Hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh
Thị xã Vĩnh Châu là địa phương nuôi tôm lớn của tỉnh Sóc Trăng với diện tích gần 11.000ha theo hình thức bán thâm canh. Vụ tôm năm 2024, toàn thị xã đã thả nuôi hơn 7.899ha, sản lượng trên 30.420 tấn. Mặc dù là vùng nuôi trọng điểm nhưng hiện nay địa phương đang gặp phải những khó khăn về hạ tầng, thủy lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu - trên địa bàn có 35 cống phục vụ lấy nước mặn cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên các công trình này lại vừa làm nhiệm vụ cung cấp nước vừa là nơi dẫn nước thải trong sản xuất, sinh hoạt ra ngoài nên việc bồi lắng tại các cống rất nhanh.
Bà Bình thông tin, nguồn thủy lợi phí hằng năm được phân bổ cho thị xã chỉ đủ để đáp ứng nạo vét 10% hệ thống thủy lợi nên không thể đáp ứng được công tác lấy nước ở tất cả các địa phương trên địa bàn thị xã.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 50 cống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi thủy sản. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một số công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã lâu nay xuống cấp rất cần đầu tư đồng bộ mới đảm bảo phát huy hiệu quả.
Ông Phạm Tấn Đạo - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có khoảng 15 cống dọc tuyến đê biển. Tất cả được cải tạo, nâng cấp và bổ sung dựa trên công trình thủy lợi được xây dựng trong các giai đoạn trước đó (chủ yếu phục vụ ngăn mặn, thoát nước trong quá trình sản xuất lúa và hoa màu trong vùng) nên khi chuyển đổi mục đích sang phục vụ nuôi trồng thủy sản đã có nhiều điểm hạn chế.
135 tỉ đồng đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản
Theo ông Đạo, để ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản thì cần phải nâng cấp, mở rộng, xây dựng hệ thống thủy lợi lấy nước biển vào phục vụ nuôi trồng thủy sản.
“Chúng tôi kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tham mưu cho UBND tỉnh xây mới cống NoPol, mở rộng cống số 5 phục vụ các vùng nuôi Vĩnh Tân, Lai Hòa, Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu) với kinh phí khoảng 120 tỉ đồng. Xây dựng cống Bồ Kệnh trên rạch Bồ Kệnh thuộc xã Lai Hòa, vị trí cống trên đê sông Mỹ Thanh có chức năng khép kín vùng nuôi các xã Lai Hòa Vĩnh Tân, Vĩnh Phước. Kinh phí khoảng 15 tỉ đồng. Ngoài ra mở rộng hệ thống cống Đê biển Vĩnh Châu”, ông Đạo nói.
Trước đó, trong chuyến khảo sát hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày 31.5, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh rất quan tâm đến hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản cùng với hệ thống giao thông để vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản và hạ tầng điện để phục vụ cho việc nuôi tôm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng lưu ý địa phương có vùng nuôi thủy sản phải tăng cường xã hội hóa khi thực hiện các công thủy lợi vì nếu chỉ trông chờ vào vốn đầu tư công thì sẽ khó hoàn thành các dự án phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đối với những dự án thủy lợi có quy mô lớn, mang tính lâu dài thì ngành nông nghiệp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ; còn những dự án cấp thiết và phục vụ trước mắt cho người dân thì tỉnh Sóc Trăng sẽ đầu tư (trong đó đồng ý thực hiện cống Nopol ở xã Vĩnh Tân; cống Bồ Kệnh thuộc xã Lai Hòa với kinh phí 135 tỉ đồng).
Ông Trần Văn Lâu cũng lưu ý các ngành chức năng, địa phương khi nâng cấp, mở rộng các cống hiện hữu cần nghiên cứu, thiết kế cho phù hợp với việc mở rộng đê biển nhưng không ảnh hưởng đến vùng nuôi của người dân và doanh nghiệp.
Theo laodong.vn