Ông Huỳnh Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang - Ảnh: VGP/LS
Giải ngân đầu tư công cao hơn bình quân cả nước
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Huỳnh Xuân Vũ, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được HĐND tỉnh Kiên Giang giao là 10.405 tỷ đồng, cao hơn 4.765 tỷ đồng so với Thủ tướng Chính phủ giao. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết đạt 100% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 81,98% so kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Đến hết tháng 10-2024, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 52,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cao hơn giải ngân bình quân cả nước là 0,32%) và đạt 28,52% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Trong 10 tháng năm 2024, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng như tượng đài Bác Hồ tại TP. Phú Quốc; đường 3 Tháng 2 nối dài (đoạn từ cống Kênh Cụt đến huyện Châu Thành), nhiều công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, đường giao thông nông thôn… ở các địa phương hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Huỳnh Xuân Vũ, để đạt được những kết quả nêu trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, triển khai nghiêm túc, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, chủ động giao kế hoạch vốn cho các sở, ban, ngành theo đúng quy định. UBND tỉnh ban hành chỉ thị đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; lập tổ công tác đặc biệt và chỉ đạo các sở, ngành thành lập tổ công tác, các tổ chỉ đạo; tổ chức sơ kết, tổng kết về đầu tư công.
Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức họp giao ban, kiểm tra thực tế tại công trình để nắm bắt tình hình thực hiện và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia. Sự chủ động của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong triển khai thực hiện kế hoạch và phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp và địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Công tác chọn nhà thầu được quan tâm, chấn chỉnh, đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, hiệu quả, nhiều kiến nghị của nhà thầu được chủ đầu tư xem xét, xử lý đúng quy trình và quy định. Các cấp, ngành chỉ đạo phối hợp và tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đầu tư công, nhất là ở cấp xã. Người dân đồng thuận cao trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cùng với nỗ lực của các nhà thầu, đơn vị tư vấn trong thi công và giải ngân vốn đầu tư công…
Tìm ra nguyên nhân, khắc phục triệt để
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận, kế hoạch giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Điều này phải chỉ ra nguyên nhân cụ thể để có giải pháp khắc phục thời gian tới. Bởi theo chỉ thị của UBND tỉnh Kiên Giang thì hết quý 3/2024 phải đạt ít nhất 65% kế hoạch giao. Một số công trình trọng điểm chuyển tiếp tiến độ triển khai chậm, một số công trình bố trí mới chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu xây lắp để triển khai thi công. Nhiều công trình còn vướng giải phóng mặt bằng, dự kiến thu ngân sách nhà nước từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2024 không đạt…
Ông Huỳnh Xuân Vũ cho rằng, nguyên nhân khách quan là do một số luật như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai mới ban hành nên phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn; nguồn cung cấp vật liệu như cát, đá khan hiếm, tăng giá. Việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn (trong việc xác định giá đất, kêu gọi các nhà đầu tư)…
Nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong đó có sự thiếu quyết liệt, chủ động của các ngành, các cấp. Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và nhất là các nhiệm vụ, giải pháp được UBND tỉnh đề ra. Một số nhà thầu năng lực yếu, kém nên tiến độ thực hiện một số công trình, nhất là công trình trọng điểm còn kéo dài, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức còn yếu, kém…
Công trình Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang đang được tích cực triển khai thi công - Ảnh: VGP/LS
6 giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trọng tâm
Đề cập đến giải pháp khắc phục, ông Huỳnh Xuân Vũ nhấn mạnh: Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công. Để phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt kết quả cao nhất, các đơn vị tiếp tục đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị 26/CT-TTg, ngày 8-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 02/CT-UBND, Công văn 1316-CV/TU, ngày 8-11-2024 của Tỉnh ủy về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên chỉ đạo của cơ quan, đơn vị, là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, đề cao vai trò, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% kế hoạch trở lên.
Hai là, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định, phối hợp tốt với các ngành và địa phương xử lý dứt điểm các dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới, hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Kiên quyết xử phạt, cắt hợp đồng các nhà thầu vi phạm hợp đồng vượt thời gian thực hiện nhưng không có lý do chính đáng…
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức quản lý đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Ba là, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là nơi có các công trình quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, không để dây dưa kéo dài.
Bốn là, các nhà thầu, đơn vị tư vấn tập trung huy động nguồn lực, nhân lực, vật lực và thiết bị, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng tiến độ cụ thể cho từng hạng mục công trình, đề ra các giải pháp cụ thể để bù đắp cho tiến độ chậm; chủ động tháo gỡ các khó khăn trong việc cung cấp vật liệu xây dựng.
Năm là, thực hiện tốt công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, việc đấu thầu phải thực sự công khai, minh bạch, không làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình.
Theo LS/chinhphu.vn