuyết lực hấp dẫn chỉ ra rằng, việc duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu và Mỹ trên cơ sở bình đẳng sẽ phải là ưu tiên của Trung Quốc.
Như vậy, từ việc nghiên cứu thực tiễn lý thuyết lực hấp dẫn về kinh tế ở trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với Việt Nam. Theo đó, trước tiên, điều quan trọng là phải hiểu rõ rằng, cũng như đối với nhiều quốc gia có nền kinh tế quy mô nhỏ, việc mở rộng thương mại với các nền kinh tế quy mô lớn nhất không chỉ là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mà còn là cơ hội để đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Nhưng điều này cần một loạt các biện pháp hướng tới việc giảm thiểu áp lực lên doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nền kinh tế lớn nhất. Trong dài hạn, cách để Việt Nam thoát ra khỏi lực hấp dẫn của các nền kinh tế quy mô lớn nhất chính là tự tạo ra lực hấp dẫn của chính mình.
Nguyễn Quang Huy, Vụ Kinh tế tổng hợp
Tài liệu tham khảo: Econs.online.