Bài 2: Hạn chế chính trong thực hiện tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc và một số khuyến nghị.
Từ quan điểm khái niệm, mức độ “xanh” của mô hình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc vẫn còn gây tranh cãi. Nó đã bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào “tăng trưởng”, trong khi bỏ qua các khía cạnh “xanh”. Nói cách khác, vẫn còn sự ưu tiên cho tăng trưởng theo định hướng thị trường, kinh tế được ưu tiên hơn môi trường.
Những hạn chế trong khái niệm tăng trưởng xanh các-bon thấp
Từ quan điểm khái niệm, mức độ “xanh” của mô hình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc vẫn còn gây tranh cãi. Nó đã bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào “tăng trưởng”, trong khi bỏ qua các khía cạnh “xanh”. Nói cách khác, vẫn còn sự ưu tiên cho tăng trưởng theo định hướng thị trường, kinh tế được ưu tiên hơn môi trường. Các khía cạnh “xanh” của mô hình tăng trưởng xanh các-bon thấp của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính, về bản chất gắn bó chặt với các thách thức kinh tế và môi trường của quốc gia. Mặc dù những lợi ích chung trong việc giảm phát thải là rất lớn; giúp cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao đời sống con người nhưng việc cắt giảm phát thải không thể ngay lập tức tạo ra được giá trị gia tăng. Thực tế, quá trình chuyển đổi các-bon thấp thậm chí có thể làm suy thoái môi trường và tạo ra bất công xã hội ngoài dự kiến nếu quá trình này không được thực hiện một cách phù hợp và thận trọng.
Quá trình thực hiện tăng trưởng xanh cho thấy những lỗ hổng trong việc giải quyết nhu cầu môi trường và xã hội. Phần lớn các hạng mục ưu tiên trong chương trình nghị sự và các chỉ tiêu để hiện thực hóa tăng trưởng xanh chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến cường độ năng lượng, triển khai hàng hóa và dịch vụ các-bon thấp, nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy khối lượng xuất khẩu.
Ảnh minh họa
Mục tiêu của Kế hoạch 5 năm là đưa quốc gia này vào trong số 30 nước đứng đầu về Chỉ số hiệu quả Môi trường nhưng lại không xác định những kế hoạch hành động cụ thể để đạt được mục tiêu này. Cho nên dù đã có những nỗ lực rất lớn để định hướng lại sự phát triển theo hướng xanh hơn, thì việc cải thiện hiệu quả môi trường lâu dài của đất nước vẫn còn xa mới đạt được. Bên cạnh đó, vấn đề công bằng xã hội chưa được xem xét đầy đủ. Việc thiếu quan tâm đến các khía cạnh xã hội của tăng trưởng xanh là do tăng trưởng xanh được nâng tầm lên thành một chương trình nghị sự quốc gia quá nhanh đến mức bỏ qua việc cân nhắc các vấn đề công bằng xã hội.
Do sức ép quốc tế về giảm phát thải và nhu cầu cấp thiết của quốc gia đối với an ninh năng lượng, các hệ thống và chính sách tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh đã được xây dựng rất nhanh, ít quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo, giảm cách biệt thu nhập. Nếu coi tăng trưởng xanh như một công cụ để đạt được phát triển bền vững, thì phải phấn đấu để có được sự cân bằng giữa ba trụ cột kinh tế, môi trường và xã hội, làm cho nó toàn diện hơn và đáp ứng được với các vấn đề xã hội luôn đi kèm với các vấn đề kinh tế và môi trường.
Thiếu thành tựu thực tế
Sự kiểm nghiệm về tính bền vững thực sự của tăng trưởng xanh trên bình diện là một chính sách phát triển chính là liệu nó có thể mang lại những lợi ích như kỳ vọng hay không?
Vẫn còn quá sớm để đánh giá toàn diện các kết quả nỗ lực tăng trưởng xanh của Hàn Quốc nhưng những tiến bộ đạt được cho đến nay đã bị chỉ trích là không rõ ràng và kết quả chưa thực sự tốt. Đầu tiên, tầm nhìn mà chính phủ đặt ra cho Hàn Quốc để trở thành “thế lực xanh” hàng đầu thế giới (xếp hạng thứ bảy vào năm 2020 và thứ năm vào năm 2050) vẫn còn mơ hồ vì nó chưa được định nghĩa một cách chính thức bởi cơ sở và số liệu đo đếm cụ thể. Hơn nữa, việc giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh năng lượng vẫn chưa đem lại được những kết quả như hứa hẹn. Nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu vẫn là huyết mạch của nền kinh tế và tiêu thụ năng lượng của Hàn Quốc vẫn liên tục tăng vì có nhiều cơ sở công nghiệp được bổ sung để giúp vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do sự tăng mạnh về tiêu thụ năng lượng vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Kế hoạch của Chính phủ trong việc tách rời phát thải khí nhà kính với tăng trưởng kinh tế vào năm 2014 đã không thực hiện được. Không thể phủ nhận rằng, ở Hàn Quốc, tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính vẫn còn tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, một trong những mục tiêu chính của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia là đạt được hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính thì những tiến bộ mang lại thực sự không gây được ấn tượng. Khi cơ cấu công nghiệp của quốc gia vẫn còn tập trung vào sản xuất, thì việc mang lại những thay đổi cơ bản trong mô hình tiêu thụ năng lượng sẽ vẫn là một thách thức lớn. Hàn Quốc đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bằng cách vực dậy xuất khẩu công nghiệp (chủ yếu với Trung Quốc là nơi có thị trường nội địa lớn cho các sản phẩm của Hàn Quốc) và lợi dụng tỷ giá hối đoái thuận lợi. Do đó, rất khó để kiềm chế tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả năng lượng mà không cải cách cơ cấu giá năng lượng.
Bài học kinh nghiệm và khuyến nghị
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là một điển hình được xây dựng và thực hiện trên quy mô quốc gia với tư cách là chương trình nghị sự trọng tâm của chính phủ. Xét về sức thuyết phục, không có gì mạnh mẽ và đầy cảm hứng hơn là đã có những người mở đường đi trước. Thực tế là Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập cao từ một nước có GDP bình quân đầu người chỉ 155 USD năm 1960. Ngoài vấn đề lãnh đạo chính trị, các nước đang phát triển có thể học hỏi cách thức tiếp cận của Hàn Quốc đối với chương trình nghị sự tăng trưởng xanh cũng như quy trình thể chế để qua đó tất cả các chiến lược, kế hoạch và các dự án được phát triển và thực hiện. Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là một chiến lược từ trên xuống và theo thực tế của hầu hết các nước đang phát triển, nó có thể là một mô hình hữu ích để các nước có thể học hỏi việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến lược đó.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc đã đem đến những bài học sau đây cho các nước đang phát triển:
(1) tăng trưởng xanh có thể được áp dụng như một chương trình trọng tâm của chính phủ ở một quốc gia dân chủ;
(2) sự cần thiết phải có sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và toàn cầu;
(3) tầm quan trọng của cách tiếp cận từ trên xuống và những lợi ích của một động lực chính trị mạnh mẽ.
Giữa những lời khen ngợi và phê bình, nhiều giá trị trong kinh nghiệm của Hàn Quốc đối với cộng đồng quốc tế bắt nguồn không phải từ sự thành công hay thất bại của họ, mà là từ nỗ lực đối với quá trình chuyển đổi trên toàn quốc, bất chấp rủi ro từ phản ứng của công chúng. Thực tế Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên thâm nhập vào một lĩnh vực mới trong khi một số nền kinh tế lớn trên thế giới còn e ngại hành động, bản thân điều có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc phát triển và thực hiện tăng trưởng xanh. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xanh như một khía cạnh chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình, Hàn Quốc đã phải vượt qua nhiều thách thức.
Thứ nhất, chính phủ các nước đang phát triển rất miễn cưỡng trong việc cam kết nguồn lực hạn chế của họ cho thử nghiệm chính sách trên quy mô toàn quốc. Lịch sử đã cho thấy, chỉ riêng sự tăng trưởng đã khó thực hiện; ấy vậy mà tăng trưởng xanh lại dường như bổ sung thêm một tầng phức tạp nữa vào nỗ lực mà vốn đã khó khăn rồi. Đối với các nước có thu nhập thấp, thiếu năng lực, tăng trưởng xanh cũng có thể làm tăng sự phụ thuộc vào các nước phát triển về hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và chuyển giao công nghệ, từ đó bị giảm quyền kiểm soát đối với con đường phát triển kinh tế của họ.
Thứ hai, việc thiếu sự lãnh đạo của chính phủ có tác động tiêu cực đối với khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp cần có môi trường kinh doanh ổn định để đưa ra quyết định đầu tư dài hạn. Thái độ của Chính phủ về các chính sách trong tương lai là đảm bảo cho chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Trong khi đó, các biện pháp không tồn tại hoặc nửa vời là dấu hiệu vẫn tiếp tục tình trạng như cũ dẫn đến trì trệ công nghệ, rất tốn kém để khắc phục. Tất nhiên, những thách thức trong nước của Hàn Quốc nhằm theo đuổi tăng trưởng xanh như một chính sách phát triển cũng là những thách thức của các nước.
Việc thay đổi cách các nước nhìn nhận sự thịnh vượng kinh tế thông qua lăng kính tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ không hề dễ dàng và việc làm cho tăng trưởng xanh đáp ứng được nhu cầu đặc thù của mỗi quốc gia là một nhiệm vụ phức tạp không kém, khi các nước này khác nhau về giai đoạn phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ cấu chính trị, năng lực thể chế và ưu tiên phát triển. Khi làm việc với các nước đang phát triển, Hàn Quốc phải hiểu và tuân thủ một nguyên tắc là nếu tăng trưởng xanh không thể góp phần vào giảm nghèo và tiến bộ kinh tế xã hội trong tương lai gần và trung hạn thì nó sẽ rất khó thực hiện được ở các nước đó. Hơn nữa, việc phổ biến tăng trưởng xanh ở các nước sẽ chậm lại nếu nó không gắn với quyền làm chủ của quốc gia đó. Nó chỉ có thể được tích hợp và lồng ghép vào quá trình lập kế hoạch quốc gia nếu như nó xuất phát từ nhu cầu thực tế và được các quốc gia chủ trì bởi vì thực tế tăng trưởng xanh phải tạo điều kiện cho phát triển chứ không áp đặt sự phát triển.
Về toàn cảnh, tăng trưởng xanh đã hồi sinh chương trình nghị sự phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy sự tin tưởng trong việc khai thác các nguồn tăng trưởng mới bằng cách nhấn mạnh một cách rõ ràng “tăng trưởng xanh” . Một trong những phát hiện của báo cáo đầu tiên về Thực hành tăng trưởng xanh tốt nhất là “tăng trưởng xanh có thể mở ra những lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường, cả ngắn hạn và dài hạn” thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên, hỗ trợ cho công nghệ xanh và đổi mới kinh doanh, đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang phát triển xanh. Để chuyển các lợi ích đó xuống cơ sở sẽ là phép thử nghiệm quan trọng đối với việc tiếp tục xúc tiến tăng trưởng xanh và với thách thức này, tất cả các nước đều hướng về Hàn Quốc.
Cẩm Tú