Sơ chế dừa tươi phục vụ xuất khẩu tại Bến Tre.
Xây dựng chuỗi giá trị ngành dừa
Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị ở Bến Tre đạt hơn 23.747 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt hơn 230.000 tấn. Hiện tại, có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.
Trong đó, nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành và ngày càng phát triển. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu. Đến nay, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 18.000 ha, với diện tích đạt chứng nhận là 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản và EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Tại huyện Giồng Trôm có diện tích dừa khô khoảng 16 ha và dừa uống ước gần 4 nghìn ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong cho biết: “Toàn huyện có hơn 33% diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ và thực hiện liên kết với 5 doanh nghiệp thu mua. Qua thực hiện chuỗi giá trị đã từng bước hình thành liên kết giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng... bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thực hiện chuỗi giá trị còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội, môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm dừa thông qua quy trình sản xuất dừa đạt chuẩn hữu cơ, năng lực sản xuất của người nông dân được nâng lên...”.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) cho biết: “Trong thời gian qua, công ty đã liên kết xây dựng vườn dừa hữu cơ tại huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc với diện tích 1.280 ha, có 1.563 hộ tham gia. Hiện nay chuỗi dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của một chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng khá lớn cho ngành dừa của tỉnh. Tuy nhiên, ngành chức năng cần đẩy mạnh thực hiện liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, xem đây là giải pháp then chốt nhất trong quá trình nâng cấp chuỗi giá trị. Trong quá trình nâng cấp chuỗi giá trị dừa cần chú ý phối hợp đồng bộ giữa liên kết chuỗi với đẩy mạnh hoạt động của từng khâu. Từ đó, chuỗi giá trị dừa mới thật sự hiệu quả và có khả năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong tương lai”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho rằng, từ những mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp đã hình thành hàng trăm cơ sở sơ chế dừa tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho lao động, giảm áp lực về lao động và kho bãi cho các doanh nghiệp chế biến dừa tại các khu công nghiệp. Từ đó, thông qua các tổ chức liên kết mà doanh nghiệp có điều kiện kết nối với thành viên nhóm trong khâu sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu dừa
Hiện nay, Bến Tre có hơn 40 loại sản phẩm chế biến từ dừa đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình như cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, kẹo dừa, thạch dừa... Ngoài ra còn có khoảng hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa... cũng được tiêu thụ mạnh. Hằng năm, các sản phẩm từ dừa chiếm tỷ trọng khoảng 20%-30% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất, chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23,6%/năm và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng để phát triển dừa và các sản phẩm từ dừa. Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong (trụ sở tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho rằng, hiện thị trường Mỹ lớn chỉ sau Trung Quốc. Mỗi năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 2.000 container dừa tươi từ các nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được khoảng 110-120 container dừa tươi xuất khẩu vào quốc gia này. Có thể thấy, còn rất nhiều dư địa cho trái dừa Việt Nam gia tăng thị phần ở Mỹ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa như: Các sản phẩm từ vỏ dừa: Chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ; gáo dừa, cơm dừa sơ chế, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa... Sản phẩm dừa Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh Bến Tre xác định dừa là cây chiến lược trong mục tiêu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho nên rất quan tâm đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Trong đó, coi ngành dừa là một trong những ngành công nghiệp chủ lực chi phối đến sự phát triển của địa phương. Để làm được điều này, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bến Tre và các ban, ngành đã và đang nỗ lực hết sức mình để có thể tạo ra một hướng đi bền vững cho cây dừa cũng như thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ; qua đó góp phần nâng cao vị thế của cây dừa và mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người trồng dừa.
Theo nhandan.vn