Tạo cơ hội cho doanh nghiệp địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm
Năm 2023, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ sẽ tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế theo hướng gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng các công cụ và giải pháp phù hợp với từng đối tượng, thị trường để tiếp tục khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.
Những năm qua, nhiều chương trình, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ với các địa phương, khu vực khác trên cả nước, cũng như các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trong khu vực tìm đầu ra, phát triển thị trường cho sản phẩm thế mạnh của từng địa phương.
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Nhiều chương trình kết nối cung - cầu lớn được tổ chức thường niên như: Chương trình kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong Vùng; chương trình Bình Dương Expo…, góp phần kết nối trực tiếp cho các doanh nghiệp địa phương với các nhà phân phối, người tiêu dùng, các chuỗi siêu thị tại Bình Dương, cũng như các tỉnh, thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và trên cả nước.
Trong thời gian tới, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai các hội nghị kết nối cung - cầu, kết nối giao thương; tổ chức các gian hàng chung của các địa phương tại các hội chợ, triển lãm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương mình quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới xúc tiến thương mại, ngành hàng, thị trường; xây dựng nền tảng hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của địa phương trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số…
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhiều chính sách đột phá và vướng mắc, khó khăn đang được các cơ quan chức năng tháo gỡ cho cộng đồng doanh nhân trên địa bàn cũng như khu vực. Với hơn 500.000 doanh nghiệp trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu Thành phố để hỗ trợ phát triển.
![]() |
Hội chợ giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V) |
Liên quan đến việc phát triển kinh tế Vùng Đông Nam Bộ, Chính phủ cũng đã công bố Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển khu vực này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Vùng Đông Nam Bộ để giúp Vùng phát triển bứt phá, gồm: Các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không trong vùng và các dự án trung tâm thông tin, logistics của Vùng; đồng thời đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.
Tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của Vùng Đông Nam Bộ, khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước của khu vực này./..
Theo dangcongsan.vn