Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đổi mới, lựa chọn lĩnh vực thế mạnh kết hợp tìm nhà đầu tư có tiềm lực và tâm huyết, từng bước khắc phục tình trạng xúc tiến, kêu gọi đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm. Vì thế, đã từng bước thu hút được nhiều dự án lớn không chỉ trong lĩnh vực du lịch truyền thống, mà còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần tạo bước phát triển vững chắc cho địa phương.
Sản xuất áo sơ-mi xuất khẩu tại Công ty may Hà Quảng (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: VŨ SINH
Khai thác thế mạnh của vùng đất
Quảng Bình là địa phương thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trước đây, việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh không hiệu quả, đã có nhiều nhà đầu tư đến thuê đất rồi bỏ hoang, có dự án khởi công rình rang rồi cũng… đắp chiếu, dẫn tới những hệ lụy nhiều năm mới giải quyết xong. Nhưng gần đây, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc thu hút đầu tư, đánh thức tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung theo hướng lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và tìm nhà đầu tư có tiềm năng, tâm huyết để sát cánh cùng địa phương phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho rằng, ngoài ưu đãi thiên nhiên về biển và hệ thống hang động Phong Nha, Kẻ Bàng, Quảng Bình còn nổi tiếng với nắng, gió và cát. Những năm trước các yếu tố này chưa được phát huy hiệu quả, nhưng đến nay đang dần trở thành lợi thế riêng của tỉnh trong việc thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch và công nghiệp năng lượng tái tạo.
Hàng loạt dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã được triển khai tại Quảng Bình, như: dự án Trung tâm thương mại Vincom tại thành phố Đồng Hới của Tập đoàn Vingroup có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng, tạo ra điểm nhấn về kiến trúc cho thành phố bên bờ sông Nhật Lệ. Hay tại bán đảo Bảo Ninh, ngoài sự có mặt của Sun Spa Resort - khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh, tiếp tục triển khai dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái và sân golf Sunrise Bảo Ninh với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, nhiều công ty nước ngoài cũng đã có mặt tại Quảng Bình với những dự án lớn. Vừa qua, Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc) đã khởi công nhà máy điện mặt trời, công suất 49,5 MW thuộc giai đoạn một của tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo ven biển nam Quảng Bình với số vốn 1.259 tỷ đồng. Theo ông Pắc Sê-ung Vu, Chủ tịch Tập đoàn Dohwa, Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, thế nên cùng với điện năng lượng mặt trời, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư dự án nhà máy phát điện sinh khối 100 MW và dự án sản xuất viên nén năng lượng tại đây.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, đến nay, tỉnh đã thu hút được 440 dự án với số vốn đăng ký gần 46 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 và 2017 có 217 dự án với số vốn 17.118 tỷ đồng đã và đang triển khai. Quảng Bình đã bước đầu trở thành địa điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt trên ba lĩnh vực: du lịch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài chia sẻ, dự kiến, năm 2018, Quảng Bình đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, những dự án bất động sản, nghỉ dưỡng, dự án khu du lịch, dịch vụ đang và sắp triển khai tại Quảng Bình sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Đồng thời, sự có mặt của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tại địa phương đã góp phần làm cho vùng đất Quảng Bình ngày càng sôi động, tạo nên bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như động lực thu hút thêm những nhà đầu tư khác đến với Quảng Bình trong tương lai.
Công nhân Nhà máy may xuất khẩu S&D Quảng Bình trong giờ làm việc.
Đồng hành, gắn trách nhiệm với nhà đầu tư
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số dự án sau khi cấp phép, tiến độ triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Ngoài yếu tố khách quan về công tác giải phóng mặt bằng, tình hình kinh tế khó khăn, còn có nguyên nhân do năng lực của nhà đầu tư hạn chế, dự án dàn trải cho nên không thu xếp đủ nguồn vốn để thực hiện dự án tại địa bàn theo tiến độ cam kết. Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh là chuyển sang chú trọng về chất, có chọn lọc, tập trung kêu gọi các dự án "sạch" hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Theo Sở Công thương Quảng Bình, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại khu vực miền trung đang diễn ra mạnh mẽ với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đáng chú ý, bên cạnh các địa phương lân cận, Quảng Bình đang dần nổi lên như một địa chỉ mới trong thu hút đầu tư năng lượng tái tạo. Ngoài dự án điện mặt trời đang thực hiện của Tập đoàn Dohwa, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác cũng rất quan tâm đến các dự án điện mặt trời và điện gió tại Quảng Bình. Tháng 6 vừa qua, tại Phi-li-pin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng Giám đốc Tập đoàn Solar (Phi-li-pin Lê-an-đrô Lơ-vi-xte về hợp tác đầu tư dự án điện mặt trời tại Quảng Bình; đại diện của Tập đoàn Ayala về hợp tác đầu tư trang trại điện gió B&T Windfarm, công suất 352 MW với tổng mức đầu tư 493 triệu USD, trong đó, giai đoạn 1 công suất 252 MW, số vốn là 353 triệu USD. Vì vậy, tỉnh Quảng Bình hiện đang khẩn trương lập quy hoạch phát triển điện mặt trời và điện gió giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 trình Bộ Công thương phê duyệt để có căn cứ triển khai các dự án năng lượng sạch nêu trên.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình Đinh Hữu Thành cho biết, với quyết tâm đồng hành, gắn trách nhiệm với nhà đầu tư, UBND tỉnh đã lập tổ công tác hỗ trợ các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn; chỉ đạo phân công các ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho dự án thuộc lĩnh vực phụ trách, nửa tháng báo cáo tiến độ một lần. Mỗi tháng, UBND tỉnh tổ chức giao ban với các ngành để soát xét lại hoạt động của các nhà đầu tư, tiến độ của dự án nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và trực tiếp xử lý, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn. Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm hành chính công để làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức, qua đó tăng sự minh bạch và tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư. Ngoài ra, Quảng Bình còn có các chính sách hỗ trợ đầu tư khác như: tiền thuế đất đai, giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án...
Đối với các dự án trọng điểm, có tính đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn có chính sách ưu đãi riêng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài khẳng định: "Với phương châm hợp tác cùng phát triển, tỉnh Quảng Bình mong muốn đón tiếp các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án có hiệu quả và bền vững tại tỉnh".
Theo nhandan.com.vn