Ngày 5.6.1911, lấy tên là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis, rời cảng Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Khi đó Người chưa biết, chưa nghe đến nước Nga. 10 năm lênh đênh bốn biển năm châu, Người đã phải làm đủ nghề, để sống và để học, để tìm cho được con đường, với quyết tâm cháy bỏng: Đi xem xét người ta làm như thế nào, rồi trở về giúp đồng bào.
Năm 1917, khi Người vừa trở lại Pháp, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã nổ ra ở nước Nga. Lúc đầu, cuộc cách mạng này cũng chưa tạo cho Người dấu ấn nào. Phải đến 2 năm sau, khi Lênin thành lập Quốc tế Cộng sản và công bố “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người mới thực sự biết đến nước Nga và ngay lập tức bị thu hút bởi những giá trị giải phóng mà cuộc cách mạng đó mang lại.
Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: "Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi, đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"!
Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba" (1).
Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nguyễn Ái Quốc xin gia nhập Ủy ban Quốc tế III, do một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp lập ra, nhằm tuyên truyền vận động gia nhập Quốc tế III.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp từ ngày 25 - 30.12.1920, tại thành phố Tours (Pháp), đã tranh luận gay gắt về việc gia nhập Quốc tế III hay ở lại Quốc tế II; thành lập Đảng Cộng sản hay giữ nguyên Đảng Xã hội. Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương.
Tại đại hội lịch sử này, cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta. Nếu như cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Versailles năm 1919 mới là phát pháo hiệu thức tỉnh nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đánh dấu bước chuyển biến quyết định, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin.
40 năm sau nhìn lại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa” (2).
Nhờ ánh sáng Cách mạng Tháng Mười, nhờ nghiên cứu thực tiễn mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô Viết, mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi lựa chọn mô hình nhà nước tương lai cho nhân dân Việt Nam đã dứt khoát đoạn tuyệt mô hình nhà nước tư sản, lựa chọn mô hình Xô Viết, bởi vì: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” (3).
Tháng Tám năm 1945, nhân thời cơ thuận lợi, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, một đảng kiểu mới được thành lập bởi sự soi sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã kịp thời lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền, đập tan chế độ phong kiến, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Tình hình thế giới sau hơn một thế kỷ đã có nhiều đổi khác, song giá trị mà Cách mạng tháng Mười mang lại cho toàn nhân loại không hề thay đổi. Lý tưởng và giá trị tốt đẹp của Cách mạng tháng Mười Nga đang tiếp tục cổ vũ, dẫn đường cho chúng ta đi đến tương lai, xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.12, tr.562
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.740
(3) Đường Cách mạng, Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.2, tr.277
Theo Đại biểu nhân dân