Lạm phát tăng cao trong thời gian qua khiến giá cả nhiều mặt hàng tại Mỹ leo thang.
Quyết định của FED nằm trong lộ trình đã được vạch ra từ trước với mục tiêu kiềm chế giá cả tăng cao. Đợt tăng này được dự báo chưa phải lần cuối cho tới khi lạm phát trở về mốc 2%. Trong cuộc họp ngày 3-11, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng để ngỏ khả năng xem xét mức tăng lãi suất phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời khẳng định cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của biện pháp này. Ông nêu rõ, ngay cả các nhà hoạch định chính - những người phụ trách đưa ra quyết định về mức tăng lãi suất, cũng chưa quyết định sẽ phải thực hiện mức tăng lãi suất bao nhiêu để kiềm chế lạm phát.
Đúng với dự đoán, ngay sau khi FED thông báo tăng lãi suất, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những phản ứng mạnh. Ngày 3 và 4-11, chứng khoán thế giới đã đồng loạt giảm điểm. Trong phiên giao dịch ngày 4-11, chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm 146,51 điểm, tương đương 0,46%, chỉ số SP/TSX Composite Canada giảm 35,79 điểm (0,19%). Tại thị trường châu Âu, chỉ số STOXX Europe 50 giảm 20,98 điểm (0,59%), sàn FTSE MIB của Italia giảm 96,95 điểm (0,43%). Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 463,65 điểm (1,68%).
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,7% xuống 95,45 USD/thùng, còn dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1% xuống 88,13 USD/thùng. Giá vàng thế giới cũng giảm từ mức 1.669 USD/ounce xuống còn 1.637 USD/ounce.
Việc FED tăng lãi suất không chỉ khiến dòng tiền ngoài thị trường chảy vào ngân hàng mà còn khiến nguồn tiền đầu tư từ các quốc gia khác đổ về Mỹ. Để kiểm soát, các ngân hàng trung ương toàn cầu buộc phải chạy theo cuộc đua tăng lãi suất để giữ dòng tiền không chảy ra khỏi nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, tuy nhiên các ngân hàng trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ, để bảo đảm vừa kiểm soát lạm phát hiệu quả, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện các động thái nâng lãi suất quyết liệt của FED đang làm dấy lên nhiều quan ngại về việc nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc quá nhanh. Dù sự phục hồi vững chắc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái) có thể xoa dịu một số lo ngại về suy thoái, song giá cả vẫn chưa thể hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - thước đo lạm phát - đã tăng 0,4% trong tháng 9 qua và tăng 8,2% trong 12 tháng. Lạm phát cũng lan ra cả lĩnh vực dịch vụ rộng lớn như chi phí chăm sóc nha khoa, tiền thuê căn hộ...
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các nền kinh tế châu Âu vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine, đang “oằn mình” dưới áp lực tăng lãi suất từ FED. Các đợt tăng lãi suất liên tiếp đã khiến dòng vốn đổ về Mỹ, đồng thời làm xói mòn giá trị của đồng euro. Trong tháng 10, mức tăng trưởng giá tiêu dùng của 19 nước sử dụng đồng euro đã lên tới 10,7%, tăng so với 9,9% của tháng trước đó và vượt mức dự báo là 10,2%. Ngoài ra, ít nhất 46 quốc gia đang phát triển phải hứng chịu nhiều cú sốc kinh tế và 48 quốc gia khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva lưu ý, có thể phải đến năm 2024 thế giới mới cảm nhận được tác động tích cực từ việc các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất. Bởi vậy, các quốc gia nên xem xét thận trọng và nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.
Theo hanoimoi.com.vn