Quan tâm “chăm sóc” nhà đầu tư, doanh nghiệp
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 3 đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Một trong số đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Đây cũng là quan điểm được lãnh đạo tỉnh Long An quán triệt trong nhiều năm qua. Theo đó, Long An luôn xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, như đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tạo quỹ đất công nghiệp, thực hiện các quyết sách mạnh mẽ, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” nhằm giảm thiểu thời gian, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thời gian qua, có nhiều dự án quy mô lớn đầu tư vào các khu công nghiệp được tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong 1 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Trung tâm TP. Tân An, tỉnh Long An, Ảnh: Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Long An
“Chúng tôi cũng đánh giá cao tinh thần quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính của lãnh đạo tỉnh Long An, luôn lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đầu tư”, ông Võ Quốc Thắng bày tỏ.
Mới đây, trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản năm 2023 tổ chức tại Long An, ông Katsuhiko Usui, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cũng khẳng định: “Chúng tôi đã đúng khi chọn Long An để xây dựng nhà máy bia 14 năm trước”.
Ngoài lý do ở Long An có nguồn nước tốt để nấu bia, ông Katsuhiko Usui cho biết thêm, Sapporo chọn Long An đặt nhà máy vì tỉnh này nằm sát TP.HCM - thị trường tiêu thụ bia lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời, gần các cảng lớn, kết nối đường bộ với TP.HCM thuận lợi. Đặc biệt, khi đến Long An đầu tư, Sapporo được chính quyền tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi khi xây dựng nhà máy.
Với nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An có bước tiến đáng kể khi tăng 6 bậc so với năm 2021, vươn lên vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, kết quả xếp hạng PCI năm 2022 cho thấy chất lượng điều hành của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến tốt; tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm; việc tăng cường tính minh bạch, tính năng động và cạnh tranh bình đẳng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc cải thiện PCI vẫn còn những điểm chưa được như kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh cần quyết liệt và cố gắng nhiều hơn nữa để có kết quả đồng bộ, bền vững hơn.
Để môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng hơn, các chỉ số thành phần PCI được cải thiện và tăng dần qua từng năm, hướng tới mục tiêu duy trì vị trí của Long An trong tốp đầu trên bảng xếp hạng PCI cả nước một cách bền vững hơn, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch Tiếp tục cải thiện và nâng cao PCI năm 2023.
Mục tiêu tỉnh đặt ra là phấn đấu điểm số PCI năm 2023 đạt 70,5 điểm (tăng 2,06 điểm so với năm 2022); các chỉ số thành phần PCI năm sau không giảm điểm, giảm hạng so với năm trước. Phấn đấu điểm số PCI năm 2023 của tỉnh xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” trên cả nước.
UBND tỉnh Long An yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành trong tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đổi mới tư duy, tích cực nghiên cứu, nắm vững nội dung các chỉ số thành phần PCI, chủ động đề ra giải pháp thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại đơn vị, địa phương mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của cả tỉnh.
Tiếp tục tăng cường quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và PCI đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và sự năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng các mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương
Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá PCI, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch Triển khai đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh Long An nhằm đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh sâu sắc hơn, giúp cải thiện PCI một cách bền vững.
Ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 881/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Đề án Triển khai đánh giá DDCI tỉnh Long An. Hiện nay, Đề án đã được hoàn thành xây dựng, đang trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Lần đầu tiên thực hiện tại Long An, DDCI Long An được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp sở, ban, ngành và địa phương - những cấp chính quyền có tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức kinh tế như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.
Thông qua kết quả đánh giá, các đơn vị, địa phương sẽ có những điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng chính là tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế tại tỉnh.
Tiếp thu kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố thực hiện trước, nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn địa phương, việc triển khai đánh giá DDCI bắt đầu từ năm 2023 của Long An được xem như một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện, bền vững.
Theo Đề án, đối tượng được đánh giá (dự kiến) là tất cả sở, ngành và địa phương có phát sinh giao dịch thủ tục hành chính trực tiếp với doanh nghiệp, người dân. Thời kỳ thu thập dữ liệu trong khoảng 1 năm gần nhất.
Đối tượng tham gia đánh giá sở, ban, ngành là doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư (và đối với một số trường hợp là các hộ kinh doanh) trên địa bàn tỉnh, đã từng thực hiện thủ tục hành chính hoặc dịch vụ công tại các sở, ban, ngành.
Đối tượng tham gia đánh giá địa phương là các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các nhà đầu tư đến khảo sát và làm việc tại tỉnh (một số trường hợp là các doanh nghiệp, tổ nhóm hợp tác, hợp tác xã có tương tác với chính quyền địa phương).
Theo Báo Đầu tư