Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức sáng 15/8, tại Hà Nội.
Bộ VHTTDL ban hành Quyết phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Giữa tháng 7, Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Mục tiêu là phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế.
“Hội nghị này được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về các văn bản mới của ngành du lịch hướng tới các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan", Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Các đại biểu, đại diện các tỉnh, thành phố tập trung thảo luận, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể các văn bản mới của ngành du lịch. Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - nêu những nhiệm vụ mang tính đột phá trong giai đoạn tới cho ngành du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội dự định xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đường sông, kết nối các điểm du lịch dọc khu vực sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội, sản phẩm du lịch kết nối giữa Hà Nội và các địa phương.
“Đầu tiên là hình thành tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng, đền thờ Chử Đồng Tử, Sở Du lịch Hà Nội cũng thúc đẩy thực hiện mô hình hợp tác công tư trong đầu tư khai thác, vận hành một số điểm đến di tích, di sản thiết chế văn hóa”, ông Nguyễn Hồng Minh nêu.
Về phát triển kinh tế đêm, sản phẩm du lịch đêm, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết Sở Du lịch Hà Nội tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm Hoàn Kiếm và Tây Hồ, quy hoạch, xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp dự kiến tại các khu vực ngoại thành.
Ông Nguyễn Hồng Minh đề xuất Bộ VHTTDL và các bộ, ngành T.Ư quan tâm, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, kiến nghị xem xét việc áp dụng mức giá điện sản xuất đối với các cơ sở hữu trú du lịch để ổn định lâu dài.
Một số đại biểu lo ngại mặt trái của phát triển kinh tế du lịch đêm là ô nhiễm tiếng ồn. “Những hoạt động du lịch đêm thường gây ra tiếng ồn trong quá trình tổ chức, đặc biệt là các hoạt động vui chơi giải trí. Điều này sẽ gây ảnh hưởng với người dân khu vực xung quanh khi đêm là thời điểm nghỉ ngơi của đa phần người dân bản địa”, đại diện Sở Du lịch TP.HCM nêu.
Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng việc phát triển du lịch ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. “Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ còn hạn chế”, ông Đoàn Văn Việt nêu.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị toàn ngành tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh cần phải coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.
Chính sách visa thông thoáng hơn tạo thành đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL kỳ vọng phát triển du lịch toàn diện, sâu rộng, từ đó từng bước xây dựng, định vị, xác lập thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ngày 15/8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực. Với chính sách visa mới (nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày), du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để thu hút khách du lịch quốc tế.
Theo Tiền phong