Giải trình một số nội dung các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ngày 6/11 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng phải thay đổi tư duy xây dựng luật này. Ông Dũng cho rằng, trước đây, Việt Nam mới chỉ tập trung vào khâu quản lý nhưng chưa nghĩ đến vấn đề làm thế nào để kiến tạo cho phát triển, lần này sẽ thể hiện một cách rõ nét hơn.
NÂNG QUY MÔ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA VÀ PHÂN CẤP MẠNH HƠN
Theo đó, sửa đổi luật theo hướng vừa quản lý, vừa kiến tạo và mở ra cho phát triển để tạo ra các động lực mới, không gian mới, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng được nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cùng đó, phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh nghiệm của các nước làm rất nhanh là do ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, cứ thế thực hiện, không cần phải xin phép trước, ai vi phạm người đấy sẽ chịu trách nhiệm và xử lý theo pháp luật nên rất nhanh. Điều này chuyển phương thức quản lý rất mạnh.
Kinh nghiệm từ một tỉnh của Trung Quốc cho thấy chỉ trong 3 năm làm được 2.000 km đường cao tốc. Giải thích lý do, Bộ trưởng chỉ rõ một là, có dám vay không? Hai là, có phân cấp mạnh cho địa phương không? Ba là, thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công, đường sá, cầu cống xong chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân, thu hồi vốn đó và vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân cùng với vốn của Nhà nước đi làm việc khác.
Nội dung sửa Luật Đầu tư công lần này đều là những vấn đề cốt lõi, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn tổng hợp và thực sự quan trọng, cấp bách, vướng mắc thực sự, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những vấn đề lớn.
Lần này đang làm Luật Đầu tư (sửa đổi) chính là luật thay thế luật năm 2019 chứ không phải đang đi theo luật sửa đổi một số điều.
Về một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm, theo Bộ trưởng, về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, tiêu chí quan trọng quốc gia xây dựng từ năm 1997 là 17.000 tỷ đồng đến nay 27 năm chưa sửa đổi.
Trong khi quy mô nền kinh tế tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng lên 3 lần. Trượt giá bình quân từ năm 2000 đến nay là 3%/năm.
Để đảm bảo tính ổn định, Bộ trưởng cho rằng nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng là phù hợp và nhằm tăng phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, cho Chính phủ hoặc cho địa phương và Quốc hội tập trung vào làm những vấn đề quyết sách lớn của đất nước.
Giai đoạn 2026-2030 tới đây, sẽ có 40 dự án trên 10.000 tỷ và có 30 dự án trên 30.000 đồng. Nếu giảm quy mô xuống còn 20.000 tỷ thì con số này còn tăng lên nữa, Quốc hội sẽ mất rất nhiều công cho các dự án quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ, không có vi phạm với Hiến pháp. Đồng thời, sẽ giảm bớt được 5 bước, giảm trung bình khoảng 4 tháng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian nhưng quan trọng hơn là đảm bảo tính linh hoạ vì điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng, không phải theo đợt, tỉnh A, B hay C, không nên để Chính phủ trình Quốc hội lắt nhắt từng vấn đề, từng tỉnh.
TÁCH RIÊNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG LÀ BƯỚC TIẾN LỚN
Tại phiên họp cũng có rất nhiều ý kiến không đồng thuận với phân cấp từ Hội đồng nhân dân cho Ủy ban nhân dân các cấp để quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng việc chuyển thẩm quyền từ Hội đồng nhân dân (cơ quan dân cử) sang Ủy ban nhân dân (cơ quan quản lý Nhà nước) như dự thảo Luật là thay đổi lớn, cần có nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ, toàn diện.
Bởi Hội đồng nhân dân là các cơ quan quyết định về ngân sách, cơ quan quyền lực nhà nước và thực hiện quyền giám sát nên việc Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư, xong sau đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định đầu tư, một quy trình chặt chẽ, biện pháp để kiểm soát quyền lực như luật hiện hành là phù hợp.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Điều 17 của luật cho phép trong trường hợp cần thiết Hội đồng nhân dân có thể giao cho Ủy ban nhân dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến này và cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này xem có phân cho Ủy ban nhân dân không hay vẫn giữ nguyên như hiện nay để lập luận một cách chặt chẽ hơn và thuyết phục hơn, cũng có thể giữ nguyên và có thể điều chỉnh theo phương án khác. Có thể điều chỉnh tách ra nguồn thuộc ngân sách của tỉnh, nguồn thuộc ngân sách của huyện.
"Còn một số vấn đề đối với tách giải phóng mặt bằng, đây là câu chuyện rất nan giải và đây sẽ là một bước tiến", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, trước đây chỉ quy định 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bây giờ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án, như vậy giải phóng mặt bằng nằm ở chuẩn bị dự án.
"Nếu tách bạch cả 3 chỗ ra thì sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và như vậy sẽ tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư. Khi làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng. Đây là một cuộc cải cách rất lớn", ông Dũng nhìn nhận.
Đồng ý với các đại biểu phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, mở ra, Bộ trưởng cho rằng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải tràn lan dẫn đến hậu quả này, hậu quả kia, thất thoát, lãng phí cũng không được.
Quy định phải phù hợp quy hoạch, phù hợp kế hoạch, phù hợp khả năng cân đối vốn, khi xem xét các dự án này sẽ đồng thời xem xét các dự án có tách hay không tách giải phóng mặt bằng và cần thiết sẽ làm rõ hơn chỗ này nhưng tinh thần phải quản lý được.
Theo Vneconomy