Xanh hóa các thành phố tại Hàn Quốc - Nghiên cứu điển hình của Incheon và Seoul
Hầu hết các thành phố của Hàn Quốc đã gần như đô thị hóa hoàn toàn nên những nỗ lực của chính quyền địa phương để xanh hóa thành phố sẽ là không tạo ra thành phố mới mà đổi mới các thành phố hiện tại, cải thiện hệ thống giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện sự bền vững của môi trường. Mỗi thành phố phải đưa ra mô hình tăng trưởng xanh cácbon thấp và xây dựng kế hoạch để thực hiện:
(1) quy hoạch không gian nhằm giảm phát thải khí nhà kính;
(2) kết nối những xu hướng quan sát được trong các mô hình đi lại vào quy hoạch giao thông của thành phố để giúp giảm cường độ năng lượng;
(3) mở rộng áp dụng các cơ sở hạ tầng xanh (ví dụ, các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo, thu hồi nước mưa và hệ thống tái chế).
Những kế hoạch này phải phản ánh được đặc điểm địa lý, xã hội và văn hóa của thành phố và sẽ được trung ương đầu tư một số hạng mục, đồng thời đưa ra phương án sắp xếp phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Kế hoạch “Xe xanh Thành phố thông minh” của Seoul và “Thành phố xanh cácbon thấp” của thành phố Gangneung là các ví dụ về cách lồng ghép khái niệm tăng trưởng xanh vào quá trình quy hoạch đô thị ở Hàn Quốc.
Ảnh minh họa
- Nghiên cứu điển hình của Seoul (Xe xanh Thành phố thông minh)
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc được biết đến với mật độ dân số cao và lưu lượng giao thông lớn. Mặc dù Chính quyền Thành phố Seoul cung cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đường cao tốc, các tuyến tàu điện ngầm nhưng phải đến những năm đầu của thập niên 1990 mới bắt đầu tập trung vào việc giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông. Chương trình tính phí tắc nghẽn được đưa vào áp dụng như một phương pháp kiểm soát việc sử dụng các phương tiện cá nhân. Dù lưu lượng giao thông giảm đáng kể và tốc độ đi lại trung bình tăng lên, nhưng những lo ngại về chất lượng không khí và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe ngày càng tăng đã buộc Chính quyền Thành phố Seoul phải thực hiện những bước tiếp theo để nâng cao chất lượng môi trường.
Năm 2002, Chính quyền Thành phố công bố kế hoạch thay thế tất cả các xe buýt thành phố chạy bằng nhiên liệu diesel sang xe buýt sử dụng khí nén tự nhiên với tham vọng đưa Seoul trở thành thành phố dẫn đầu toàn cầu trong việc triển khai xe xanh và hệ thống giao thông xanh thông qua đề xuất “Xe xanh, Seoul thông minh” vào tháng 11 năm 2010.
“Xe xanh” là các phương tiện giảm thiểu ô nhiễm không khí và có hiệu quả nhiên liệu cao so với xe xăng và diesel thông thường (ví dụ như, xe điện, hybrid và dùng pin nhiên liệu). Chính quyền Thành phố Seoul đã thiết lập mục tiêu đầy tham vọng triển khai 120.000 xe điện vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, 50% số xe buýt công cộng và các loại xe thuộc sở hữu của các tổ chức nhà nước, 10% số xe tư nhân, và 1% các loại xe chở hàng phải được thay thế bằng các loại xe tương ứng chạy bằng điện. Để đẩy nhanh việc triển khai xe xanh, 110.000 trạm nạp điện cho xe được cung cấp vào năm 2020. Chiến lược cụ thể như sau:
• Nhu cầu bền vững: Chính quyền Thành phố đưa ra quy định bắt buộc các tổ chức nhà nước phải mua xe xanh, hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu và phát triển liên quan đến sự phát triển của công nghệ xe xanh.
• Đẩy mạnh tăng trưởng thị trường: Các khoản trợ cấp được cung cấp cho việc mua và sử dụng xe xanh, tăng cường đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng của thành phố về nạp điện cho xe.
• Tăng cường hỗ trợ lấy người sử dụng làm trung tâm: ban hành nhiều luật và chính sách khác nhau dành riêng cho người sử dụng xe xanh để cung cấp các ưu đãi và miễn thuế, chẳng hạn như miễn trả phí tắc nghẽn và được vào chỗ đậu xe dành riêng.
- Triển khai xe buýt chạy khí nén (Seoul)
Năm 2002, Chính quyền Thành phố Seoul bắt tay vào việc thay thế xe buýt sử dụng diesel, nguồn chính gây ô nhiễm không khí thành xe buýt chạy khí nén nhằm làm trong sạch bầu không khí và cải thiện mức tiêu thụ năng lượng. Đến năm 2014, tất cả các xe buýt nội thành ở Seoul đã được thay thế thông qua chương trình triển khai xe buýt khí nén. Chính quyền Thành phố mua xe buýt khí nén bằng ngân sách trung ương và thành phố với tỷ lệ 50:50, mua bổ sung xe buýt cộng đồng và xe buýt du lịch, đầu tư thiết lập các trạm nạp khí nén trên toàn thành phố. Xe buýt khí nén giúp tránh phát thải các hạt ô nhiễm, cắt giảm lượng khí thải oxit nitơ, cải thiện mức tiêu thụ năng lượng nên dù không sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và không phải hoàn toàn vô hại đối với môi trường nhưng nó đã góp phần đáng kể vào việc giảm mức độ ô nhiễm, chất lượng không khí của Seoul được cải thiện rõ rệt.
- Triển khai xe buýt điện (Seoul)
Với sự thành công của việc triển khai xe buýt khí nén, Chính quyền Thành phố Seoul trong năm 2010 đã giới thiệu các xe buýt điện ít gây ô nhiễm hơn nữa. Xe buýt điện đầu tiên hoạt động tại Seoul được giới thiệu tại Namsan, khu vực biểu tượng của Seoul. Các xe buýt điện được phát triển do một nhà sản xuất trong nước, được hỗ trợ tài chính bởi Chính quyền Thành phố Seoul. Họ trực tiếp mua tổng cộng 15 xe buýt hoạt động trên ba tuyến đường khác nhau. Xe buýt điện Namsan đã thu hút được sự chú ý của người dân, góp phần trong việc thu hút sự quan tâm toàn cầu về công nghệ thân thiện với môi trường của Hàn Quốc. Xe buýt điện đã trở thành biểu tượng du lịch cho du khách đến Namsan và biểu tượng nhận thức về môi trường của Seoul.
Dự định của Chính quyền Thành phố Seoul là triển khai 337 xe buýt điện vào năm 2014, nhưng việc này đã bị dừng lại do thiếu kinh phí và những thách thức kỹ thuật. Việc mua xe buýt điện đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn của chính phủ nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp nên đã bị công chúng chỉ trích. Xe buýt điện bộc lộ nhiều hạn chế kỹ thuật khi vận hành như yêu cầu nạp điện thường xuyên, dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết cực nóng và cực lạnh dẫn đến dịch vụ thường xuyên bị hủy. Mặc dù Chính quyền Thành phố Seoul thất bại trong việc phổ biến xe buýt điện nhưng sáng kiến này đã đóng vai trò quan trọng, gia tăng sự quan tâm của cộng đồng về xe điện và các công nghệ xanh khác có liên quan.
- Chương trình chia sẻ xe (Seoul)
Với mục đích giảm sở hữu xe hơi không cần thiết cũng như thúc đẩy “văn hóa chia sẻ, Seoul phát động một chương trình chia sẻ xe được gọi là “Dịch vụ xe Nanum” vào tháng 2 năm 2013 nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông và giải quyết vấn đề đậu xe.” Dịch vụ này mong muốn các cá nhân có nhu cầu cùng sử dụng xe hãy chia sẻ thay cho việc đi thuê xe hoặc sử dụng dịch vụ taxi hoặc giao hàng.
Sự khác biệt lớn giữa Dịch vụ xe Nanum và cho thuê xe thông thường là dịch vụ này có thể được thực hiện dễ dàng thông qua Internet, điện thoại di động hoặc dịch vụ ARS (Hệ thống trả lời tự động); chi phí rẻ vì nó tương xứng với số giờ sử dụng thực tế. Khoảng 20% xe thuộc Dịch vụ xe Nanum là xe điện và hybrid. Dịch vụ này được sử dụng đối với những người trên 21 tuổi và có ít nhất một năm kinh nghiệm lái xe. Phí được tính tự động thông qua thẻ tín dụng đăng ký trong quá trình xin làm thành viên của dịch vụ thông qua Internet. Chi phí nhiên liệu tiêu thụ được tính tùy thuộc vào khoảng cách đi thực tế. Người dùng có thể nhận xe tại các địa điểm được lựa chọn trước trong khoảng thời gian 30 phút sau khi đặt xe, dịch vụ tự động kết thúc khi người dùng trả lại chiếc xe về địa điểm lúc nhận. Lợi thế của Dịch vụ xe Nanum là hoạt động trên một hệ thống không cần người điều khiển, cho phép truy cập 24 giờ và tránh được những rắc rối của việc ký hợp đồng.
Dịch vụ xe Nanum được cung cấp bởi nhiều đơn vị tư nhân được lựa chọn thông qua quá trình đấu thầu rộng rãi. Chính quyền Thành phố Seoul là đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động dịch vụ và bảo trì, có quyền chọn hoặc thay thế các đơn vị tư nhân tham gia, xác định tiêu chuẩn dịch vụ thống nhất, đưa ra các ưu đãi như giảm phí đỗ xe công cộng cho xe Nanum.
Cơ cấu quản lý hiệu quả này giúp cải thiện chất lượng và tăng độ bao phủ của dịch vụ. Để đảm bảo đủ số lượng xe ô tô điện có sẵn, chính phủ trung ương và Chính quyền Thành phố Seoul trợ cấp việc mua sắm xe ô tô cho các tổ chức tư nhân tham gia. Xe Nanum cung cấp dịch vụ tại các địa điểm trên khắp Seoul, chủ yếu ở các bãi đỗ xe công cộng, bãi đỗ xe của các cơ quan chính phủ. Sự gia tăng ổn định về số thành viên đã dẫn đến sự gia tăng trong việc sử dụng. Sự hài lòng của công chúng với dịch vụ khá cao; trong các cuộc khảo sát, hầu hết người sử dụng có phản hồi tích cực về chất lượng dịch vụ, họ nói rằng giảm được số lượng lượt đi và khoảng cách đi bằng cách tham gia vào các chương trình chia sẻ xe, họ đã sẵn sàng bỏ xe cá nhân hoặc bỏ ý định mua xe nếu các dịch vụ Nanum trở nên dễ tiếp cận hơn. Nhờ những nỗ lực tiên phong của Chính quyền Thành phố, các chương trình chia sẻ xe tương tự đang lan rộng nhanh chóng trên các khu vực của đất nước, bao gồm tỉnh Gyeonggi, thành phố Incheon và đảo Jeju.
Sau sự ra mắt chính thức của chương trình, Chính quyền Thành phố Seoul lại phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ công chúng về việc quản lý và hoạt động của dịch vụ. Ví dụ, sự chênh lệch về số lượng xe để chia sẻ tại các địa điểm khác nhau dẫn đến việc thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu. Có nhiều phàn nàn về việc phải đưa xe Nanum trở lại vị trí ban đầu. Thực tế việc phí sử dụng chỉ có thể được chi trả bằng thẻ tín dụng đã đăng ký trước là khá bất tiện. Chính quyền phải hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân để sửa chữa những khiếm khuyết đó và tăng số lượng cũng như mức độ ưu đãi dành cho xe Nanum.
- Nghiên cứu điển hình ở Gangneung (Thành phố xanh cácbon thấp)
Thành phố Gangneung là một trung tâm giao thông lớn, nơi có đường cao tốc, đường sắt và đường biển. Nằm trên bờ biển phía đông của đất nước với môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp, Gangneung có tiềm năng lớn trong sản xuất năng lượng tái tạo cũng như phát triển công nghiệp du lịch. Vì vậy, Gangneung đã xác định tiềm năng giao thông xanh, năng lượng xanh, và du lịch xanh là mục tiêu chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Năm 2009, Gangneung là nơi làm thí điểm đầu tiên về “Thành phố xanh cácbon thấp” của quốc gia, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển thành phố mới. Dựa trên sự tham vấn của các nhóm chuyên gia, các tổ chức tư nhân, các viện nghiên cứu của nhà nước cũng như từ kết quả của hội nghị quốc tế về phát triển đô thị, kế hoạch quy hoạch tổng thể dựa trên 6 ý tưởng chính:
(1) quy hoạch sử dụng đất thân thiện với môi trường;
(2) giao thông xanh;
(3) bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên;
(4) tối ưu hóa sử dụng năng lượng;
(5) tạo điều kiện quay vòng nước và tài nguyên;
(6) du lịch xanh.
Kế hoạch hành động dự kiến có mục đích giảm được lượng phát thải khí nhà kính, giảm năng lượng sử dụng và mở rộng không gian sinh thái xanh.
Căn cứ vào quy hoạch tổng thể, tổng cộng 29 dự án sẽ được thực hiện thành ba giai đoạn trong thời kỳ 2011-2020.
• Giai đoạn đầu (2011-2012) có 9 dự án thực hiện trong khoảng thời gian ngắn; các dự án này bao gồm tạo ra các đường xe đạp, thành lập các cơ sở năng lượng tái tạo ở nhà máy xử lý nước thải Gangneung, trang bị thêm cho các cơ sở trường học với các biến số năng lượng thấp.
• Giai đoạn thứ hai (2011-2016) tập trung vào việc xây dựng nền móng cho một thành phố xanh, bao gồm 15 hành động cấp dự án như phòng chống ùn tắc giao thông tại các trung tâm thành phố và các trung tâm du lịch thông qua tổ chức lại hệ thống giao thông, tạo ra một công viên sinh thái bằng cách khôi phục Hồ Soonpogae trở lại trạng thái sinh thái tự nhiên của nó, xây dựng các khu phục hồi sức khoẻ kết nối khu vực miền núi với các trung tâm y tế vùng.
• Giai đoạn thứ ba (2011-2020) tìm cách thu hút đầu tư tư nhân vào 5 dự án quy mô lớn trong một khung thời gian dài hơn. Hoạt động bao gồm việc xây dựng các tổ hợp thử nghiệm nghiên cứu và phát triển để giới thiệu các công nghệ năng lượng tái tạo phù hợp với các đặc điểm khu vực, lắp đặt nhà máy điện sinh khối có khả năng chuyển đổi chất thải thành năng lượng, đưa vào sử dụng lưới điện và hệ thống quản lý năng lượng thông minh. Hầu hết các đơn vị triển khai dự án là các tổ chức chính phủ, chính quyền tỉnh và các bộ ngành, chỉ có một số ít dự án có khả năng thương mại cao như thiết lập tổ hợp công nghiệp xanh và nhà ở không cácbon là được thực hiện bởi tư nhân. Khoảng 1 nghìn tỷ won dự kiến sẽ được chi cho ba giai đoạn này cho thấy sự cần thiết phải có sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền trung ương và chính quyền tỉnh để chúng trở thành các khoản đầu tư thực tế.
Tính đến năm 2013, tất cả 9 dự án trong giai đoạn thực hiện đầu tiên đã được triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, sau khi thành lập chính phủ mới, động lực thí điểm Gangneung như một thành phố xanh cácbon thấp đầu tiên của quốc gia đã bị suy giảm, nhưng những kết quả dự kiến trong dài hạn đã gây sức ép lên chính quyền thành phố buộc họ phải tích cực thúc đẩy chương trình nghị sự này.
- Nhà máy xử lý nước thải sử dụng năng lượng tái tạo (Gangneung)
Trong nhà máy xử lý nước thải Gangneung, chính phủ đã xây dựng một nhà máy điện mặt trời công suất 890 kW và cơ sở năng lượng gió công suất 3KW giai đoạn 2010-2012 với tổng giá trị đầu tư 5,24 tỷ won.
Hệ thống đèn đường của nhà máy xử lý nước thải dùng năng lượng tái tạo để giảm tiêu thụ năng lượng. Kết quả là, tổng cộng 1.140 MWh năng lượng đang được cung cấp hàng năm từ các nguồn năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 15% tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm.
- Hệ thống tái sử dụng nước ở sân vận động thể thao Gangneung (Gangneung)
Năm 2011, Sân vận động thể thao Gangneung lắp đặt một hệ thống tái sử dụng nước cung cấp 100 m3 nước mỗi ngày dùng để tưới cỏ và chữa cháy. Hệ thống này thu nước thải từ tổ hợp khu căn hộ lân cận và sử dụng một màng phản ứng sinh học (MBR) và các công nghệ xử lý oxy hóa tiên tiến (AOP) để xử lý. Ngoài ra, các sân vận động được lắp đặt một hệ thống thu nước mưa ở trên mái sân cung cấp 10 m3 nước từ quá trình xử lý lọc đơn giản dùng cho mục đích xả bồn cầu. Chính quyền trung ương và các nhà đầu tư tư nhân cùng gánh vác chi phí đầu tư này.
- Đường sinh thái xanh (Gangneung)
Trong giai đoạn 2010-2011, thành phố Gangneung xây dựng đường giao thông sinh thái xanh, kéo dài thêm 11,5 km đường đi bộ hiện có gần Hồ Gyeongpo, một khu du lịch trọng điểm. Đường sinh thái xanh là những con đường thân thiện với môi trường dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Khoản đầu tư hàng tỷ won được chi cho việc trồng cây bên đường, cải tạo rừng sinh thái, che phủ và làm các tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Ngân sách đến từ nhiều nguồn khác nhau, chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh và chính quyền thành phố. Nhằm tối đa hoá các cơ hội du lịch, dự án còn xây dựng các khu du lịch giải trí, một đài quan sát hệ sinh thái, sinh cảnh (không gian nhân tạo mô phỏng môi trường sống tự nhiên) cùng với các con đường sinh thái xanh.
4. Nông nghiệp đô thị
Nông nghiệp đô thị là việc sử dụng một mảnh đất đô thị trồng hoa màu phục vụ các mục đích khác nhau bao gồm cả giải trí và giáo dục. Nông nghiệp đô thị có thể thực hiện ở nhiều địa điểm vị trí khác nhau, ví dụ những mảnh đất chưa được sử dụng hết, mái nhà, ban công. Để thu hút sự quan tâm của công chúng, chính phủ đã ban hành Kế hoạch 5 năm về Nông nghiệp đô thị (2013-2017). Kế hoạch này nêu rõ vai trò của nông nghiệp đô thị trong việc cải thiện chất lượng lượng cuộc sống cư dân đô thị, quyết định mở rộng quy mô của nông trại đô thị lên 1.500 ha và số lượng nông dân đô thị lên 2 triệu người vào năm 2017. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều chương trình đa dạng, hỗ trợ kỹ thuật, hành chính, tài chính, ban hành Đạo luật về Phát triển và Hỗ trợ Nông nghiệp đô thị, phân loại nông nghiệp đô thị thành 5 loại theo mục đích hoặc bối cảnh địa lý:
(1) nông nghiệp trong nhà dân;
(2) nông nghiệp gần nơi cư trú ở khu vực chung của các khu tổ hợp dân cư;
(3) nông nghiệp trung tâm thành phố ở những khu vực đất trống của các tòa nhà;
(4) nông nghiệp quy mô lớn tập thể;
(5) nông nghiệp giáo dục.
Hỗ trợ điển hình nhất của chính quyền địa phương là thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết cho nông nghiệp đô thị. Thông qua quảng cáo, chính quyền địa phương nhận được các đề nghị tài trợ thiết bị nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào như hạt giống, phân bón. Ví dụ, quận Seongbuk của Seoul định kỳ nhận được đơn từ các trường học, các trung tâm chăm sóc ban ngày. Các đại diện cộng đồng dân cư có kế hoạch chuyển đổi lô đất không sử dụng của họ thành đất canh tác. Khi có yêu cầu, văn phòng quận cử “các cán bộ hỗ trợ nông nghiệp đô thị” đến để đào tạo những kiến thức cần thiết.
Việc đảm bảo không gian rộng rãi để thực hành nông nghiệp đô thị là yếu tố quan trọng nhất. Chính quyền địa phương chủ động xác định và cung cấp các lô đất chưa sử dụng hết hoặc không sử dụng cho công chúng. Người đứng đầu cơ quan chính quyền địa phương thiết lập “các nông trại đô thị chia sẻ” ở các khu vực đất trống thuộc sở hữu nhà nước cho nông dân đô thị thuê. Các đơn vị tư nhân lấy đất để xây dựng các nông trại đô thị “thương mại” cho thuê. Cơ quan chính quyền ủng hộ sự tham gia của khu vực tư nhân bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo miễn phí, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bộ Nông nghiệp thực phẩm và Nông thôn có trách nhiệm xây dựng các chiến lược toàn quốc và thiết lập các mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp đô thị chủ yếu thông qua việc lập kế hoạch 5 năm. Ủy ban Nông nghiệp đô thị thuộc văn phòng Bộ gồm các thành viên từ các cơ quan quản lý trung ương, học viện và khu vực tư nhân sẽ tư vấn chuyên môn cần thiết về chính sách của quốc gia. Chính quyền địa phương đảm nhận vai trò biến các chiến lược này thành các kế hoạch hành động cụ thể thông qua ngân sách riêng của địa phương. Nông dân đô thị hỗ trợ quá trình này bằng cách tạo ra “các cộng đồng nông nghiệp đô thị”, cùng nhau chia sẻ kiến thức và hợp tác.
Sau khi ban hành Luật về Phát triển và Hỗ trợ Nông nghiệp đô thị, các chính sách của chính quyền địa phương về thúc đẩy nông nghiệp đô thị tăng lên nhanh chóng. Số lượng địa phương thực hành nông nghiệp đô thị, tổng diện tích đất nông nghiệp, số lượng nông dân thành thị tăng đáng kể, tương đương khoảng 25% tổng dân số quốc gia làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Xét về quy mô phát triển, Seoul hiện đang dẫn đầu.
Nông nghiệp đô thị mang tới một loạt các lợi ích đáng kể: tự tạo thực phẩm ngay trong địa phương, bổ sung cây xanh đô thị, tạo ra các khu vực vui chơi giải trí. Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh xác nhận rằng nông nghiệp đô thị giúp tạo thêm việc làm mới cho các chuyên gia bởi sự đóng góp của các chuyên gia về phổ biến kiến thức là cực kỳ cần thiết.
Mật độ dân số ở thành phố rất cao nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn trong sử dụng đất đai. Việc đảm bảo cung cấp đủ đất là thách thức lớn nhất trong việc thúc đẩy nông nghiệp đô thị. Vì thế, điều quan trọng là chính quyền địa phương phải có quan điểm dài hạn trong việc thu hồi đất để cung cấp cho công chúng, phải có sự xem xét quy hoạch đô thị trong tương lai, các nông trại đô thị phải được đặt ở những vị trí phù hợp với đặc điểm phát triển của địa phương. Chính phủ cần ưu đãi cho việc mở các khu đất do tư nhân sở hữu, ban hànhcác biện pháp chính sách cần thiết cho phép thực hành nông nghiệp đô thị ở các khu vực được bảo vệ về môi trường hoặc ven sông. Việc tận dụng mái nhà và ban công của các tòa nhà cao tầng rất quan trọng, có thể giúp giảm bớt hiệu ứng “đảo nhiệt”. Còn đối với các nông trại tập thể thành lập ở những khu vực xa trung tâm đô thị rất dễ trở thành “trang trại cuối tuần” ít được chăm sóc hoặc thậm chí bị bỏ hoang theo thời gian.
Cẩm Tú (tổng hợp)