Martin Chorzempa, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson, đã có bài đăng trên X minh họa mức tăng trưởng chi tiêu nhanh chóng cho hoạt động sản xuất chip trong vài năm qua của Mỹ.
Theo đó, tài trợ cho sản xuất chip của Mỹ bắt đầu bùng nổ vào năm 2022 thông qua Đạo luật CHIPS với cam kết tài trợ 280 tỷ USD từ phía Chính phủ nước này. Theo đó, các công ty bao gồm Intel, Samsung và Micron đều nhận được hàng tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất mới tại Mỹ. Nghiên cứu và phát triển trong nước cũng là trọng tâm chính của gói tài trợ.
Sáng kiến Đạo luật Khoa học và CHIPS, được Tổng thống Joseph Biden và Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt, nhằm mục đích “phục hưng” ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, tại thời điểm Mỹ thiếu doanh nghiệp có khả năng thực hiện quy trình lắp ráp giống như TSMC của Đài Loan hay Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Tài trợ cho xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn đã tác động lớn đến sản lượng chip dự kiến của Mỹ. Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho thấy Mỹ sẽ tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất chip trong nước vào năm 2032 và dự kiến sẽ sản xuất 30% chip tiên tiến nhất thế giới vào cùng năm đó.
Kỳ vọng này thậm chí còn vượt xa các mục tiêu của Chính phủ Mỹ. Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo đã mạnh dạn tuyên bố mục tiêu đạt 20% chip tiên tiến nhất thế giới, tuy nhiên các dự báo còn vượt xa kỳ vọng của ông.
Mặc dù thực tế là các nhà chức trách Hoa Kỳ và SIA đang dự đoán một tương lai tươi sáng cho ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, có lẽ còn quá sớm để nói về bất kỳ kết quả thực tế nào. Các dự án đầy tham vọng của Intel, Samsung, Micron, TSMC và các công ty sản xuất khác còn lâu mới hoàn thành và định kỳ phải đối mặt với những vấn đề không lường trước được.
Ví dụ, theo CNews, Samsung Electronics và TSMC đã phải hoãn việc ra mắt các nhà máy sản xuất tại Hoa Kỳ đến năm 2025, xuất phát từ hạn chế trong Quy định của Mỹ.
Đạo luật CHIPS và Khoa học đã được Tổng thống Joe Biden phê duyệt vào tháng 8/2022. Về ngành công nghiệp bán dẫn, luật ban đầu quy định phân bổ 39 tỷ USD cho việc triển khai các cơ sở sản xuất để sản xuất mạch tích hợp ở MỸ, cũng như 13 tỷ USD cho R&D và đào tạo các chuyên gia có trình độ trong lĩnh vực bán dẫn.
Sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho chuỗi cung ứng chip của Mỹ nhằm tiếp tục đối đầu với Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư mạnh vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia trong những năm gần đây.
Theo Vneconomy