Đồng chí Lò VĂn Phương (đầu tiên bên trái) Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên
cùng đoàn đại biểu hội đồng nhân dân các tỉnh bắc Lào thăm mô hình nuôi hươu sao tại huyện Điện Biên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc (phụ trách) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên như trầm ngâm hơn khi nhắc lại khó khăn riêng với ngành nông nghiệp ở địa bàn tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn. Đầu năm là hiện tượng thời tiết bất thường với những trận mưa đá cuối đông, đầu xuân kéo từ năm cũ sang năm mới làm thiệt hại hàng nghìn ha lúa, cây màu. Ở vựa lúa thuộc lòng chảo Mường Thanh có hàng trăm héc-ta hư hỏng. Tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Ảng... thì rong riềng, cà phê cũng bị mưa đá, giông lốc quất tơi bời, cây nào trụ được thì thân cành cũng nghiêng, đổ tả tơi. Rồi sang mùa nắng thì khô hạn kéo dài, cây cối chưa kịp hồi phục sau mưa giông lại phơi mình chống hạn...
Ấy vậy mà chẳng nề hà mưa hay nắng, chỉ ngay khi cơn giông đi qua thì hàng trăm cán bộ nông nghiệp ở khắp các xã, các huyện và các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp tỉnh lại đôn đáo về từng thôn, bản hướng dẫn khắc phục. Nơi nào có thể cấy thì khẩn trương hỗ trợ, cấp giống cấy lại; những nơi thiếu nước thì chuyển sang trồng cây màu hoặc xen canh cây ngắn vụ dưới tán cây công nghiệp dài ngày, cây lâu năm. Theo chuyên môn, cán bộ kĩ thuật làm việc kĩ thuật; khuyến nông làm việc khuyến nông và thú y thì hướng dẫn bà con cách phòng, điều trị bệnh. Cứ như thế, mỗi cán bộ trong ngành đều làm việc khẩn trương, trách nhiệm với chung mục tiêu giúp người nông dân vùng thiên tai bớt thiệt hại, người nông dân vùng thuận tiện có kĩ thuật tăng năng suất cây trồng và người chăn nuôi thì bảo vệ tốt đàn vật nuôi để tăng đàn tăng kinh tế...
Đồng chí Lê Thành Đô (ở giữa), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên thăm mô hình trồng rau sạch tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.
Nhờ sự sát sao thực tiễn, chủ động nắm bắt diễn biến mọi tình hình nên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều kết quả nổi bật, giữ nhịp tăng trưởng ổn định trong năm 2023 để tạo đà tăng trưởng bền vững trong cả giai đoạn 2021-2025 như mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Khóa 14 đề ra.
Theo “guồng” công việc ấy theo thời gian, đến cuối năm 2023 thì mỗi cán bộ, công chức ngành nông nghiệp Điện Biên cũng phần nào an lòng với kết quả đạt được. Trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh, ngành kinh tế nông nghiệp Điện Biên tiếp tục phát triển với tổng giá trị sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (GRDP theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.432,4 tỷ đồng; so với năm 2022 tăng 3,01%. Các chỉ tiêu sản xuất của ngành đều cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch giao. Cụ thể: sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 285,5 nghìn tấn (đạt 101,34% kế hoạch năm); sản lượng cà phê nhân gần 4.400 tấn (đạt 141,25% kế hoạch); sản lượng chè búp tươi 164 tấn (đạt 126,15% kế hoạch); sản lượng mủ cao su 5.144 tấn (tăng 363 tấn so với năm 2022).
Được hướng dẫn kĩ thuật cưa đốn và ghép cải tạo giống cà phê lai,
người dân bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng chủ động thực hiện trên diện tích cà phê của gia đình.
Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về chủ trương thu hút đầu tư phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp đa mục đích mà cụ thể là cây mắc-ca, trong năm dù nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn không có tiềm lực trồng mới, chăm sóc song ngành nông nghiệp đã chủ động tìm giải pháp tham mưu chính quyền các huyện; đồng thời hỗ trợ thủ tục, giải pháp để nhà đầu tư, người dân chủ động trồng mới, mở rộng diện tích.
Do vậy, riêng năm 2023 toàn tỉnh Điện Biên đã trồng mới được 2.474 ha cây mắc-ca nâng tổng diện tích cây mắc-ca trong toàn tỉnh lên hơn 7.249ha (trong đó có hơn 1.000ha đã cho thu hoạch với sản lượng hơn 807 tấn quả tươi). Tại huyện Tuần Giáo đã hình thành các vùng trồng mắc-ca tập trung tại ở các xã, như: Quài Nưa, Quài Tở, Quài Cang… đã cho sản phẩm làm hàng hóa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng, chế biến. Nhờ đó, người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã tin tưởng, đồng thuận cao với các dự án trồng cây mắc-ca đã và đang được triển khai.
Dự án trồng cây mắc-ca tại huyện Mường Ảng được quan tâm triển khai, hiện cây sinh trưởng tốt.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, do đặc thù địa hình đồi núi cao không chỉ khó với việc trồng rừng mới mà khó với cả việc quản lý, bảo vệ cây gỗ lớn trong rừng. Vậy nhưng, với các giải pháp đồng bộ từ quyết liệt chỉ đạo trồng rừng mới, trồng rừng thay thế, trồng rừng phòng hộ và đẩy mạnh tuyên truyền lợi thế trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng đã giúp người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa nâng cao nhận thức, từ đó bà con chủ động góp sức cùng lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch, quyết định và ban hành các văn bản, tham gia các cuộc họp quan trọng để tăng cường chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn của Đài khí tượng thủy văn và thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm, để kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, V đến các cơ quan, đơn vị và chủ rừng, để kịp thời triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp, hiệu quả. Cùng với diện tích rừng được được trồng mới trong năm là 1.551,81 ha (đạt 373,93% kế hoạch năm) đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ che phủ rừng trong tỉnh đạt 44% (đạt mục tiêu kế hoạch đề ra).
Công nhân Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuần Giáo kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng rừng.
Được giao nhiệm vụ đơn vị thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai chương trình một cách rộng khắp, thực chất; các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn. Đặc biệt năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh có xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao là xã Lay Nưa thị xã Mường Lay.
Được giao thực hiện tiểu dự án 1; nội dung số 1, tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, ngành nông nghiệp Điện Biên đã triển khai hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng 5.342ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ 489ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây lâm sản ngoài gỗ 22ha. Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong năm ngành đã tổ chức thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai 39 dự án liên kết (trong đó có hai dự án liên kết trong phạm vi hai huyện; 37 dự án liên kết trong phạm vi một huyện) và ba dự án liên kết trong phạm vi một huyện đang thẩm định. Hiện có 38/39 dự án đã có quyết định phê duyệt và đang triển khai thực hiện..
Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật, song với quan điểm của người được giao trọng trách điều hành, dẫn dắt ngành ở thời điểm hiện tại thì ông Trần Văn Thượng cho rằng, kết quả đạt được mới tạm “an lòng” chứ chưa thể tự hài lòng khi những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ (là nông sản thô, thị trường tiêu thụ không ổn định) vẫn đang là thách thức lớn trong lộ trình hướng tới nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, để đạt kết quả cao nhất trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua theo tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.
Nông dân huyện Điện Biên chăm sóc rừng.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên sẽ chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng thời các nhiệm vụ. Cụ thể, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trong đó lấy doanh nghiệp là nòng cốt. Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tạo thêm giá trị mới trên đơn vị diện tích canh tác; triển khai cấp mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản theo yêu cầu của từng thị trường. Tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc, tạo thêm giá trị gia tăng và phát triển bền vững xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, khai thác các giá trị tài nguyên bản địa, hình thành, đa dạng hóa các sản phẩm OCOP. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn.
Theo nhandan.vn