Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từ năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 31,51% so với năm 2021, trong đó, ngành công nghiệp chế tạo tăng hơn 33%.
Công nghiệp hỗ trợ hiện là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng công nghiệp của Bắc Giang. Do đó, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bằng nhiều hình thức như: Cung cấp thông tin thị trường, chính sách pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, mở rộng thị trường...
Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất cơ khí QTH. Ảnh: Vũ Trí Khương
Riêng với chính sách khuyến công, chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, Bắc Giang đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam, Việt Yên và thành phố Bắc Giang được hỗ trợ mua sắm thiết bị sản xuất.
Theo ông Vũ Văn Hải - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất AZ Hitech Vina, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, nhờ được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia, năm 2022, Công ty đã mua thêm 1 máy CNC tự động, gia công các linh kiện cơ khí chính xác, phục vụ cho các công ty “mẹ”. Nhờ đó đã tăng năng lực sản xuất, đáp ứng thời gian trả đơn hàng lớn.
Dù đã được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách, tuy nhiên theo ông Đinh Hồng Quân - Phó Chủ tịch thường trực Hội các Doanh nghiệp cơ khí tỉnh Bắc Giang, doanh nghiệp cơ khí của tỉnh đang phải đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính thấp; chất lượng sản phẩm không cao; trình độ quản lý còn nhiều bất cập… khó đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Mặt khác, chương trình khuyến công đề ra các tiêu chí không phù hợp gây khó cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hơn nữa, nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án có mức đầu tư cao. “Đề nghị chương trình cần bám sát thực tiễn hơn”, ông Đinh Hồng Quân nhấn mạnh.
Đại diện Hội các Doanh nghiệp Cơ khí tỉnh Bắc Giang cũng cho hay: Hiện nay, quỹ đất được UBND tỉnh phê duyệt cho thuê giao cho các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã nằm trong và ngoài cụm công nghiệp chưa được khai thác, phát huy hết hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao. Đây là tài sản vô giá, cần được khai thác triệt để, đặc biệt là các doanh nghiệp mới rất cần có quỹ đất để sản xuất và phát triển.
Do đó, ông Đinh Hồng Quân đề xuất: Khi đã giao đất, cho thuê đất đối với các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã phải giao cho họ tự chủ sản xuất kinh doanh, chỉ cần đảm bảo các yếu tố như môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn… theo Luật Doanh nghiệp và báo cáo với các sở chủ quản.
Nhà nước không nên quy hoạch phân vùng sản xuất, cấp phép, xin phép đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không can thiệp quá sâu vào mô hình, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xem và xét làm mất cơ hội của các doanh nghiệp.
“Các sở, ban ngành địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp bàn chủ trương, khai thác triệt để quỹ đất đang còn nằm trong các doanh nghiệp nhỏ, ở trong và ngoài cụm công nghiệp trên cơ sở thông thoáng và trách nhiệm”, ông Đinh Hồng Quân nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương