Tại diễn đàn Thu hút Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Xanh 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM vừa tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Thế giới đang đứng trước bài toán khó giải về đảm bảo an ninh lương thực. Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn càng trở nên cấp thiết”.
NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU
Trong bối cảnh hiện nay, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp. Đồng thời, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, Phó Chủ tịch VCCI cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây.
Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…
“Nông nghiệp đã thực sự trở thành "trụ đỡ" quan trọng của nền kinh tế và đang được mong đợi hơn nữa. Đồng thời, nông nghệp còn có vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới”, ông Phòng đánh giá.
Trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 1 - 1,5%/năm và giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 1 - 1,5%/năm.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Phấn đấu trên 35% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng tình, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM, nhận định phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu. Đối với TP.HCM, hiện Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định 1589/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 phê duyệt kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, xác định phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường được coi là định hướng phát triển quan trọng trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu nông nghiệp.
Theo ông Lê Minh Dũng, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học là hướng đi tất yếu khi quỹ đất nông nghiệp của TP.HCM ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, TP.HCM đang nghiên cứu, chuyển giao các mô hình hình nông nghiệp tiên tiến; nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới.
“Đến nay, TP.HCM đã có 87 ha đất trong Khu nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, khu công nghiệp này đã hoàn thiện hạ tầng và được lấp đầy. Hiện, TP.HCM tiếp tục đề xuất chủ trương mở rộng”, ông Dũng thông tin.
NINH THUẬN ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP XANH
Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có cửa ngõ giao thông thuận lợi, Ninh Thuận có điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, với nhiệt độ bình quân 27- 28 độ là nơi lý tưởng để phát triển nông nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh có thời gian bức xạ 12 tiếng trong ngày, mỗi năm có 28 - 32 nghìn bức xạ, rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng nhận định trước đây Ninh Thuận được coi là một địa phương khô hạn nhất nước, là vùng rất bất lợi. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, vùng đất này đã biến từ bất lợi thành có lợi. Nắng, gió là lợi thế để Ninh Thuận phát triển năng lượng sạch lớn nhất cả nước nước.
“Vùng giao thoa này đặt ra tiểu vùng khí hậu 2 để phát triển các cây nông nghiệp. Với cây lan hồ điệp, phải phát triển ở Ninh Thuận trước rồi sau đó mới di chuyển lên Lâm Đồng để chăm sóc và phục vụ bà con dịp Tết. Bên cạnh đó, dưa lưới phát triển diện tích lớn nhất nước, đạt chuẩn organic tuần hoàn, phân bón hữu cơ, năng lượng tuần hoàn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Về thủy lợi, hiện tỉnh đang có hệ thống thủy lợi chạy tự động và lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó, tỉnh đang có định hướng phát triển nông nghiệp và nông nghiệp xanh, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 xác định nhiều thuận lợi để Ninh Thuận là miền đất hội tụ nhiều điều khác biệt về nông nghiệp.
“Nhiều nhà vườn sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hoá chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước. Đặc biệt, hiện Ninh thuận đã được cấp 37 mã số vùng trồng (15 mã số vùng trồng xuất khẩu và 22 số mã vùng trồng nội địa), với diện tích trên 235 ha”, ông Hoàng cho biết thêm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thông tin hiện nay tỉnh đang ưu tiên các dự án sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ, xây dựng chứng chỉ carbon rừng, hỗ trợ hợp tác sản xuất để hình thành các vùng nguyên liệu xanh. Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu dự báo thị trường trong nước gắn với thị trường nước ngoài để phát triển một số cây con đặc thù, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm.
Theo vneconomy.vn