![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn: N.H) |
Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 tại các tỉnh miền núi phía Bắc đạt hơn 7.750 tỷ đồng (chiếm 48,4% tổng thu của cả nước), bình quân mỗi năm thu khoảng 775 tỷ đồng.
Cụ thể, khu vực Tây Bắc có tổng thu 5.593 tỷ đồng, chiếm 72% tổng thu của miền Bắc và chiếm 35% tổng thu của cả nước trong giai đoạn vừa qua. Trong số đó, tỉnh Lai Châu có nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng lớn nhất cả nước với tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 đạt 2.647 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng thu giai đoạn của cả nước và chiếm 34% tổng thu của các tỉnh miền núi phía Bắc. Khu vực Đông Bắc gồm 12 tỉnh với tổng thu 2.163 tỷ đồng, chiếm 28% tổng thu của miền Bắc và chiếm 13,5% tổng thu của của cả nước giai đoạn vừa qua.
Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của các tỉnh khu vực phía Bắc chủ yếu đến từ các nhà máy thủy điện, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020, 17 tỉnh miền núi phía bắc đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 2,96 triệu ha rừng với số tiền hơn 7.000 tỷ đồng. Các đối tượng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng tại 17 tỉnh gồm: 34 Ban quản lý rừng phòng hộ, 25 Ban quản lý rừng đặc dụng; 18 công ty Lâm nghiệp; 982 UBND cấp xã, 188.567 hộ gia đình cá nhân có rừng,…
Mức hỗ trợ bình quân tại khu vực này gồm 8 triệu đồng/hộ/năm, đồng thời, có những khu vực cao hơn khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ có hiệu quả cho các tỉnh miền Bắc trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại những nơi mà ngân sách chưa đáp ứng kịp thời. Bên cạnh đó, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần bảo vệ môi trường thông qua diện tích rừng được quản lý, bảo vệ. Về mặt xã hội, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, với việc chi trả ổn định bình quân 50 triệu đồng/1 cộng đồng/năm, đã giúp các cộng đồng tạo lập được mối liên kết chặt chẽ và nâng cao nhận thức và năng lực tự quản lý, bảo vệ rừng. Mối quan hệ giữa cộng đồng với các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng được thúc đẩy, xung đột lợi ích từ rừng ngày càng giảm, góp phần cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.
Tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ môi trường rừng
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cho đến nay, mới triển khai được 2 loại dịch vụ môi trường rừng chủ yếu, gồm dịch vụ về nước và cảnh quan. Hiện còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ môi trường rừng như: dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Đây là một trong những thuận lợi để định hướng phát triển chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được Chính phủ, Bộ ngành quan tâm và khuyến khích phát triển trong giai đoạn 2021-2030 và là một trong các mục tiêu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, nhằm để tiếp tục phát huy tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh phía Bắc, Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất, tham mưu Chính phủ hướng dẫn cụ thể các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã được quy định tại Luật Lâm nghiệp gồm: dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái bên ngoài phạm vi khu rừng nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn và bán tín chỉ các-bon quốc tế.
Cùng với đó, đề xuất nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực mà rừng cung cấp. Đối với thủy điện nâng từ mức 36đồng/Kwh điện lên 50đồng/Kwh điện; đối với nước sạch nâng từ mức 52đồng/m3 nước thương phẩm lên 60đồng/m3,…
Đáng chú ý, đề xuất, tham mưu Chính phủ quy định lại cách tính đơn giá bình quân chi trả cho 1 ha rừng đối với tiền thu dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện trên cùng dòng sông chính, đảm bảo hài hòa các lợi ích của chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các nguyên tắc khoa học trong cung ứng dịch vụ môi trường của rừng; quy định lại cơ chế điều chỉnh khi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chênh lệch quá lớn giữa các tỉnh có rừng trong cùng lưu vực sông,.../.
Theo dangcongsan.vn