Tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại thành phố Hải Phòng, chiều 14/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận 96-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đồng chí lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Tổng Bí thư...
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Đạt 14/20 chỉ tiêu của Nghị quyết
Tại buổi làm việc, báo cáo của Thành ủy Hải Phòng về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy, thành phố có 14/20 chỉ tiêu đã đạt chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra.
Từ khi có Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (24/1/2019), giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018. GRDP bình quân đầu người năm 2023 (theo giá hiện hành) của Hải Phòng đạt 7.960 USD, gấp 1,83 lần 2018, bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Hải Phòng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước; riêng năm 2023 đạt khoảng 104.000 tỷ đồng.
Chín tháng năm 2024, kinh tế - xã hội cũng phát triển toàn diện, tăng trưởng GRDP tuy chỉ có 9,77% nhưng thu ngân sách và tăng trưởng xuất khẩu đều khá cao (đều tăng gần 30% so với cùng kỳ)...
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư lớn, có nhiều cơ chế chính sách tốt và đạt được những kết quả rất toàn diện, nổi bật. Quốc phòng, an ninh được củng cố, an toàn xã hội được giữ vững. Thành phố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ mạnh, phối hợp tốt với các lực lượng khác trên địa bàn. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Chính trị được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hoạt động của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Nhân dịp này, thành phố kiến nghị đề xuất về một số nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Kết luận 96-KL/TW, ngày 30/9/2024 của Bộ Chính trị; xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35/2021/QH15; đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2; thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố Hải Phòng; phát triển huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm kinh tế - quốc phòng; đưa thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực phía Bắc; đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; khởi động đầu tư xây dựng Cảng biển Nam Đồ Sơn; việc lấn biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng (sân bay quốc tế Tiên Lãng); phát triển công nghiệp; việc xây mô hình xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Phấn đấu phát triển Hải Phòng là thành phố cảng quốc tế hiện đại
Nhất trí với báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Hải Phòng luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu về dựng nước và giữ nước.
Ngày nay, Hải Phòng - thành phố “Trung dũng-Quyết thắng," thành phố cảng quan trọng, trung tâm kinh tế công nghiệp, kinh tế biển, trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục không chỉ của vùng Duyên hải Bắc bộ mà còn là động lực quan trọng của cả nước.
Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực là sáng kiến của Hải Phòng, cần được tổng kết và có thể áp dụng cho nhiều địa phương. Điều này có được là nhờ Đảng bộ và Chính quyền thành phố Hải Phòng đã biết khơi dậy tinh thần "dám nghĩ-dám làm" của lãnh đạo thành phố, biết phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên nghị, thông minh và táo bạo vốn đã thành cốt cách của người Hải Phòng.
Tổng Bí thư chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng GRDP đang chững lại và khó đạt mục tiêu; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn chậm và hạn chế. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn nhiều thời gian công sức của người dân và doanh nghiệp...
Để thành phố Hải Phòng phát triển, Tổng Bí thư nêu rõ cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trước yêu cầu cao của Bộ Chính trị, Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt; bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Nhằm đạt được mục tiêu nêu trên, Tổng Bí thư nhấn mạnh thành phố cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của Thành phố. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo đúng Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.
Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông. Quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch. Quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Định hướng quy hoạch thành phố phải là đô thị hiện đại, không gian xanh rộng mở hướng biển, phát triển không gian ven sông thành khu vực kinh tế dịch vụ bền vững, tăng diện tích cây xanh, tăng cường công bằng xã hội thông qua các dự án công cộng ven sông, ven biển, công viên để mọi tầng lớp dân cư đều có quyền tiếp cận; bảo tồn các khu phố cổ, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.
Tổng Bí thư lưu ý cần phát huy lợi thế của Hải Phòng là “cửa chính ra biển” đối với cả miền Bắc, quy hoạch xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Bắc Bộ.
Hải Phòng cần tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực. Hải phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, thúc đẩy phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á.
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Tổng Bí thư yêu cầu Hải Phòng cần có chiến lược tốt trong lựa chọn thu hút FDI và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, tinh thần tự cường và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa; tạo dựng một cách cơ bản, rõ nét các nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; định hình lại chính sách hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Tổng Bí thư đề nghị thành phố cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống.
Hải Phòng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn; đột phá về cải cách hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong hợp tác và phát triển kinh tế; cải cách, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nhân dân, khắc phục tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý thành phố cần củng cố các nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết mâu thuẫn xã hội từ khi mới phát sinh, không để trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chủ động phòng ngừa, ứng phó không để bị động, bất ngờ trong bất kỳ tình huống nào.
Về các kiến nghị của thành phố Hải Phòng, cơ bản các bộ, ngành đồng tình ủng hộ, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an thành phố Hải Phòng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Với nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng, cùng với sự ủng hộ của Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng, Hải Phòng sẽ sớm thành công và trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hóa mới, sớm hiện thực hóa Tầm nhìn 2045 mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra cho Hải Phòng, đó là trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới, tạo bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trước đó, chiều 14/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 11/2024 cho 12 dự án đầu tư mới và mở rộng tiêu biểu tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư thu hút được tăng thêm 1,8 tỷ USD, dự kiến nhu cầu lao động trong các năm tới vào khoảng 17.000 người.
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ra thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ; dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ huyện Bạch Long Vĩ; dự Lễ động thổ Dự án xây dựng nhà công vụ, nhà ăn, nhà kiểm soát nhiễm khuẩn thuộc Trung tâm Y tế Quân - Dân - Y huyện Bạch Long Vĩ.
Cũng trong sáng 14/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thị sát 2 tàu tuần tra do cơ quan cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ nhằm phục vụ nâng cao năng lực tuần tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, đấu tranh phòng, chống tội phạm khu vực đường thủy ven biển; và kiểm tra tàu chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của công an thành phố Hải Phòng./.
Theo dangcongsan.vn