Trong giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị nên tình hình chính trị, xã hội của tỉnh Nam Định ổn định, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá. GRDP bình quân giai đoạn 2005-2020 tăng 6,9%/năm, năm 2021 tăng 7,9%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,37%, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Giáo dục và Đào tạo gần 03 thập kỷ giữ vị trí trong top đầu toàn quốc về chất lượng; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Quang cảnh buổi làm việc của Ban Chỉ đạo với Tỉnh ủy Nam Định
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 03 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển). Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724 km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 600 nghìn người, khoảng 30% dân số toàn tỉnh; bờ biển dài 72 km và 4 con sông chính là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Sò hướng ra biển theo 4 cửa sông (cửa Ba Lạt, cửa Đáy, cửa Ninh Cơ và cửa Hà Lạn). Có thể nói Nam Định là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ven biển.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương , triển khai thực Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 để ban hành các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế biển.
Đến nay, vùng kinh tế ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 60 triệu đồng/người cao hơn bình quân chung của tỉnh. Các địa phương vùng ven biển luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước vào năm 2015, đã đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến nay đã có 74/80 (93%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Công tác quy hoạch và đầu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, ngày càng hoàn thiện. Thu hút đầu tư vào vùng ven biển đạt kết quả tích cực, từ năm 2016 đến nay, đã có 114 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 125.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. Các lĩnh vực văn hóa -xã hội được quan tâm phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương; người dân có truyền thống hiếu học, cần cù lao động sáng tạo, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng; quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Tuy nhiên, vùng kinh tế ven biển của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện, chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực; ngành công nghiệp, vận tải biển và các loại hình dịch vụ biển còn nhiều dư địa để phát triển; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gặp nhiều khó khăn...
Nhằm phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng vốn có cũng như khắc phục những hạn chế đã được nhận diện, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng ven biển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết định hướng xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, tỉnh Nam Định tập trung triển khai một số định hướng, giải pháp chủ yếu:
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế vùng ven biển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng và phong phú để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng ven biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
2. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế vùng ven biển. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp đồng bộ quy hoạch không gian biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và các quy hoạch chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh, cũng như tăng cường tính liên kết vùng. Tổ chức lập và sớm hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng và triển khai các dự án động lực của vùng đảm bảo tính kết nối, liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng ven biển.
3. Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm vùng ven biển, bao gồm: hạ tầng giao thông; hạ tầng khu đô thị; hệ thống đê điều, thủy lợi; cảng biển…
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng như: đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; các cầu Bến Mới, Đống Cao, Ninh Cường và các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ.
- Xây dựng và phát triển các khu đô thị ven biển Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, Đại Đồng, hình thành thành phố Thịnh Long - Rạng Đông trở thành trung tâm phía Tây Nam của tỉnh.
- Tập trung đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi. Xây dựng lộ trình từng bước nâng cấp hệ thống đê biển của tỉnh đảm bảo khả năng chống chịu được bão trên cấp 12 trong điều kiện triều cường. Nâng cấp hệ thống thủy lợi theo quy hoạch để vừa đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất, đồng thời đáp ứng yêu cầu về khả năng ứng phó với biển đổi khí hậu, triều cường và nước biển dâng.
4. Xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao; trong đó chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm: Công nghiệp; Thương mại, dịch vụ, du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.
- Thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của vùng như: Cảng biển, sản xuất thép, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất dược liệu,... nghiên cứu, đánh giá tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí.
Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo quy hoạch để từng bước phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp có quy mô lớn. Hoàn thành hạ tầng và sớm lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Cụm công nghiệp Thịnh Lâm; nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Hải Long với quy mô lớn trên 1.100 ha. Xây dựng, hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ; Khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng. Trước mắt, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư triển khai tổ hợp các dự án đầu tư của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng.
- Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu Nhà thờ đổ xã Hải Lý,.... Tăng cường mối liên kết giữa các điểm du lịch biển với các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
- Khai thác có hiệu quả cảng Hải Thịnh, cảng cá và các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng sông, cảng biển trên địa bàn tỉnh; hình thành cảng nước sâu, chuyên dùng để tăng khả năng tiếp nhận, thu hút các tàu có trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới vận chuyển hàng hóa qua cảng; tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển trong và ngoài nước để thu hút nguồn hàng thông qua cảng biển của tỉnh.
- Phát triển ngành nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phát triển ngành chế biến sản phẩm thủy, hải sản theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến cung ứng thủy sản an toàn với giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư
- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
- Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư theo hướng tỉnh chủ động mời gọi, làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, các cơ quan, hiệp hội trong và ngoài nước để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, dư địa của vùng ven biển.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư trên địa bàn tỉnh.
6. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Xây dựng các chương trình đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường để phục vụ cho các ngành kinh tế vùng ven biển và chuyển đổi nghề nghiệp của người dân. Có kế hoạch, đề án bảo đảm trường lớp đáp ứng kịp thời sự phát triển của vùng kinh tế ven biển và ổn định học tập cho con em công nhân tại các khu công nghiệp. Thu hút xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao để tận dụng hiệu quả chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh.
7. Xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới bền vững và phát triển; giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
- Tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với các tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp” để phát triển bền vững, trong đó phấn đấu đến năm 2025 huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2030 các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
- Bảo tồn, tôn tạo các kiến trúc, di sản thiên nhiên, văn hóa, tôn giáo ở khu vực ven biển. Phát triển các thiết chế văn hóa truyền thống cho cộng đồng dân cư, phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc. Nâng cao đời sống sinh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn cho dân cư sinh sống ở vùng ven biển và dân cư lao động trên biển.
- Phát triển kinh tế vùng ven biển phải gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
Cẩm Tú
(tổng hợp từ Kỷ yếu Hội thảo Khoa học
Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)