Nghị quyết 26 sau khi triển khai và đi vào cuộc sống trở thành luồng gió mới, khích lệ người dân năng động, đổi mới tư duy về sản xuất. Nhờ đó, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp (SXNN) của Trà Vinh phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao.
Luồng gió mới cho tỉnh nghèo
Trà Vinh là địa phương có nhiều thuận lợi về điều kiện địa lý ven biển với hai vùng sinh thái ngọt và lợ thích hợp trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi thủy, hải sản. Với lợi thế trên, từ khi tái lập tỉnh (1992), qua các kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh, Trà Vinh luôn xác định nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực.
Tuy nhiên, một thời gian dài, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa bứt phá khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu; không gắn kết được công nghiệp chế biến để tạo ra hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng, mẫu mã và thương hiệu thu hút được thị trường... Nguyên nhân là do thiếu sự định hướng rõ nét, không đồng bộ về giải pháp từ quy hoạch, kiến thiết hạ tầng kỹ thuật, thiếu sự quyết liệt trong công tác vận động, hỗ trợ nông dân xóa bỏ phương thức sản xuất “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; dám nghĩ, dám làm những mô hình sản xuất mới để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tăng thu nhập...
Để thực hiện những mục tiêu trên, Trà Vinh tập trung nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật về hệ thống kênh mương thủy lợi với hàng trăm cống ngăn mặn trữ ngọt; đồng thời đầu tư hàng nghìn ki-lô-mét đường dây điện trung thế, hạ thế. Ngành nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết nối với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang)... để nghiên cứu về thổ nhưỡng, thực nghiệm, hình thành các mô hình sản xuất, chăn nuôi, cây, con mới cho năng suất và chất lượng cao. Cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật của tỉnh chỉ chưa đầy 5 năm gần như đã xóa bỏ không còn dấu vết của phương thức sản xuất lạc hậu.Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 26 ra đời tạo nên luồng gió mới cho tỉnh nghèo Trà Vinh vươn lên phát triển. Quán triệt Nghị quyết 26, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh bắt tay vào thực hiện với chương trình, kế hoạch cụ thể, cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Theo đó, 4 mục tiêu lớn được Đảng bộ tỉnh đề ra và tập trung mọi nguồn lực thực hiện, gồm: Đầu tư về hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn; xóa bỏ triệt để thói quen phương thức sản xuất lạc hậu; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất công nghiệp chế biến.
Phân loại dừa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Cầu Kè (Trà Vinh). |
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết: “Nghị quyết 26 đã được cả hệ thống chính trị trong tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, từ đó đạt nhiều kết quả to lớn. Những kết quả mang lại không chỉ xây dựng được “nền móng” hiện đại cho nền SXNN, cải thiện rõ rệt đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn theo hướng ngày càng tích cực hơn, mà còn đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
Đổi thay trên những vùng quê "3 không”
Để có thể minh họa rõ nét hơn cho những đổi thay của vùng quê nghèo Trà Vinh sau gần 15 thực hiện Nghị quyết 26, chúng tôi tìm đến những ấp khó khăn của các huyện trước đây từng là vùng trũng, “túi nghèo” của tỉnh, như: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Cầu Kè... Quả thật những hình ảnh thời gian khó giờ đây đã dần lùi xa về dĩ vãng. Cùng với đổi thay về diện mạo, qua những câu chuyện, chúng tôi còn nhận thấy sự đổi mới trong suy nghĩ của bà con nông dân.
Câu chuyện về ông Lâm Khem ở huyện Cầu Ngang là một ví dụ. Trước đây, diện tích đất của gia đình ông chủ yếu là trồng khoai lang vì thế thu nhập không được bao nhiêu. Từ khi được chính quyền địa phương hướng dẫn các mô hình mới, ông đã mạnh dạn áp dụng. “Ngoài trồng khoai lang, tôi còn trồng tre lấy măng, trồng màu sử dụng màng phủ... trên đất giồng cát tạo nên thành quả ngoài mong đợi. Với cách làm đó, bình quân hằng năm gia đình tôi thu nhập 80-100 triệu đồng/ha” ông Khem bộc bạch.
Nói về sự “chuyển mình” của vùng đất cát, khô cằn tại huyện Duyên Hải, đồng chí Trần Quốc Đoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: "Là địa phương vùng ven biển, trong nông nghiệp chủ yếu là nuôi thủy sản và trồng màu; điều kiện về hạ tầng nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống giao thông và điện tại một số xã chưa được đầu tư nên ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách trong thực hiện Nghị quyết 26 đã tạo điều kiện rất lớn cho địa phương tiếp cận các nguồn vốn trong đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng...Cũng nhờ đổi mới tư duy sản xuất nên nhiều vùng quê “3 không” (không điện, không đường, không trường học) của huyện Duyên Hải đã được xóa bỏ. Khoảng 10 năm trước, vùng Đồng Láng của xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải là những cánh đồng hoang sơ, người dân ở đây chỉ nuôi tôm sú theo hình thức thả lang nên hiệu quả không cao. Từ ngày hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, những cánh đồng hoang sơ ngày nào nay đã phủ kín bởi ao tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, siêu thâm canh...
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bà con tiếp cận với khoa học và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là nghề nuôi tôm nước mặn và lợ cũng vươn tới mô hình nuôi bán thâm canh, nuôi tôm công nghiệp, mức thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Riêng mô hình nuôi tôm công nghiệp cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng quê “3 không” trước đây đã được xóa, như khu vực Hồ Thùng, Hồ Tàu (xã Đông Hải), Đồng Láng (xã Đôn Châu và Đôn Xuân), Cái Cỏ, Vũng Tàu (xã Long Vĩnh)...”.
Tương tự, tại vùng đất Đồng Khoen (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè), nơi có hơn 95% đồng bào Khmer sinh sống từng được mệnh danh là “ốc đảo” với “3 không” nay cũng trở mình vươn lên. Từ sản xuất bấp bênh, chỉ một vụ lúa/năm, nay vùng đất Đồng Khoen đã trở thành vùng sản xuất lúa trong cánh đồng lớn của xã. Đối với các diện tích đất gò, trồng lúa kém hiệu quả được nông dân trong ấp chuyển đổi thành vườn, chủ yếu trồng dừa, nhãn và cây có múi cho lợi nhuận kinh tế cao.
Theo ông Thạch Sâm Bách, Trưởng ban nhân dân ấp Đồng Khoen: Qua 10 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất cùng với việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt đã giúp nông dân trong ấp có một cuộc cách mạng rất lớn về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất và tăng vòng quay của đất. Bình quân giá trị kinh tế năm 2010 đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2020 tăng lên 70-75 triệu đồng/ha/năm. Về giao thông, với hệ thống đường bê tông bảo đảm thông suốt đến các cụm dân cư và hơn 95% hộ dân trong ấp có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo của ấp giảm còn 2,3%...
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26, kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân Trà Vinh có bước chuyển biến lớn. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2008-2020 đạt khoảng 2,9%/năm (kế hoạch 4%/năm). Cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành chuyển dịch đúng hướng.
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 43.173,76 tỷ đồng, chiếm khoảng 48,12% cơ cấu kinh tế nông thôn, tốc độ tăng bình quân hơn 20%/năm. Nông nghiệp phát triển đã cải thiện đời sống người dân và bộ mặt vùng nông thôn được thay đổi tích cực hơn. Hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh và bền vững từ 23,69% năm 2008 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 1,8% năm 2020 (theo tiêu chí mới), bình quân giảm 1,83%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,2 triệu đồng lên 30,94 triệu đồng/năm (2020). Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo báo Quân đội Nhân dân