Với tình hình lạm phát không ngừng leo thang, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến tới bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hãm đà tăng của giá cả. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại Fed có thể mạnh tay quá mức, đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động.
Trong vòng một năm tính đến hết tháng 1/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,5%, mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm qua. Hầu như tất cả mọi hàng hoá đều trở nên đắt đỏ hơn, đặt ra thách thức cho các hộ gia đình Mỹ và cả uy tín chính trị của Tổng thống Joe Biden. Nhiều chuyên gia đã kêu gọi Fed hành động quyết liệt, như tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022 - nghĩa là lần họp nào cũng tăng - và tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 3.
Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia lo ngại rằng một sự quyết liệt của Fed có thể là một ý tưởng rất tồi, vì tăng lãi suất quá nhanh, quá mạnh có thể gây sụt tốc tăng trưởng kinh tế, nhất là có thể phá hỏng sự phục hồi của thị trường lao động. Trong năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng trưởng 5,7%, mức tăng mạnh nhất kể từ khi tăng 7,2% đạt được vào năm 1984 trong đợt phục hồi mạnh sau một cuộc suy thoái. Nhưng dù đang phục hồi mạnh, nền kinh tế Mỹ hiện vẫn đang có ít hơn 2,5 triệu công việc so với trước đại dịch Covid-19. Nếu kinh tế sụt tốc vì Fed thắt chặt quá tay, mục tiêu của Fed về phục hồi hoàn toàn thị trường lao động sẽ càng bị đẩy ra xa.
LỊCH SỬ CHO THẤY ĐIỀU ĐÁNG NGẠI
“Mục tiêu của nâng lãi suất là giảm bớt sức nóng của nền kinh tế. Nếu tăng lãi suất phát huy tác dụng, số lượng việc làm mới nhiều khả năng sẽ giảm đi”, giáo sư Robert Reich thuộc Đại học California, Berkeley nói về “tác dụng phụ” của việc nâng lãi suất khi trao đổi với trang CNN Business.
Lạm phát là một mối lo lớn hơn đối với nhiều người Mỹ ở thời điểm này. Các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy đa số người dân Mỹ cho rằng Fed cần hành động để ngăn đà tăng giá.
Lần gần đây nhất Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong một lần là vào tháng 5/2000. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, thị trường việc làm của Mỹ đang rất mạnh. Tháng 4/2000, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,8%, mức thấp nhất 30 năm tính đến khi đó. Tháng 1 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 4%, so với mức 3,5% trước đại dịch.
CPI tháng 3/2000 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng một nửa mức tăng của tháng 1/2022, nhưng cao gấp đôi với mức tăng của 1 năm trước đó, thổi bùng nỗi lo lạm phát. Tính đến khi đó, Fed đã có 5 lần nâng lãi suất, mỗi lần nâng 0,25 điểm phần trăm, bắt đầu từ tháng 6/1999. Fed quyết định mạnh tay hơn bằng một lần nâng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5/2000.
Và nền kinh tế Mỹ đã cho thấy sức chống đỡ yếu với đợt nâng lãi suất đó. Đến đầu năm 2001, số lượng việc làm bắt đầu giảm xuống và tình trạng suy giảm này kéo dài trong suốt 3 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng sự mất mát việc làm là do vỡ bong bóng công nghệ dotcom hồi mùa hè năm 2000. Nhưng nhiều ngành khác như xây dựng, bán lẻ, sản xuất ô tô và hàng không cũng rơi vào tình trạng mất việc. Đến đầu năm 2001, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và Fed buộc phải vội cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm trong một lần để cứu tăng trưởng. Dù đó chỉ là một đợt suy thoái nông, sự phục hồi của thị trường việc làm sau đó diễn ra rất chậm chạp.
Nhìn lại lịch sử khiến nhiều chuyên gia lo lắng về chu kỳ tăng lãi suất sắp tới của Fed. “Mỗi lần Fed tìm cách hãm đà tăng nóng của nền kinh tế nhằm đưa giá cả về tầm kiểm soát, họ đều làm quá đà”, ông Reich nói.
NHỮNG YẾU TỐ NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT CỦA FED
Một mối lo lớn của ông Reich và một số chuyên gia khác nằm ở việc áp lực giá cả hiện nay không đến từ những thứ có thể kiểm soát bằng lãi suất. Chẳng hạn, giá dầu tăng mạnh chủ yếu là do sản lượng dầu không đáp ứng đủ nhu cầu và do căng thẳng địa chính trị.
Khi đại dịch mới xảy ra, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh (OPEC+) đã giảm mạnh sản lượng để cứu giá dầu. Đến nay, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới phục hồi mạnh do các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng OPEC+ không thể tăng sản lượng với tốc độ đủ đáp ứng nhu cầu đó.
Ngoài ra, căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá dầu leo thang gần đây. Nga là nước sản xuất và xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đồng thời là nguồn cung cấp khí đốt chủ chốt cho châu Âu, nên thị trường lo sợ rằng nếu Nga tấn công Ukraine, nước này sẽ hứng biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay, dẫn tới nguồn cung năng lượng bị gián đoạn nghiêm trọng.
Trong vòng một năm qua, giá xăng ở Mỹ tăng 40%, đóng góp 1,5 điểm phần trăm vào mức tăng của chỉ số CPI.
Giá ô tô cao kỷ lục là một nhân tố quan trọng khác đóng góp vào mức lạm phát ngất ngưởng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá xe là tình trạng thiếu con chip và linh kiện khiến nhiều nhà máy sản xuất ô tô trên toàn cầu phải tạm dừng hoạt động. Giá xe, cả cũ và mới, tăng vọt góp khoảng 2,2 điểm phần trăm vào lạm phát ở Mỹ trong năm qua.
Như vậy, khoảng 3,7 điểm phần trăm, tức gần một nửa trong mức lạm phát 1 năm qua của Mỹ, đến từ sự tăng giá xăng dầu và ô tô, vì những lý do nằm ngoài khả năng kiểm soát của Fed.
FED NÊN TĂNG LÃI SUẤT THẾ NÀO?
Khi đại dịch xảy ra, Fed đã hạ lãi suất 1,5 điểm phần trăm, về khoảng 0-0,25% và duy trì cho tới hiện nay. Khi mới bước sang năm 2022, giới phân tích dự báo Fed chỉ nâng lãi suất 3-4 trong năm nay, nhưng đến hiện tại sức ép lạm phát lớn đã dẫn tới những dự báo cho rằng Fed có thể nâng lãi suất 6-7 lần trong năm nay, với một đợt nâng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 3 và những đợt nâng sau đó mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm.
Giám đốc nghiên cứu Josh Bivens của Viện Chính sách kinh tế (EPI) có trụ sở ở Washington DC cho rằng Fed nên tăng lãi suất với tốc độ từ tốn, mỗi đợt tăng 0,25 điểm phần trăm. Cơ sở cho khuyến nghị này của ông Bivens là “phần lớn lạm phát ở Mỹ trong 15 tháng qua là do những bóp méo mà đại dịch gây ra trong nền kinh tế”. Vị chuyên gia cho rằng khi ảnh hưởng của đại dịch giảm đi, những bóp méo này cũng sẽ tự mất đi, và việc tăng lãi suất nhanh và mạnh sẽ chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mà không thể khiến lạm phát hạ nhiệt như mong muốn. “Kiềm chế tổng cầu trong nền kinh tế bằng cách nâng lãi suất cũng giống như dùng súng máy để giải quyết một vấn đề vốn dĩ chỉ cần một con dao nhỏ”, ông Bivens nói.
Một số chuyên gia kinh tế muốn Fed tăng lãi suất mạnh tay cũng thừa nhận rằng cách làm đó sẽ gây ra “nỗi đau” cho nền kinh tế.
“Cơ chế mà chính sách tiền tệ giải quyết vấn đề lạm phát là gây giảm tốc nền kinh tế. Đó là một con đường đầy đau thương”, giáo sư Justin Wolfers thuộc Đại học Michigan nhận định. Ông Wolfers tin rằng lãi suất của Mỹ hiện ở mức đủ thấp, nhất là so với tốc độ lạm phát, để việc tăng lãi suất ít gây ra rủi ro hơn so với những lần nâng lãi suất trước kia. Tuy nhiên, ông nói rằng có khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ mất việc làm sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất, thay vì chỉ tạo được ít việc làm hơn so với hiện nay.
“Điều mà Chủ tịch Fed Jerome Powell mong muốn là một cuộc hạ cánh mềm, với số lượng việc làm mới tạo ra hàng tháng ít hơn, nền kinh tế tăng chậm lại và ổn định. Nhưng lịch sử ở Mỹ và nhiều quốc gia khác cho thấy nỗ lực hạ cánh mềm thường thất bại”, ông Wolfers phát biểu.
Theo VnEconomy