Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2024 được tổ chức từ ngày 26 đến 29-3 tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Theo báo cáo, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức bên ngoài, nền kinh tế châu Á vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, được hỗ trợ bởi tiêu dùng mạnh mẽ và các chính sách tài khóa chủ động.
Tính theo khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Á dự kiến tương đương với năm 2023, ở mức 4,3%; tăng trưởng kinh tế của Nam Á được dự đoán sẽ tăng từ 5,4% vào năm 2023 lên 5,8%, duy trì vị thế là khu vực tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Á có thể sẽ giảm tốc từ 4,5% năm 2023 xuống 4,3% trong năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế ở Tây Á dự kiến sẽ tăng lên 3,5% từ 2,5% vào năm 2023.
Báo cáo cho biết: “Xét về sức mua tương đương, tổng kinh tế châu Á dự kiến sẽ chiếm 49% GDP toàn cầu vào năm 2024, đánh dấu mức tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023”.
Về mặt thương mại và đầu tư, châu Á dự kiến sẽ đảo ngược xu hướng giảm vào năm 2023, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của thương mại kỹ thuật số, sự phục hồi của du lịch ở châu Á, những tiến bộ liên tục của các hiệp định kinh tế và thương mại cùng những tác động tích cực của việc tái cơ cấu chuỗi giá trị và chuỗi công nghiệp châu Á.
Về việc làm, báo cáo của WB nhận định, do suy thoái kinh tế đang diễn ra, triển vọng việc làm toàn cầu năm 2024 không đặc biệt lạc quan. Dự báo, tăng trưởng việc làm tương đối chậm vào năm 2024 ở các khu vực đông dân ở Đông Á và Nam Á có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm chung của châu Á.
Báo cáo cũng dự báo rằng nhìn chung, áp lực lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế châu Á sẽ giảm hơn nữa vào năm 2024. Các nền kinh tế hiện đang có lạm phát thấp hơn dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng.
Hội nghị thường niên BFA 2024 diễn ra đến 29-3.
Theo hanoimoi.vn