Cuối năm 1936, đồng chí Thanh được gặp các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu trong Phong trào Mặt trận Bình dân và bắt đầu được giác ngộ về lý tưởng Cộng sản. Tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Trong 8 năm, từ khi là một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Bí thư Chi bộ và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã bị đế quốc bắt giam 3 lần ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột và sau đó đã vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Suốt thời gian lăn lộn với phong trào cũng như những năm tháng bị tù đày, đồng chí luôn là một đảng viên cộng sản kiên cường, nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước. Đồng chí đã góp phần xây dựng cơ sở đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật trước cách mạng.
Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: “Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: “Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy”. Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đó Nguyễn Chí Thanh trở thành cái tên chính thức trong Quân đội ta.
Ngày 25/3/1947, sau khi mặt trận Huế bị vỡ, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí triệu tập một cuộc họp đặc biệt ở làng Nam Dương, huyện Phong Điền cách Huế 20 cây số. Đồng chí đã đọc lá thư đề ngày 05/3/1947 của Bác Hồ “Gửi các đồng chí Trung Bộ”, nêu lên những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong những ngày đầu kháng chiến. Liên hệ với tình hình địa phương, đồng chí nghiêm khắc tự phê bình và phê bình để rút ra bài học sâu sắc trong thời gian qua. Cuối cùng đồng chí củng cố lòng tin cho mọi người: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân”. Từ đó, phong trào kháng chiến ở vùng sau lưng địch của Bình - Trị - Thiên đã vượt qua được những khó khăn, hiểm nghèo, từng bước tiến lên giành những thắng lợi.
Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình - Trị - Thiên để thống nhất chỉ huy ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và đồng chí được chỉ định làm Bí thư. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra nghị quyết mở một chiến dịch phá tề trong cả ba tỉnh của phân khu. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời. Kết quả là cả một hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở bị ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Trên một vùng nông thôn rộng lớn của Bình - Trị - Thiên, sau chiến dịch đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân du kích hoạt động, những đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Những cuộc hành quân của địch luôn bị chặn đánh bởi hoạt động của du kích tại chỗ. “Bình - Trị - Thiên khói lửa” sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Trong chiến công chung đó có sự đóng góp quan trọng, quyết định của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Sau sự việc này, Bác Hồ đã tặng đồng chí Nguyễn Chí Thanh danh hiệu: “Vị tướng du kích”.
Giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang một giai đoạn mới, Quân đội ta phát triển nhanh chóng và ngày càng lớn mạnh. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và là Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Năm 1951, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Với trọng trách đảm nhận công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp to lớn tạo nên sức mạnh tinh thần, tư tưởng của Quân đội ta để liên tiếp đánh thắng địch trong nhiều chiến dịch lớn, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử tháng 5/1954.
***
Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đồng chí cùng gia đình từ chiến khu trở về Hà Nội, cơ quan định bố trí cho đồng chí một căn hộ ở bên hồ Trúc Bạch. Đó là một biệt thự đẹp, có mái nhọn cao vút, trang trí nội thất sang trọng. Nhưng đồng chí đã từ chối và đề nghị bố trí cho mình một chỗ ở trong khu quân đội. Đồng chí tâm sự với các đồng chí xung quanh: “Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, khó tránh khỏi chớm nở trong bộ đội tư tưởng đòi hưởng thụ. Mình ở nhà sang quá thì khó gần gũi anh em, mà có khi muốn nói điều cần nói cũng khó lọt tai người nghe”. Theo chế độ, chính sách, với cương vị cao là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, gia đình đồng chí được cơ quan trang bị thêm tủ, giường và một số đồ dùng khác, nhưng đồng chí bảo đem phân phối cho những anh em khác còn thiếu thốn.
Có một lần đồng chí xuống dự đại hội đại biểu một tỉnh có nhiều hiện tượng cán bộ, đảng viên tham ô, xâm phạm đến lợi ích của quần chúng. Kỳ giáp hạt năm ấy địa phương bị mất mùa, nhân dân thiếu ăn, Nhà nước đưa gạo về giúp, nhưng một số nơi cán bộ thiếu trách nhiệm, quản lý không chặt chẽ, để xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực rất đáng xấu hổ. Trên bục phát biểu khi nhắc đến hiện tượng này đồng chí đã lên án gay gắt, giọng nói như lạc hẳn đi: “Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói, Nhà nước gửi về mấy tạ gạo, ba ông chi ủy dấm dúi chia nhau mỗi người mấy chục cân, thì không bằng... con vật! Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến mức ấy.”
Năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong hàm Đại tướng và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9/1960, đồng chí lại tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương, tiền thân của Ban Kinh tế Trung ương ngày nay. Chỉ ít lâu sau, một phong trào thi đua mới trên mặt trận nông nghiệp nổi lên như sóng cồn. Đó là kết quả của mấy tháng liên tiếp Nguyễn Chí Thanh xuống xâm nhập cơ sở ở Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Bài báo “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong” do anh viết đăng trên báo Đảng, trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ.
Là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương nhưng hầu như Nguyễn Chí Thanh có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã, và từ đó nảy sinh phong trào “Gió đại Phong”. Là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên có mặt ở các đơn vị, gần gũi cán bộ, chiến sĩ và từ đó cờ “Ba nhất” phấp phới bay. Có thể nói, đồng chí ở đâu là ở đó có phong trào quần chúng. Bởi đồng chí tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của quần chúng. Đồng chí thường nói, không có quần chúng thì không thể có thắng lợi của cách mạng. Đồng chí cũng thường nói: “Cán bộ thế nào thì phong trào thế ấy”, cán bộ lăn lộn, gắn bó với phong trào và chính đồng chí là điển hình của một cán bộ như thế.
Năm 1961, lên công tác Tây Bắc, được bố trí ở nhà khách của Khu ủy tại Sơn La, đồng chí mời đồng chí Chủ nhiệm nhà khách vào phòng rồi thân mật nói: “Này, cái khoản đãi đằng mình đề nghị các ông nên phiên phiến. Tôi biết, các đồng chí có lòng hiếu khách cho nên luôn thết đãi chúng tôi nhưng chỉ nên một lần là đủ, gọi là họp mặt anh em lâu ngày gặp nhau, cấp trên cấp dưới cùng ngồi lại, uống với nhau chén rượu. Mà cũng chớ nên bày vẽ sang trọng quá như vừa rồi. Các đồng chí có biết không, Bác Hồ - Chủ tịch nước, không bao giờ đãi khách quá ba món, trừ những bữa tiệc đặc biệt về ngoại giao. Một bữa, chủ khách ăn chung, sau đấy thôi. Anh em dưới xuôi lên đây công tác, các đồng chí chăm sóc cho là quý rồi. Còn ai ăn cơm đều phải trả tiền. Trả bao nhiêu tùy điều kiện và tiêu chuẩn mỗi người. Các đồng chí mến khách, cho thêm gói chè, bao thuốc, tôi không phản đối nhưng nên vừa phải. Tôi thấy ở phòng này đặt chè và thuốc, trong buồng ngủ cũng có, phòng khách cũng có. Làm gì mà lắm thế! Tôi nói riêng với đồng chí: Các cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng, mọi khi có thuốc lá nay không còn nữa. Mình là dân nghiện, thắc mắc hỏi mới biết Bác Hồ bảo thôi. Thật ra tốn kém chẳng bao nhiêu, mà cái chính Bác muốn tạo thói quen. Ở nước ngoài giàu có, đến hội nghị ai muốn hút thuốc, bỏ của mình ra mà dùng. Mà cũng chỉ được hút ở hành lang”.
Khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ đối với nước ta, tháng 9/1964, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để giao cho Quân ủy Trung ương chuẩn bị một kế hoạch chiến lược để đánh bại quân Mỹ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền. Trong buổi tiễn đồng chí vào chiến trường, Bác Hồ căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”.
Theo lời Bác dạy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng đúc rút những bài học kinh nghiệm của những trận đầu thắng Mỹ điện gấp ra miền Bắc. Các phong trào lập công giành danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt ngụy với khẩu hiệu: Tìm Mỹ mà đánh; Tìm ngụy mà diệt; Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh do Đại tướng phát động và tổng kết đã nhanh chóng phát triển thành cao trào, mang về những chiến công vang dội. Cuối năm 1965, Nghị quyết lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được nhất trí thông qua có sự đóng góp xứng đáng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đầu năm 1967, Nguyễn Chí Thanh được triệu tập ra Hà Nội để chuẩn bị cho bước phát triển mới của cuộc chiến. Tháng 6/1967, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo một cách toàn diện tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Báo cáo toát lên một nội dung chủ yếu và đặc biệt quan trọng là: “Ta nhất định thắng Mỹ. Mỹ thua đã rõ ràng. Cần phải tiếp tục thế tiến công địch để tiến lên giành thắng lợi quyết định”. Đầu tháng 7/1967, Đại tướng chuẩn bị trở lại chiến trường. Ngày 05/7, Bác Hồ nói với đồng chí thư ký Vũ Kỳ mời Đại tướng đến ăn cơm chiều với Bác cũng là để tiễn đồng chí hôm sau lên đường. Phút giây cảm động nhất có lẽ là phút chia tay Bác Hồ buổi chiều hôm đó. Bác tiễn Đại tướng ra tận giàn nho và đứng lại hồi lâu với đại tướng ở đó. Bác dặn Đại tướng phải giữ gìn sức khỏe; Bác hỏi thăm các con và chị Cúc vợ của đại tướng sơ tán về Mỹ Đức (Hà Tây) có gì khó khăn không; về tình hình công tác của chị Cúc (Những năm anh ở chiến trường, mỗi lần tết đến Bác thường cho mời chị Cúc và các cháu vào ăn cơm với Bác. Ở trong Nam nhận được thư chị gửi vào kể chuyện này, đồng chí vô cùng xúc động). Đại tướng biết Bác sắp phải đi chữa bệnh. Vì thế, bữa cơm đó là bữa cơm Bác tiễn Đại tướng vào chiến trường phương Nam, cũng là bữa cơm Đại tướng tiễn Bác lên phương Bắc. Nhưng ngày 06/7/1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đột ngột ra đi sau một cơn đau tim. Đó là một tổn thất bất ngờ, vô cùng lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong lễ tang người Đại tướng yêu quý, Bác Hồ đứng lặng, đau đớn nhiều lần cầm khăn thấm nước mắt.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời khi đang chuẩn bị trở lại chiến trường để hoàn thành trọng trách lãnh đạo cao nhất của Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền, khi đất nước đang tiến gần đến ngày thống nhất. Một trái tim lớn ngừng đập, để lại nỗi đau và niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Kết hợp lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, tư duy gắn với hành động, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mà còn có những đóng góp xuất sắc nhằm phát triển lý luận quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Đất nước Việt Nam không bao giờ quên hình ảnh vị Đại tướng của nhân dân, một vị Đại tướng bình dị mà tài năng, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, một người học trò xuất sắc của Bác Hồ, tấm gương điển hình của một anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã được chính Bác Hồ đặt tên!
Tài liệu tham khảo
1. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh; NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007
2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của QĐND Việt Nam; NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; Hà Nội, Tháng 12 năm 2023
Cẩm Tú (Tổng hợp)