Thời gian gần đây, Mỹ và châu Âu nhiều lần chỉ trích tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc dẫn tới làn sóng hàng giá rẻ tại nhiều thị trường phương Tây, đe dọa hoạt động của các doanh nghiệp bản địa.
Thậm chí một số đối tác thương mại của Trung Quốc, gồm cả những nước thân thiện như Brazil, cũng phản đối sự xuất hiện tràn ngập của hàng giá rẻ từ Trung Quốc, từ xe điện, tấm năng lượng mặt trời, sắt thép, sản phẩm hóa dầu cho tới máy móc.
Nhiều nhà phân tích cho rằng tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc có thể dẫn tới mất cân đối và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia có góc nhìn khác - trong đó có ông Mao Zhenhua, người sáng lập công ty xếp hạng tín nhiệm China Chengxin Credit Rating Group và cũng là đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc.
“MỘT QUỐC GIA XUẤT KHẨU PHẢI CÓ TÌNH TRẠNG DƯ THỪA CÔNG SUẤT Ở TRONG NƯỚC”
Ông Mao cho rằng Mỹ và các nước phương Tây đang cố gắng "làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu" trên danh nghĩa giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.
“Mất cân bằng thương mại bắt nguồn nguồn từ khác biệt trong cấu trúc công nghiệp. Nói cách khác, nếu Mỹ không mua hàng hóa từ Trung Quốc, họ sẽ phải mua từ nơi khác với giá cao hơn. Do đó, các sáng kiến nhằm thúc đẩy dịch chuyển sản xuất hồi hương hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng thực chất đang khiến Trung Quốc suy yếu, chứ không làm cho phương Tây mạnh lên”, ông Mao phân tích.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng với việc cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất, Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây đang “cố gắng kìm hãm sự phát triển của một số ngành công nghiệp mà Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh”, đặc biệt là trong “3 ngành mới nổi” gồm quang điện, pin lithium-ion và xe dùng năng lượng mới.
“Đây chính là 3 lĩnh vực thường bị các nước phương Tây nhắc đến trong những quan ngại về dư thừa công suất”, ông Mao nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP)
Theo ông Mao, trên thực tế, xuất khẩu của một quốc gia thường lớn hơn nhu cầu nội địa của quốc gia đó, giống như xuất khẩu dầu thô ở Trung Đông hay xuất khẩu nông sản của Australia.
“Một quốc gia xuất khẩu phải có tình trạng dư thừa công suất ở trong nước”, vị chuyên gia nhận định.
Trên thực tế, Trung Quốc đã trải qua nhiều đợt dư thừa công suất. Khi nền kinh tế suy giảm tăng trưởng, nhu cầu trong nước giảm nhanh hơn so với nguồn cung. Những cải cách về mặt cấu trúc ở phía cung, bao gồm thúc đẩy sản xuất chất lượng cao cùng các nỗ lực khác, đồng nghĩa rằng nguồn cung của Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn so với nhu cầu.
“Trong bối cảnh các cơ hội đầu tư ít đi, khi có một cơ hội nào đó, mọi người đều đổ xô vào. Đó là lý do tại sao ngành năng lượng mới ở Trung Quốc trở thành lĩnh vực nhận được đầu tư quá mức”, ông Mao nhận xét.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng Bắc Kinh cần có các biện pháp quyết liệt để hấp thu công suất ở trong nước, bởi áp lực từ phương Tây có thể khiến nước này gặp nhiều rào cản thương mại. Cùng với đó, nước này cũng cần nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp quan trọng.
“Ví dụ, nếu có thể đạt được sự ổn định về mặt công nghệ trong các ngành năng lượng mới, với lợi thế về giá hiện tại, Trung Quốc có thể giảm mạnh sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch. Điều này cũng có thể thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế toàn cầu”, ông Mao chỉ ra.
TĂNG TRƯỞNG SẢN XUẤT KHÔNG GẮN VỚI TĂNG TRƯỞNG TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA
Trên thực tế, các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất xe điện, tấm năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng với hành trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc. Do đó, theo các nhà phân tích, dù bị chỉ trích hay thúc giục thay đổi, Bắc Kinh sẽ không ngừng hỗ trợ các lĩnh vực này. Tuy nhiên, với các quốc gia khác, đây cũng là những lĩnh vực mang tính chiến lược và đây là lý do khiến rào cản thương mại với hàng Trung Quốc tăng lên.
“Trung Quốc chưa có một hành động nào cho thấy họ sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng dư thừa công suất”, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC Holdings Plc., nhận xét. “Trong lĩnh vực năng lượng mới, nguyên nhân sâu xa của sự dư thừa là việc đầu tư quá nhiều. Trong khi đó, ở các lĩnh vực truyền thống thì sự dư thừa bắt nguồn từ nhu cầu yếu, đặc biệt là do hoạt động xây dựng sụt giảm”.
Theo ông Neumann, điều quan trọng nhất mà Trung Quốc cần lúc này là “một cách tiếp cận đa chiều” nhằm cân bằng cung-cầu, bao gồm việc ổn định thị trường nhà ở và thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện.
Còn theo nhà phân tích Camille Boullenois của Rhodium Group, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng dư thừa ở Trung Quốc là đầu tư mạnh do nhà nước dẫn dắt vào lĩnh vực sản xuất nhưng không gắn liền với tăng trưởng tiêu dùng nội địa.
Phía Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc nên dựa vào nhu cầu nội địa và giảm phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trong chuyến công du Trung Quốc gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận đây là một thách thức lớn.
“Đây là một vấn đề phức tạp, có liên quan tới toàn bộ chiến lược kinh tế vĩ mô và công nghiệp của Trung Quốc. Việc này không thể được giải quyết trong một sớm một chiều”, bà Yellen nhận định.
Theo Vneconomy