Đồng chí Đào Duy Tùng
Tháng 4-1945, đồng chí lãnh đạo phong trào Việt Minh tại xã. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã cùng với các đồng chí địa phương lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Tháng 9-1945, đồng chí là cán bộ huyện được cử đi thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện Đông Anh. Cũng trong tháng 9-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 6-1946, đồng chí là Thường vụ Huyện uỷ, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2-1947, đồng chí là Tỉnh uỷ viên kiêm Bí thư Huyện uỷ Kim Anh, rồi được điều về tỉnh phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Phúc Yên. Tháng 9-1948, đồng chí là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7-1949, đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phúc Yên.
Tháng 2-1950, đồng chí được điều về công tác ở Khu uỷ, rồi được cử về làm Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng. Thời kỳ chiến dịch Biên giới, đồng chí làm Phó trưởng Ban huy động dân công. Tháng 9-1951, đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng. Tháng 1-1953, đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường.
Tháng 5-1955, đồng chí về công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng.
Tháng 1-1956, là Phó Vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Huấn học.
Tháng 12-1962, đồng chí được cử làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; tháng 8-1965, kiêm chức Tổng biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), cơ quan nghiên cứu lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, đồng chí làm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12-1976), đồng chí được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11-1980, đồng chí được cử làm Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11-1981, đồng chí được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5-1988, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6-1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công làm Thường trực Ban Bí thư cho đến tháng 6-1996.
Là người gắn hầu hết thời gian hoạt động cách mạng cho công tác Đảng, công tác tư tưởng - lý luận, đồng chí đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đường lối quan điểm của Đảng, tổng kết thực tiễn. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước lúc bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt những năm đất nước tiến hành đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, tổng kết sâu sắc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, đặc biệt là trên lĩnh vực công tác tư tưởng. Ở cương vị công tác nào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương hoặc sau này là Thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư – đồng chí đều tỏ rõ là một chiến sĩ, một người chỉ huy tài năng của mặt trận tư tưởng - lý luận. Từ tổng kết thực tiễn, đồng chí đã viết nhiều cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc như Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta, Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng, Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế, v.v.. Theo đồng chí, việc Đại hội VII của Đảng khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam là một thành tựu mới về tư duy của Đảng.
Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Trưởng thành từ phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh, đến vị trí lãnh đạo cao cấp của Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Ở đồng chí Đào Duy Tùng, niềm tin yêu lý tưởng cách mạng có cái gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho thắng lợi của lý tưởng đó.
Những người làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm đều cảm nhận ở đồng chí một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, phong cách dân chủ, giản dị, gần gũi, chân thành, luôn biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng. Chính vì vậy, đồng chí đã tập hợp được đội ngũ cán bộ có năng lực, phát huy trí tuệ của tập thể góp sức cho sự nghiệp chung.
Với những cống hiến lớn lao và phẩm chất cao quý, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương khác.
CẨM TÚ (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
- Tuyển tập Đào Duy Tùng, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008
- Tuyển tập Đào Duy Tùng, tập II (In lần thứ hai) , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014