TP HCM, Đà Nẵng là những địa phương tiên phong đề xuất được xây dựng trở thành trung tâm tài chính ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Nhiều địa phương đề xuất được xây dựng trở thành trung tâm tài chính thời gian gần đây. Liên quan đến nội dung này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết hiện có nhiều tư tưởng xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam. Một trong số đó, bên cạnh sự hiện diện của các định chế tài chính truyền thống như ngân hàng, tổ chức tài chính còn hình thành quần thể fintech gắn với sản phẩm có công nghệ mới như đặc khu Hong Kong của Trung Quốc.
"Đây sẽ trở thành bước đột phá cho các trung tâm tài chính ở Việt Nam nếu được xây dựng", ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, ông Thành cũng đặt vấn đề, để xây dựng được những quần thể fintech như vừa nêu cần nguồn lực mới có kỹ năng và có chất lượng. Nguồn nhân lực mới ở đây không chỉ là những nhà làm công nghệ, không chỉ nhà hoạch định chính sách mà còn cả thẩm phán. Bởi tranh chấp phát sinh rất nhiều, đây còn là lĩnh vực rất mới, việc sửa đổi các quy định là cần thiết để theo kịp thực tiễn.
Nguyên Viện phó CIEM cũng đề nghị hãy nhìn từ Vương Quốc Anh, một trong những nơi có sandbox cho fintech tốt nhất thế giới để tạo sân chơi cho những công nghệ mới. Đó cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia đã đề nghị khi xây dựng các trung tâm tài chính Việt Nam.
Tháng 8/2020, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng về chủ trương phát triển thành phố thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Thành phố còn đề nghị xem đây là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói rằng ý tưởng xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính đã có từ nhiều năm trước. Theo đó, thành phố sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc gia trong ngắn hạn và trở thành toàn cầu để thu hút định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới. Hiện trung tâm tài chính TP HCM cung cấp dịch vụ cho các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei.
Vị trí địa lý, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế ổn định và thị trường tài chính năng động là những lợi thế để TP HCM phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế và tạo ra nhân tố thu hút định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam.
Hiện mật độ tập trung tổ chức tài chính trên địa bàn TP HCM cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng đã có tới 2.138 đơn vị. Trong đó, 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và 4 ngân hàng quốc doanh. Sau 20 năm vận hành và phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) trở thành thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn với sản phẩm chứng chỉ quỹ, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng quyền có bảo đảm. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Để chuẩn bị cho lộ trình trở thành Trung tâm tài chính ở nhiều cấp độ, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM và Đại học Fulbright Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng đề án phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu vào tháng 5/2020.
Sau TP HCM, Đà Nẵng cũng đề xuất được trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực theo mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trung tuần tháng 3 vừa qua, Đà Nẵng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho thành phố nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn. Nội dung kế hoạch gồm việc phát triển hệ thống ngân hàng, điểm cung ứng dịch vụ tài chính giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng hiệu quả, tạo sức hút cho các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn tài chính tiếp cận, mở văn phòng tại Đà Nẵng. Việc đẩy mạnh triển khai chiến lược tài chính toàn diện cũng là một giải pháp hiệu quả trong định hướng phát triển Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng cho biết một trong những lựa chọn phù hợp hiện nay là định hướng đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm tài chính quy mô khu vực. Theo ông Phụng, trung tâm tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và chuyển tải vốn cho nền kinh tế và cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ cho khu vực.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp thì cho rằng việc xây dựng Đà Nẵng là trung tâm tài chính quy mô khu vực sẽ thúc đẩy ngành logistics. Bởi hạ tầng giao thông hiện đại là một trong những điều kiện cơ bản để phát triển trung tâm tài chính khu vực.
Cũng theo ông Hiệp để công ty tài chính chọn Đà Nẵng là điểm đến, thành phố cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố còn phải chú trọng phát triển mạnh kinh tế thành phố từ chính nội lực, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, tạo dựng môi trường thông thoáng để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tại một hội nghị trực tuyến của ngành kế hoạch & đầu tư hồi đầu năm Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nóng lòng cho rằng giờ là lúc làm trung tâm tài chính toàn cầu. Việc bắt tay ngay vào xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM hay thành phố Đà Nẵng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, không chỉ thu hút dòng vốn quốc tế mà còn là nguồn thu cho ngân sách.
Ông Nguyễn Chí Dũng lấy ví dụ quần đảo Cayman thuộc vùng biển Caribe. Cách đây 40 năm, GDP của quần đảo này bằng 0, nhưng đến nay, dòng tiền luân chuyển qua địa phương lên tới 2.000 tỷ USD mỗi ngày nhờ việc trở thành trung tâm tài chính.
"Họ miễn thuế nhưng thu phí, con số này lên tới 300 triệu USD mỗi ngày. Tại sao chúng ta không làm trung tâm tài chính khi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn như vị trí địa lý, dân sô và quy mô nền kinh tế", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, TS Trần Thị Quế Giang, Giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright lại cẩn trọng cho rằng những cơ hội chỉ có thể trở thành triển vọng thực thụ nếu lựa chọn đúng và tập trung phát triển trung tâm tài chính gắn liền với chính sách - chiến lược phát triển kinh tế quốc gia như TP HCM. Đó còn là quyết tâm thực sự của lãnh đạo trung ương và địa phương thành phố, gắn kết với sự phát triển của trung tâm tài chính với toàn vùng kinh tế và cả nước. Việc phát triển đồng bộ hệ sinh thái trung tâm tài chính và trước hết là các yếu tố chính sách, quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản và quy hoạch đô thị.