Nguyên Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS), ông Ales Cantarutti.
Nguyên Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Slovenia, nguyên Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia (CCIS), ông Ales Cantarutti nhấn mạnh Slovenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng bậc nhất ngoài EU, đồng thời nhận định hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau như lao động, du lịch, logistics, xuất nhập khẩu nông sản...
Ông Ales Cantarutti hiện là thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn DARS quản lý hệ thống cao tốc Slovenia, đồng thời là lãnh đạo Học viện Phát triển Slovenia.
Ông Cantarutti cho biết khoảng 8 năm trước, khi ông là Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế, Chính phủ Slovenia đã quyết định coi Việt Nam là một trong số những thị trường quan trọng nhất đối với Slovenia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Đó là lý do Chính phủ Slovenia đã chuẩn bị một kế hoạch hành động đặc biệt nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Slovenia và Việt Nam.
Thời gian đó, ông đã tới thăm Việt Nam cùng Bộ trưởng Kinh tế và phái đoàn doanh nghiệp Slovenia. Hai bên đã thảo luận về tiềm năng trong các lĩnh vực như logistics và thương mại, nhất là xuất nhập khẩu hai chiều.
Hai bên cũng thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực du lịch bởi đây là lĩnh vực quan trọng đối với cả hai nước, không chỉ vì vấn đề trao đổi thương mại, mà còn là trao đổi kinh nghiệm và tri thức.
Ông Cantarutti nhận định bước đi quan trọng tiếp theo là việc hai nước thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Slovenia, đánh giá đây là một thành công lớn bởi hai bên đã giải quyết được những khác biệt gai góc không chỉ giữa hai bộ mà còn giữa các cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế giữa Slovenia và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên Việt Nam vẫn đứng ở vị trí trung tâm trong chiến lược của các doanh nghiệp Slovenia muốn mở rộng hợp tác sang thị trường châu Á.
Slovenia hiện xác định Việt Nam là cửa ngõ để hướng đến thị trường châu Á, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế của Slovenia, một quốc gia tuy nhỏ nhưng là thành viên EU, để tìm kiếm cơ hội tại thị trường gần 450 triệu dân của EU.
Theo ông Cantarutti, sau đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Slovenia và Việt Nam dần được phục hồi. CCIS đã tổ chức một số hội thảo nhằm tăng cường hợp tác kinh doanh, tăng cường trao đổi đoàn với Việt Nam.
Theo ông, việc tăng cường tiếp xúc sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp hai nước đi đến ký kết các hợp đồng. Nhiều công ty Slovenia đang từng bước tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam. CCIS đánh giá Việt Nam là đối tác đáng quan tâm vì Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh với dân số trẻ hơn 100 triệu người, mang đến những cơ hội cho EU cũng như Slovenia.
Một điểm đáng chú ý được ông Cantarutti đề cập là việc Việt Nam có quan hệ truyền thống với Nam Tư cũ và hiện nhiều người Slovenia coi Việt Nam là một đối tác quan trọng.
CCIS đã tổ chức một số phái đoàn doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải và logistics tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội vì phía Slovenia đánh giá việc thiết lập kết nối giao thông rất quan trọng đối với việc tạo ra giá trị thương mại lớn hơn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông nhấn mạnh rằng so với một số nền kinh tế khác trong khu vực, Việt Nam được Slovenia quan tâm ưu tiên hơn vì phù hợp với Slovenia, hơn nữa Việt Nam có môi trường kinh doanh thân thiện hơn và Slovenia muốn tận dụng tốt mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam cho việc hợp tác.
Cá nhân ông cũng luôn khuyến khích CCIS và các chính trị gia Slovenia thăm Việt Nam vì theo ông, tất cả những mối quan hệ này rất quan trọng với việc hợp tác thương mại giữa hai nước.
Về tiềm năng hợp tác, ông Cantarutti đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước cùng nhận thức của công chúng Slovenia về Việt Nam là tiền đề rất thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác.
Các chính trị gia Slovenia có sự đồng cảm với Việt Nam và đây cũng là một yếu tố rất quan trọng. Theo ông, lĩnh vực tiềm năng cụ thể trước hết là xuất khẩu lao động.
Ông đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt Nam và nhấn mạnh rằng Việt Nam có dân số trẻ năng động, tri thức, có năng lực kinh doanh, có tiềm năng trong các lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ mới, AI, thể hiện lòng quyết tâm trong công việc và điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để lao động trẻ có thể bộc lộ hết tiềm năng.