Công ty xe đạp Thống Nhất sản xuất xe đạp tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất đã quyết định nâng dự báo về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1%, cao hơn mức dự báo "gần 6%" được đưa ra hồi tháng 6/2024.
Không chỉ IMF, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng lạc quan với ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6,2% năm 2025.
Trong khi đó, ngân hàng HSBC tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%, khi lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Bất chấp những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra cho nước ta (mà theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ảnh hưởng tới 0,15% tăng trưởng GDP trong năm nay), các tổ chức kinh tế quốc tế vẫn đặt niềm tin vào sức chống đỡ dẻo dai của kinh tế Việt Nam trước những "cơn gió ngược."
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu các tổ chức quốc tế có quá lạc quan hay không, khi mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro hiện hữu, trong đó có cả rủi ro địa chính trị bên ngoài?
Không những thế, thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu,...vẫn đang rình rập, đe doạ cướp đi thành quả tích cực của nền kinh tế trong những tháng đầu năm.
Câu trả lời là "Không."
Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ kết thúc vào cuối tháng Tám vừa qua, IMF đã nhấn mạnh rằng sự cải thiện của nền kinh tế chủ yếu nhờ nhu cầu bên ngoài vẫn mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách thích ứng của chính phủ.
Sản phẩm túi da tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của công ty Ladoda (ảnh tư liệu)
IMF đặc biệt đánh giá cao những phản ứng nhanh của Chính phủ Việt Nam nhằm duy trì ổn định tài chính vĩ mô sau khi quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch gặp nhiều trở ngại từ trong và ngoài nước.
Tổ chức này cũng hoan nghênh việc Việt Nam sửa đổi Luật Các tổ chức Tín dụng, ban hành Quy hoạch điện VIII và kế hoạch xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để đạt mục tiêu về khí hậu và thúc đẩy an ninh năng lượng.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty khi chia sẻ về nhận định nền kinh tế Việt Nam "sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu" cũng đã đề cập đến sự phục hồi ổn định của nền kinh tế "là kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ."
Các tổ chức quốc tế hoàn toàn có cơ sở để lạc quan về sức bật của kinh tế Việt Nam-một "ngôi sao đang lên ở châu Á" như cách gọi của nhà văn Mỹ Sam Korsmoe, người đã sống và làm việc tại Việt Nam gần 20 năm.
Theo các chuyên gia của ADB, thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Trong thời gian từ tháng 1-8/2024, xuất khẩu và nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nền kinh tế còn được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định.
Tuy nhiên, dự báo về "sức khỏe" của một nền kinh tế chưa bao giờ là một bài toán đơn giản. Từ đầu năm 2024 đến nay, thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động phức tạp, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Bốc dỡ container lên tàu trọng tải 200.000DWT tại cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chúng ta đã thấy chuỗi cung ứng logistics có nguy cơ đứt gãy khi cuộc xung đột ở Biển Đỏ leo thang, hay cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến thị trường năng lượng và lương thực của thế giới chao đảo như thế nào.
IMF cũng đã lưu ý rằng rủi ro đối với kinh tế Việt Nam vẫn còn cao. Xuất khẩu-một trong những "rường cột" của nền kinh tế-có thể suy yếu nếu tăng trưởng toàn cầu không như mong đợi, căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn tiếp diễn hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Áp lực tỷ giá có thể kéo dài khi chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng. Và chúng ta đã thấy có rất nhiều chữ "nếu" ở đây.
Các giải pháp, chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam thời gian qua được giới chuyên gia đánh giá là đã kịp thời ứng phó với biến động của môi trường kinh tế vĩ mô bên ngoài, hỗ trợ nền kinh tế cạnh tranh với các nước để không "tụt lại phía sau" trong các xu thế lớn toàn cầu. Đồng thời, chính phủ đã tập trung xử lý các điểm nghẽn về nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Hết quý 3/2024, chúng ta có thể tin chắc rằng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu kiên cường trong những giai đoạn khó khăn.
Khi nói về những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty đã gọi đó là "những nỗ lực phi thường."
Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2024. Những mục tiêu này hoàn toàn không quá tham vọng mặc dù thời gian còn lại chỉ là 3 tháng./.
Theo vietnamplus.vn