Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Các nền kinh tế không thuộc liên minh cạnh tranh địa chính trị của Mỹ và Trung Quốc đang đóng vai trò trung gian ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại và đầu tư.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) và Đại học Cambridge, trong khi hoạt động đầu tư giữa các liên minh này giảm mạnh do tình trạng phân mảnh địa chính trị, thì dòng vốn đầu tư hướng vào “các quốc gia trung lập”, hay còn gọi là các quốc gia cầu nối/liên kết lại tăng lên.
Dòng vốn đầu tư vào các quốc gia cầu nối phần nhiều được thúc đẩy bởi nỗ lực của các nhà đầu tư tiếp cận những thị trường quy mô lớn tại các khối cạnh tranh địa chính trị, bằng cách sử dụng “các vùng lãnh thổ trung lập”. Sự tương tác giữa nền kinh tế của các “quốc gia trung lập” với các nền kinh tế lớn, cũng như năng lực sản xuất và sự thông thoáng trong hoạt động kinh doanh, cụ thể là thông qua các đặc khu kinh tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia cầu nối ngày càng trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, khi giúp duy trì các quan hệ thương mại và đầu tư trong bối cảnh phân mảnh.
Định vị lại dòng vốn đầu tư
Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu EBRD và Đại học Cambridge về các mô hình dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những dự án mới (hay còn gọi là greenfield investments) dựa trên các công bố về những khoản đầu tư như thế được thu thập từ đầu năm 2003 đến hết tháng 3/2024 (Tổng cộng có hơn 290 nghìn dự án đầu tư tại 194 nền kinh tế cung cấp và tiếp nhận vốn đầu tư được nghiên cứu). Theo đó, ưu điểm của việc nghiên cứu các công bố về các dự án FDI chính là việc chúng đóng vai trò như chỉ báo liên quan những thay đổi trong tương lai về khía cạnh địa lý của chuỗi sản xuất và cung ứng, cũng như quan hệ mật thiết đến các sự kiện địa chính trị khác nhau, chẳng hạn như việc áp dụng các biện pháp của chính sách công nghiệp hoặc trừng phạt. Dòng vốn FDI thực tế được giải ngân có thể chậm hơn nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm so với những thay đổi về địa chính trị.
Thế giới chia làm 3 khối
Nghiên cứu này chia kinh tế thế giới thành ba nhóm các quốc gia. “Khối thân Mỹ” bao gồm các nước đã áp đặt những biện pháp trừng phạt về thương mại và tài chính đối với Nga vào năm 2022 (ngoài Mỹ còn có EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài quốc gia khác). “Khối thân Trung Quốc”, ngoài Trung Quốc và Hồng Kông, còn bao gồm Nga và các quốc gia khác không ủng hộ nghị quyết lên án Nga của Liên hợp quốc (như Eritrea, Nicaragua, Triều Tiên, Syria, Mali). Tất cả các quốc gia khác được coi là trung lập - đây chính là những quốc gia liên kết, có khả năng đóng vai trò là cầu nối giữa hai khối địa chính trị còn lại.
“Khối thân Mỹ” là các nước tiếp nhận và cung cấp dòng vốn FDI chủ yếu, khi chiếm 56% dòng đầu tư vào và 84% dòng đầu tư ra. Đối với “khối thân Trung Quốc”, những chỉ số này lần lượt là 11% và 5%. 33% còn lại của dòng đầu tư vào và khoảng 11% của dòng đầu tư ra thuộc về “các quốc gia trung lập” trong giai đoạn nghiên cứu - như vậy, khối này tiếp nhận nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tư ra.
Trong tổng dòng vốn của toàn bộ các dự án đầu tư mới, tỷ trọng dòng vốn đầu tư giữa hai khối thân Mỹ và thân Trung Quốc đang giảm, tỷ trọng dòng đầu tư nội khối nhìn chung vẫn ổn định và tỷ trọng dòng vốn đầu tư liên quan đến các quốc gia cầu nối đang tăng lên.
Vì vậy, nếu như trong giai đoạn 2010-2011, tỷ trọng dòng vốn đầu tư giữa các nước trong khối thân Mỹ và thân Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng dòng vốn đầu tư toàn cầu, thì trong giai đoạn 2023-2024, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 10%. Tỷ lệ dòng vốn đầu tư của các quốc gia nội khối đã tăng nhẹ trong cùng giai đoạn so sánh, từ dưới 50% lên hơn 50%, và điều này cũng có thể cho thấy sự gia tăng hội nhập kinh tế giữa các nước trong khối. Những dự án đầu tư liên quan đến các quốc gia trung lập (cả từ bên ngoài lẫn nội bộ các quốc gia này) dần chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu dòng đầu tư quốc tế.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, Mexico và UAE là cao nhất. Theo báo cáo nghiên cứu của EBRD và Đại học Cambridge, số lượng các dự án của Trung Quốc đầu tư tại các quốc gia này trong giai đoạn 2022 - đầu năm 2024 tăng trung bình mỗi quý khoảng 5-6 dự án so với giai đoạn 2013-2021. Trong khi đó, Trung Quốc đã cắt giảm mạnh nhất các dự án đầu tư mới vào Ấn Độ, Nga, Anh, Mỹ và Đức (trung bình mỗi quý khoảng 3-5 dự án).
Số lượng các dự án do Mỹ đầu tư trong cùng giai đoạn tăng nhiều nhất tại Ấn Độ (mỗi quý tăng tới 54 dự án) và UAE (tăng 25 dự án). Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha và Costa Rica cũng cho thấy mức tăng khá rõ ràng, khoảng 8 dự án mỗi nước. Giảm mạnh nhất là các dự án đầu tư vào Trung Quốc (trung bình mỗi quý giảm hơn 30), Anh và Đức (lần lượt giảm 17 và 12).
Các chuyên gia kinh tế EBRD và Đại học Cambridge ước tính dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai khối địa chính trị đã giảm 30% kể từ quý II/2022 so với dòng vốn đầu tư nội khối, bao gồm dòng vốn đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc giảm 50%. Trong cùng kỳ, các dòng đầu tư liên quan đến các nước trung lập cũng tương đương nội khối, và các dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nền kinh tế cầu nối tăng 50%.
Về lý thuyết, sự phân mảnh địa chính trị, ngược lại, có thể dẫn đến sự gia tăng dòng vốn đầu tư giữa các khối: Chẳng hạn, Trung Quốc có thể tăng đầu tư vào Mỹ để ứng phó với việc tăng thuế đối với hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ, nhằm nội địa hóa sản xuất ngay tại Mỹ. Ví dụ, vào thập niên 80, dưới áp lực từ Mỹ, Nhật Bản buộc phải hạn chế xuất khẩu ôtô sang thị trường nước này và theo đó các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã gia tăng đáng kể dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế Mỹ - hơn 250 nhà máy đã được mở tại đây đến năm 1988. Tuy nhiên, lần tăng thuế này không cho thấy bất kỳ dự án đầu tư nào. Thay vào đó, người hưởng lợi từ quá trình phân mảnh chính là các quốc gia liên kết, khi giảm nhẹ quá trình này bằng việc đóng vai trò cầu nối giữa các thị trường của các khối.
Đồng thời, những cân nhắc về khả năng tiếp cận thị trường, dường như, cũng có hạn chế, ít nhất trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt được áp dụng rộng rãi. Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga từ cả những nước tham gia lẫn không tham gia gần như chấm dứt sau khi các biện pháp trừng phạt được thực hiện. Bên cạnh đó, cũng không có thay đổi đáng chú ý nào trong dòng vốn đầu tư vào các nền kinh tế khác thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), mà qua đó có thể mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Nga. Mặc dù, vai trò ngày càng tăng của các nước láng giềng đối với hoạt động nhập khẩu của Nga, nhưng “cầu nối” trong hoạt động đầu tư vẫn chưa được tìm thấy. Có thể sự khác biệt giữa đầu tư và thương mại là do hoạt động đầu tư dễ theo dõi hơn và kéo theo những chi phí phi chính thức cao hơn hoạt động thương mại với những rủi ro liên quan đến các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Cầu nối kinh tế
Các nền kinh tế cầu nối tiếp nhận dòng vốn FDI lớn nhất có chung một số đặc điểm quan trọng. Đầu tiên, đó là kinh nghiệm đối với đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp. Theo đó, sau khi dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giảm mạnh, thì tăng nhanh vào nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam, nơi các nhà đầu tư nước ngoài có thể tổ chức hoạt động sản xuất mang lại lợi nhuận và mở rộng quy mô khi dựa vào năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng và lao động giá rẻ hiện có. Các điều kiện tại Ấn Độ và Việt Nam cho phép triển khai hoạt động lắp ráp có quy mô các sản phẩm công nghiệp và nhờ đó bù đắp được khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc: Ví dụ của chiến lược tái định vị tương tự là Apple, doanh nghiệp đã mở các nhà máy mới tại Ấn Độ, mặc dù trước đây vẫn tuân thủ theo chu trình “thiết kế tại California, lắp ráp tại Trung Quốc”.
Hai là, sự đảm bảo khả năng tiếp cận được những thị trường lớn. Lấy ví dụ, tăng trưởng của dòng vốn FDI vào các quốc gia như Hungary (có chi phí sản xuất tương đối thấp trong EU), Serbia (có hiệp định thương mại tự do và liên kết cơ sở hạ tầng với EU), Thổ Nhĩ Kỳ (có liên minh thuế quan với EU), cũng như Mexico, Chile và Morocco (có các hiệp định thương mại tự do với Mỹ).
Ba là, sự gần gũi về mặt sắc tộc, ngôn ngữ, địa lý hoặc địa chính trị với các nước cung cấp nguồn vốn đầu tư. Chẳng hạn, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, Singapore, ASEAN và các nước tham gia tích cực vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” tăng đáng kể, mặc dù xét về khả năng tiếp cận gián tiếp của các nước này vào thị trường Mỹ và châu Âu thua xa Mexico, Morocco hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Bốn là, để thu hút đầu tư, việc các quốc gia liên kết có các đặc khu kinh tế mang ý nghĩa rất lớn. Mặc dù tỷ lệ bình quân các đặc khu kinh tế trên thế giới thu hút đầu tư năm 2023 chỉ là 5%, nhưng ở một loạt nước, tỷ lệ này cao hơn gần gấp nhiều lần: Chẳng hạn, tỷ lệ đầu tư thông qua các đặc khu kinh tế dao động từ 46 đến 60% đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những dự án tại UAE và Ai Cập trong giai đoạn 2022-2024. Tương tự như vậy, 34% dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Costa Rica trong hai năm gần đây thông qua các đặc khu kinh tế so với 20% của giai đoạn 10 năm trước. Khoảng một nửa tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào UAE trong giai đoạn 2022-2024 là thông qua các đặc khu kinh tế.
Những ưu thế mà các đặc khu kinh tế mang lại cho các nhà đầu tư, thông thường, liên quan đến khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, chế độ ưu đãi thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Giá trị của các đặc khu kinh tế đã tăng lên, nhất là đối với các dòng vốn đầu tư giữa các khối, mà trong các trường hợp khác liên quan đến những hạn chế ngày càng nghiêm ngặt do bối cảnh gia tăng phân mảnh địa chính trị và phổ biến hoạt động sàng lọc vốn đầu tư.
Những rào cản đối với các dòng vốn đầu tư
Một trong những cơ chế ngày càng phổ biến có thể cản trở hoạt động đầu tư giữa các khối là sàng lọc FDI - đánh giá tác động tiềm ẩn của các khoản đầu tư đối với an ninh quốc gia (cơ sở hạ tầng và công nghệ quan trọng, cung cấp các vật liệu quan trọng...) từ phía các nước thứ ba. Đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước thuộc “khối thân Mỹ”, hơn 90% các dự án có thể thuộc diện phải sàng lọc. Yêu cầu này cũng có thể áp dụng đối với 3/4 các nguồn vốn đầu tư nội khối và 50-75% các dòng vốn đầu tư vào những quốc gia liên kết thuộc OECD. Theo nghiên cứu của EBRD và Đại học Cambridge, sau khi áp dụng cơ chế sàng lọc vốn đầu tư, các dòng vốn đầu tư qua lại thấp hơn 5-25% mức mà khi cơ chế này có thể không được áp dụng.
Thêm một yếu tố nâng cao tầm quan trọng của khả năng tiếp cận các thị trường lớn thông qua các quốc gia cầu nối - các biện pháp của chính sách công nghiệp do các nước lớn áp dụng. Cụ thể, sau khi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua tại Mỹ với một trong những mục đích hướng tới việc hỗ trợ cho các công nghệ năng lượng tái tạo, xe điện và khai thác các khoáng sản quan trọng, các quốc gia cầu nối có quan hệ với Mỹ thông qua các hiệp định thương mại tự do, đã có được sự gia tăng đáng kể về dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ xanh, đặc biệt là ở những nước đã có nền sản xuất cần thiết.
Nhìn chung trên toàn cầu, tỷ trọng FDI cho công nghệ sạch đã tăng gấp đôi kể từ đầu thập niên 2020 lên thành 6% trong tổng dòng vốn FDI vào các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, khi IRA có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng số lượng các dự án đầu tư như vậy tại các nước có mối quan hệ với Mỹ thông qua các hiệp định thương mại tự do đã vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, các nước cầu nối được hưởng lợi từ IRA gồm có Mexico, Morocco, Costa Rica, Colombia và Chile, cũng như bốn nền kinh tế khác có mối quan hệ địa chính trị với Mỹ là Canada, Úc, Hàn Quốc và Singapore.
Tất cả những yếu tố nêu trên, như năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường lớn, các quy tắc đơn giản hóa cho vốn đầu tư (bao gồm cả việc thành lập các đặc khu kinh tế) đã lý giải gần như toàn bộ cho sự gia tăng đầu tư từ “khối thân Mỹ” và “khối thân Trung Quốc” sang các nước cầu nối. Các quốc gia này không chịu sự tác động của quá trình phân mảnh, mà ngược lại còn được hưởng lợi từ việc tái cấu trúc dòng đầu tư toàn cầu, khi làm giảm nhẹ quá trình phân mảnh.
Tham khảo nguồn: Econs.online
Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp
Ban Chính sách, chiến lược Trung ương