Nông dân TP Cần Thơ thu hoạch lúa đông xuân.
Tiềm năng lợi thế của vùng đất này được nhắc đến nhiều chính là nhờ vào vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên thuận lợi và nguồn lao động dồi dào. Thời gian qua, Ðảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều quyết sách tập trung cho phát triển đồng bằng sông Cửu Long với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp. Khu vực này đã có bước chuyển mình, bứt phá trở thành “vựa” lúa gạo, “vựa” trái cây, “vựa” thủy, hải sản của cả nước, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản.
Gần đây, lĩnh vực du lịch được quan tâm đầu tư bài bản cho nên có nhiều khởi sắc và triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khách quan lẫn nội tại, nên vùng đất này chưa “cất cánh” như sự kỳ vọng. Quá trình phát triển của đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào nền nông nghiệp theo tư duy cũ.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt những thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19. Bên cạnh đó là hạn chế của một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học của vùng đã bị suy kiệt sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Vùng nguyên liệu cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo phân tán, khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, dù hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản nhưng không giải quyết thỏa đáng những nút thắt trên cũng sẽ khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung-cầu. Và mục tiêu hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân càng thêm xa.
Vì vậy, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương trong vùng cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ. Và việc chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” là điều cần thiết.
Thời gian qua, có rất nhiều hội nghị, diễn đàn về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một trong nhiều vấn đề được quan tâm đặt ra bàn thảo đó là việc liên kết vùng. Phải tạo cho đồng bằng sông Cửu Long trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động. Người dân trong vùng phải vững vàng tâm thế chủ thể, chất lượng sống phải ngày càng được nâng cao… Mới đây, tại tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 địa phương đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 với 10 nội dung quan trọng.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ nhằm hỗ trợ, điều phối thực hiện các phần việc trong hợp tác, liên kết vùng; tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.
Ðiều này cho thấy các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc nhằm hiện thực hóa một nền nông nghiệp “xanh-sinh thái-bền vững” vì mục tiêu tươi sáng cho vùng đất “chín rồng”. Ðó là, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long phải nhanh, bền vững, chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu, tạo bước đột phá nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng-an ninh, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội….
Theo Báo Nhân dân