Tại hội thảo “Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức”, do Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức ngày 10/3/2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng khu vực này dù chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số cả nước nhưng đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách năm 2021. Tuy nhiên, những đóng góp và tăng trưởng GRDP của vùng đang "có dấu hiệu chững lại".
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Bộ từng đạt trung bình trên 10% rồi giảm rõ rệt trong thập niên gần đây, duy trì trung bình 7-8% mỗi năm. Đặc biệt, tăng trưởng GRDP giảm sâu trong năm 2020-2021 do Covid-19. Sức hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng suy giảm khi quy mô trung bình mỗi dự án của vùng chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước là 12,42 triệu USD.
Theo đó, ngày 07/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 đặt mục tiêu đây là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với mức 8-8,5% mỗi năm giai đoạn đến 2030. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người cuối thập niên này sẽ đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD mỗi năm.
Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học cần tháo những “điểm nghẽn” cho khu vực Đông Nam bộ để thực sự giúp cho kinh tế - xã hội của vùng bứt tốc, như: thiếu lao động có kỹ năng và trình độ cao, thiếu sự liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ do cơ chế pháp lý chưa cụ thể, quản lý theo địa giới hành chính gây chia cắt chuỗi cung ứng…
GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt siêu đô thị như TP.HCM cùng với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư, nên phải đối diện thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.
Dù vậy, tỷ lệ lao động có kỹ năng chỉ xấp xỉ 25%, bằng mức trung bình của cả nước; chi cho nghiên cứu và phát triển của các tỉnh trong vùng (trừ TP.HCM) ở mức dưới 0,1% GRDP là quá thấp.
“Tỷ trọng chi R&D/GRDP giai đoạn hơn 20 năm qua toàn vùng chỉ đạt mức xấp xỉ 0,1%. Đây là tỷ lệ thấp vì cơ cấu kinh tế vùng này thiên về công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước, trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp. Nếu so sánh với chi R&D/GDP, Thái Lan đang là 1%, Trung Quốc hơn 2%", ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á, đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ có 970km cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch, do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn giải phóng mặt bằng.
“Tỷ lệ thu ngân sách vùng so với thu ngân sách cả nước xấp xỉ 45-50% nhưng tỷ lệ chi so với với chi ngân sách cả nước xấp xỉ 15%. Điều này là chưa tương xứng khi vùng còn gặp khó về nhiều điểm nghẽn khác như R&D, đầu tư cho cơ sở hạ tầng”, ông Hoài nói.
Để nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực này, theo TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng cần nhất vẫn là giải bài toán vốn. Tỷ lệ chi ngân sách cho vùng cần cải thiện, nên có cơ chế rõ ràng trong việc các địa phương được nhận lại nguồn thu vượt trội hàng năm ra sao, cộng với thay đổi cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng.
Ngoài ra, chi cho đầu tư phát triển mang tính chất liên vùng là chi của trung ương, chưa có cơ chế huy động các địa phương trong vùng. Hiện tại mỗi tỉnh theo đại diện Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), cần nghiên cứu cơ chế hợp vốn để đầu tư các dự án liên vùng. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang đề xuất cơ chế được dùng ngân sách thành phố để chi cho các dự án liên vùng.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu có cơ chế quỹ đầu tư hạ tầng chung, thể chế mở sẽ huy động được nguồn lực, giúp vùng phát triển.
Vùng Đông Nam bộ cần phát triển đúng tiềm lực, do đó, các chuyên gia cho rằng cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ động đề xuất xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ toàn vùng. Đồng thời, cần đánh giá hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, tài chính, xây dựng chiến lược thu hút nhà đầu tư có công nghệ…
Theo Vneconomy