Được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm việc sản xuất, kinh doanh
của Hợp tác xã Hoàng Trà thuận lợi hơn.
Hợp tác xã Hoàng Trà (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) chuyên sản xuất trà sen (trà ướp hoa sen) được thành lập năm 2022. Nguyên liệu trà được mua tại Hợp tác xã Tâm trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.
Hoa sen Bách Diệp được Hợp tác xã trồng tại huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên. Trà sau khi được ướp hoa sen được sấy thăng hoa – công nghệ sấy tiên tiến nhất hiện nay. Với phương pháp sấy này, sản phẩm trà sen giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên. Cùng với trà sen, Hợp tác xã Hoàng Trà đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác như: trà làm từ lá sen, trà thảo mộc, củ sen sấy, hạt sen sấy gia vị… Ngoài ra, đơn vị nhận sấy gia công các loại nông sản, dược liệu, thực phẩm... để tạo thêm việc làm cho các thành viên.
Anh Trần Đăng Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Trà cho biết, trước đây khi chưa thành lập hợp tác xã, cơ sở sản xuất của anh chỉ là một xưởng nhỏ có diện tích hơn 20 m2 với 1 máy sấy công suất vài chục kg/ngày. Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam tư vấn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở đã được phát triển hơn.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các thành viên hợp tác xã; tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại; kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp tác xã…
Hiện nay, Hợp tác xã Hoàng Trà đã có gần 20 mẫu trồng sen nguyên liệu; khu nhà xưởng rộng hơn 1.000 m2, 4 máy sấy với công suất 500 kg/ngày; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã đang tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm trà sen Hoàng Trà đạt tiêu chuẩn OCOP. Thời gian tới, Hợp tác xã Hoàng trà mong muốn được tạo điều kiện vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi, liên kết với các địa phương trong tỉnh để mở rộng vùng trồng sen phục vụ sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
Hợp tác xã dịch vụ thương mại Tân Phong (thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm) được hỗ trợ vay vốn đầu tư máy cấy
phục vụ bà con nông dân.
Hợp tác xã Sống để yêu thương (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) được thành lập năm 2020 với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là trồng, chế biến, thu hái dược liệu; xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng. Với vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ phát triển hợp tác xã của tỉnh Hà Nam, hợp tác xã đã đầu tư mua máy sấy lạnh để nâng cao năng suất, bảo đảm tính dược liệu của sản phẩm, mở rộng nhà xưởng phục vụ sản xuất, trưng bày sản phẩm. Hợp tác xã cũng đã được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung – cầu; quảng bá, bán hàng tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm trà thảo mộc, thuốc nam của hợp tác xã ngày càng được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sống để yêu thương cho biết, từ khi thành lập đến nay hợp tác xã đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, đặc biệt là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển hợp tác xã. Hiện nay, hợp tác xã đang hoàn thiện thủ tục đăng ký sản phẩm trà bát vị hồng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP; nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động để tăng thu nhập cho các thành viên.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Nam hiện có 303 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, thu hút trên 178.000 thành viên tham gia. Ngoài chức năng cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ cho thành viên, hợp tác xã có vai trò quan trọng gắn kết các thành viên hợp tác xã thành cộng đồng chặt chẽ về mọi mặt, tạo sự ổn định xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Hà Nam đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn hỗ trợ phát triển còn ít hơn so với nhu cầu; chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp xã. Một bộ phận cán bộ, người dân chưa nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nên chưa tích cực tham gia, xây dựng hợp tác xã…
Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của kinh tế tập thể, hợp tác xã cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với vai trò là cơ quan đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên hợp tác xã, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, đơn vị tiếp tục triển khai tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã ít thành viên, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế đặc biệt là hỗ trợ tư vấn thành lập các hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, các hợp tác xã chế biến, sản xuất nông sản sạch; tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu…
Theo baotintuc.vn