Sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã đạt một số kết quả quan trọng, giúp đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn đổi mới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ...
Mô hình trồng cam hiệu quả cao ở xã Quảng Châu, TP Hưng Yên.
Trái ngọt ban đầu
Ðưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng trồng cây có múi rộng hơn 200 ha ở xã Ðồng Thanh, huyện Kim Ðộng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau quả và dịch vụ thương mại Ðồng Thanh Phạm Văn Quynh cho biết, vụ cam vừa rồi, nông dân Ðồng Thanh được mùa, được giá, thu về hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, cam Ðồng Thanh đã có nhãn hiệu, được quảng bá rộng rãi, nhiều doanh nghiệp đến tận vườn đặt hàng. Những hộ trồng cam theo quy trình VietGAP, giá bán cam thường cao hơn 20% so với cam canh tác theo truyền thống. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Ðộng Hoàng Văn Minh chia sẻ: Có được kết quả nêu trên là cả một quá trình chuyển đổi cây trồng gần 10 năm ở Ðồng Thanh. Ban đầu, nông dân chuyển đổi tự phát, manh mún, hiệu quả chưa cao. Trước thực trạng này, huyện Kim Ðộng đã chỉ đạo và hỗ trợ nông dân đồng thửa đổi ruộng, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây có múi; triển khai và chuyển giao quy trình sản xuất VietGAP cho nông dân, thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới, xây dựng nhãn hiệu tập thể cam Ðồng Thanh… Từ đó, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tập quán sản xuất manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
Tại huyện Phù Cừ, nơi đầu tiên thực hiện việc đồng thửa đổi ruộng của tỉnh Hưng Yên, Bí thư Huyện ủy Lê Trí Viễn cho biết, để nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện ra nghị quyết về: Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị hàng hóa, giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với quản lý đất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa giai đoạn 2015-2020. Ban Thường vụ Huyện ủy ra chủ trương hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt các nghị quyết, chương trình, dự án của huyện. Ðến nay, nông dân huyện Phù Cừ đã chuyển đổi hơn 1.300 ha lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, hình thành nhiều vùng cây ăn quả chuyên canh, như: vùng trồng vải lai chín sớm hơn 700 ha ở các xã Tam Ða, Minh Tiến; vùng trồng vải hơn 300 ha ở các xã Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng, Ðoàn Ðào; vùng trồng cam 50 ha ở thôn Ngũ Phúc, xã Tam Ða…
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Hưng Yên đã phát triển đúng hướng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển các ngành liên quan. Tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, đề án như: Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đề án sản xuất giống lúa, giống cây trồng, vật nuôi; đề án xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… Ngoài ra, Hưng Yên đã phê duyệt kế hoạch khung về chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thực hiện dự án chọn lọc, duy trì giống gốc nếp thơm Hưng Yên và phục tráng một số giống lúa chủ lực trên địa bàn tỉnh; dự án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên cây trồng. Ban hành một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn; đề án cơ cấu lại ngành thủy lợi. Phê duyệt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn; triển khai bộ tiêu chí giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tổ chức các lễ hội nhãn lồng, cam, hoa, cây cảnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Toàn tỉnh đã thực hiện đồng thửa đổi ruộng trên diện tích gần 29 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 53,1% tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh, tỷ lệ bình quân từ 3,2 thửa/hộ, nay chỉ còn 1,6 thửa/hộ, cơ bản khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trên cơ sở đó, các địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh theo quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Hưng Yên cũng đã tập trung hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh như vùng nhãn, vải lai, cây có múi, chuối, dược liệu, rau theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, rau công nghệ cao… Ðồng thời, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm có giá trị kinh tế cao và nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2014-2018 được hàng nghìn héc-ta; nâng tổng số diện tích đã được chuyển đổi đến nay ở tỉnh lên hơn 10 nghìn ha, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nổi bật nhất, đã chuyển đổi toàn bộ 200 ha trồng ngô, khoai bãi ven sông Hồng của xã Phụng Công, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang sang trồng các loại hoa, cây cảnh, áp dụng công nghệ tiên tiến; một số mô hình cho thu nhập từ ba đến bảy tỷ đồng/ha/năm; nhiều mô hình đạt mức thu từ 600 triệu đồng đến một tỷ đồng/năm, góp phần nâng giá trị trên mỗi héc-ta canh tác của tỉnh đạt hơn 192 triệu đồng/năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân gần 3%/năm.
Sớm tháo gỡ những trở ngại
Những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp Hưng Yên trong thời gian qua chỉ là bước đầu bởi quá trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả, bền vững sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Giám đốc HTX sản xuất rau - quả và cung ứng dược liệu An Thịnh Phát (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) Bùi Văn Phương cho biết, HTX An Thịnh Phát đã được sự hỗ trợ của xã và huyện về việc thành lập, đưa HTX vào hoạt động; thuê đất, hỗ trợ về việc xây nhà lưới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao để sản xuất dưa lưới và một số sản phẩm nông sản khác theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, do trình độ, năng lực, ý thức kỷ luật trong công việc của một số thành viên HTX còn hạn chế, cho nên đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc mở rộng quy mô, tích tụ ruộng đất còn khó khăn do nhiều hộ có đất, sản xuất không hiệu quả nhưng vẫn giữ đất, không muốn cho thuê đất. Anh Vũ Văn Thức, xã Ðồng Thanh nêu thực trạng nhiều hộ nông dân ý thức chưa cao, việc chấp hành quy trình sản xuất VietGAP chưa tốt.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh chưa tập trung vào khâu đột phá trong sản xuất các sản phẩm chủ lực. Quy mô sản xuất nhỏ còn phổ biến, việc tích tụ đất đai chậm, chưa tạo ra vùng sản xuất tập trung, sản phẩm không đồng đều dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Mối liên kết giữa sản xuất và thị trường đã hình thành nhưng chưa chặt chẽ, sản xuất theo chuỗi chưa nhiều, cho nên thu nhập và hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa nhiều; mới tập trung chủ yếu vào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống. Một bộ phận nông dân không mặn mà với đồng ruộng, một số nơi nông dân bỏ ruộng. Hoạt động của nhiều HTX thiếu hiệu quả.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Ðỗ Minh Tuân nhấn mạnh một số giải pháp như: tiếp tục rà soát, sửa, bổ sung quy hoạch nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng lĩnh vực phù hợp điều kiện thực tế ở tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình, dự án, đề án của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh, thâm canh theo chuỗi, với phương châm "mỗi làng, xã có một sản phẩm nông sản chủ lực". Ðẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong thôn, xã, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nông sản. Khuyến khích tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện ở Hưng Yên; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp kiểu mới; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tạo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa "bốn nhà". Chú trọng xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh. Như vậy, việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hưng Yên mới khả thi và phát triển bền vững.
Theo nhandan.com.vn