Nền kinh tế ngày nay bắt đầu từ hơn 260 năm trước, khi xã hội nông nghiệp được thay thế bởi các quá trình công nghiệp và đô thị hoá, khởi đầu là cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) ở Vương quốc Anh. Cuộc CMCN đã biến đổi mọi yếu tố của cuộc sống con người, từ cách chúng ta làm việc, sử dụng nguyên nhiên liệu làm năng lượng, đến cách chúng ta tiêu thụ sản phẩm và nơi chúng ta sống và di chuyển. Tuy nhiên, sự khai thác tài nguyên quá mức đã dẫn đến sự thiếu hụt tài nguyên trong xã hội hiện nay, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về dân số, sự biến đổi khí hậu mạnh mẽ đã đặt ra một nhu cầu cấp thiết về thay đổi mô hình kinh tế tuyến tính mà chúng ta đang áp dụng. Trong nền kinh tế tuyến tính (linear economy), con người khai thác và biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành các vật liệu và sản phẩm có thời gian sử dụng nhất định, rồi đưa ra thị trường thông qua một loạt những bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt, dẫn tới sự hoang phí khi sử dụng các nguồn tài nguyên trong các thị trường thường đã bão hòa.
Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn (circular economy) là nền kinh tế được xây dựng từ hệ thống sản xuất - tiêu dùng xã hội nhằm tối đa hóa dịch vụ được tạo ra từ dòng chảy thông qua năng lượng và vật chất tự nhiên - xã hội – tự nhiên tuyến tính. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng các dòng nguyên liệu tuần hoàn, các nguồn năng lượng tái tạo và các dòng năng lượng kiểu tầng. Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) thành công góp phần vào cả ba khía cạnh của phát triển bền vững. Nền kinh tế tuần hoàn giới hạn dòng thông lượng ở mức độ mà tự nhiên có thể chấp nhận và tận dụng các chu kỳ của hệ sinh thái trong các chu kỳ kinh tế bằng cách tôn trọng tỷ lệ tái sinh tự nhiên của chúng. Trong mối liên hệ với khái niệm phát triển bền vững, một số lợi ích của KTTH như sau [1]: Về mặt kinh tế ở đầu vào chu trình sản phẩm: giảm chi phí về nguyên liệu và năng lượng; giá trị của tài nguyên được sử dụng nhiều lần, không phải một lần; việc sử dụng tài nguyên khan hiếm đắt đỏ được giảm thiểu; chi phí giảm từ các chính sách về môi trường, thuế, và bảo hiểm; và hình ảnh và tiềm năng từ thị trường xanh và có trách nhiệm; Về mặt kinh tế ở đầu ra chu trình sản phẩm: giảm sự thất thoát và rò rỉ; giảm chi phí quản lý chất thải; giảm chi phí kiểm soát ô nhiễm; giảm chi phí từ các chính sách về môi trường, thuế, và bảo hiểm; nhiều thị trường mới được tìm thấy cho giá trị của các loại tài nguyên; và hình ảnh kinh doanh có trách nhiệm mới thu hút sự đầu tư; Về mặt xã hội: nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, thông qua việc sử dụng mới các giá trị tiềm ẩn trong các loại tài nguyên; tăng cường nhận thức cộng đồng, hợp tác và tham gia thông qua nền kinh tế chia sẻ; và các nhóm người sử dụng chia sẻ chức năng và dịch vụ của sản phẩm thay vì các cá nhân sở hữu và tiêu thụ sản phẩm; Về mặt môi trường ở đầu vào chu trình sản phẩm: giảm sử dụng tài nguyên nguyên chất và năng lượng ở đầu vào; các đầu vào nguyên chất là chủ yếu ở mức độ có thể tái tạo được từ các hệ sinh thái sản xuất; và Về mặt môi trường ở đầu ra chu trình sản phẩm: giảm chất thải và phát thải; các loại tài nguyên trong hệ thống sản xuất-tiêu thụ được sử dụng nhiều lần, không chỉ một lần; và năng lượng tái tạo là nhiên liệu CO2 trung tính và chất thải của chúng là chất dinh dưỡng được sử dụng trong tự nhiên.
Các quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng của thế kỷ XX chủ yếu gắn liền với nền kinh tế tuyến tính, được đặc trưng bởi quy trình sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu thô, tiêu dùng và thải bỏ. Tuy nhiên, nền kinh tế tuyến tính cho thấy những điểm yếu của nó khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong tương lai gần, được dự báo sẽ cạn kiệt. Theo báo cáo về của UNEP[1] (2019), tốc độ tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác nguyên vật liệu quá mức là thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và dân số ngày càng tăng trong nền kinh tế tuyến tính là động lực chính làm gia tăng lượng rác thải phát sinh. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải hàng năm trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 2,01 tỷ tấn vào năm 2016 lên 3,4 tỷ tấn trong vòng 30 năm tới. Để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ có đủ tài nguyên như thực phẩm, nước, năng lượng và sự thịnh vượng đồng thời làm giảm thiểu rác thải phát sinh, nhu cầu chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là hết sức cấp bách.
Trên thế giới, các chính sách phát triển KTTH ở các quốc gia trên toàn cầu đang ở các giai đoạn khác nhau. Ghosh (2020), dựa vào thông tin của 20 quốc gia đã đề xuất bốn nhóm quốc gia liên quan đến quá trình triển khai KTTH của họ. Nhóm thứ nhất, các quốc gia như Đức, Na Uy, Anh và Hàn Quốc đã hình thành xã hội phát triển hoàn thiện theo định hướng KTTH và đạt được mức độ cao hơn đáng kể về tình trạng thực hiện KTTH. Nhóm thứ hai có Úc, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Serbia, Thái Lan và Hoa Kỳ những nơi mà đã có tiến bộ xã hội theo định hướng KTTH. Họ đã bắt đầu quá trình KTTH từ lâu với kết quả hạn chế hoặc bắt đầu quá trình KTTH gần đây với kết quả thực hiện đáng kể. Nhóm thứ ba, một số quốc gia khác như Bhutan và Việt Nam đã khởi xướng xã hội theo định hướng KTTH bằng một số hành động và chiến lược cụ thể. Các nước này bắt đầu khuyến khích việc giảm thiểu và tận dụng tiêu thụ tài nguyên trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và thu được nhiều kết quả. Nhóm thứ tư là các quốc gia đang ở giai đoạn ban đầu của việc thực hiện các khái niệm KTTH và đã có một số trường hợp tái chế tài nguyên dựa trên các sáng kiến riêng lẻ như: Afghanistan, Lào, Israel, Kenya, Mauritius và Nigeria.
Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong thực thi chính sách và xây dựng lộ trình chuyển đổi sang mô hình KTTH. Nhiều đô thị lớn và chính quyền địa phương ở các quốc gia trên thế giới đã xác lập tầm nhìn dài hạn phát triển KTTH. Tầm nhìn này được thể hiện trong các loại hình văn bản khác nhau như chương trình hành động ở Barcelona (Tây Ban Nha), Rotterdam (Hà Lan), lộ trình phát triển Amsterdam (Hà Lan) hay lồng ghép vào các chương trình hiện hữu như Kế hoạch tổng thể “không rác thải” (Zero Waste Masterplan) của Singapore. Một số chính quyền địa phương ở Châu Âu đã bắt đầu thực hiện lộ trình chuyển đổi sang mô hình KTTH, chẳng hạn như chính quyền Amsterdam (Hà Lan) đã triển khai chiến lược phát triển KTTH giai đoạn 2020 – 2025 ở 3 lĩnh vực quản lý rác thải, hàng tiêu dùng và nâng cao nhận thức của người dân. Thành phố Glassgrow (Anh) đặt mục tiêu trở thành thành phố đầu tiên của Anh đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền thành phỗ đã hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, mở rộng mua sắm công “xanh”, tăng cường truyền thông về lợi ích của mô hình KTTH. Singapore bắt đầu triển khai Kế hoạch tổng thể “không rác thải” để xây dựng một quốc gia bền vững, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với khí hậu. Kế hoạch này bao gồm việc áp dụng cách tiếp cận KTTH trong hoạt động quản lý chất thải và tài nguyên, đồng thời chuyển sang sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.
[1] Một cơ quan của LHQ điều phối các hoạt động môi trường của Liên Hợp Quốc, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các chính sách và các cách làm hợp lý về môi trường.
Tác giả: Nguyễn Lệ