Ảnh minh hoạ
Nhiều quốc gia đang chuẩn bị tinh thần chứng kiến tổn thất kinh tế trong nước do ảnh hưởng từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn vô số mặt hàng từ vật liệu xây dựng tới thiết bị điện tử. Tập đoàn Caterpillar của Mỹ cho biết nhu cầu máy móc xây dựng của Trung Quốc hiện nay là tệ hơn so với dự báo. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi những vấn đề kinh tế của Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ”.
Về thương mại, các nền kinh tế châu Á đang hứng chịu tác động lớn nhất do ảnh hưởng từ Trung Quốc, tiếp đến là các nước châu Phi. Xuất khẩu tháng 7 của Nhật Bản giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm, do nhập khẩu ô tô và chip của Trụg Quốc giảm. Các ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Thái Lan gần đây đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế với lý do được đưa ra là sự phục hồi yếu của kinh tế Trung Quốc.
Các nền kinh tế có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (màu vàng), Trung Quốc (màu hồng), Đức (màu xanh nhạt), và khác (màu xanh đậm). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khoảng 40 nền kinh tế trên thế giới - Nguồn: IMF/Bloomberg.
Câu chuyện kinh tế Trung Quốc không chỉ mang tới tin xấu cho các quốc gia khác. Tình trạng giảm phát ở nước này có thể lan ra thế giới thông qua hàng hoá xuất khẩu, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phải chống lạm phát như Mỹ, Anh và châu Âu. Một số nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ cũng nhận thấy cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài khi dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một thời kỳ suy giảm tăng trưởng kéo dài của nước này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực đối với phần còn lại của thế giới. Một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy: cứ mỗi 1 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ mang lại khoảng 0,3 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong một cuộc trao đổi với Bloomberg TV, chiến lược gia trưởng Peter Berezin của công ty BCA Research nhận định rằng giảm phát ở Trung Quốc “không phải là một điều quá tệ” đối với kinh tế toàn cầu, “nhưng Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái trong khi kinh tế Trung Quốc còn yếu, đó là một vấn đề lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới”.
Hãng tin Bloomberg đã điểm lại một số tác động từ sự sụt tốc của kinh tế Trung Quốc đến các nền kinh tế khác và thị trường tài chính:
THƯƠNG MẠI GIẢM SÚT
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Á, về các mặt hàng từ linh kiện điện tử, cho tới thực phẩm, kim loại và năng lượng.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong 9/10 tháng trở lại đây do nhu cầu suy giảm từ mức cao kỷ lục thiết lập trong thời gian đại dịch. Giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng 7 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Châu Phi và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả, với giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ hai khu vực này giảm hơn 14% trong 7 tháng đầu năm nay. Một phần quan trọng trong sự sụt giảm này là nhu cầu của Trung Quốc đối với linh kiện điện tử từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Biến động giá trị nhập khẩu của Trung Quốc nói chung và nhập khẩu của Trung Quốc từ các khu vực khác nhau hàng tháng so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị: % - Nguồn: Hải quan Trung Quốc/Bloomberg.
ùng với đó, giá nhiều hàng hoá cơ bản như xăng dầu giảm cũng khiến giá trị nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc giảm theo. Cho tới hiện tại, khối lượng thực tế của những hàng hoá cơ bản quặng sắt hoặc đồng mà Trung Quốc nhập khẩu vẫn duy trì, dù giá trị giảm do giá giảm.
Nguồn: Hải quan Trung Quốc/Bloomberg.
Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, khối lượng nhập khẩu có thể giảm theo, ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến các nhà khai mỏ ở Australia, Nam Mỹ và các khu vực khác trên thế giới.
ÁP LỰC GIẢM PHÁT
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm trong 10 tháng qua, đồng nghĩa giá hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Đó là tin tốt đối với người tiêu dùng ở những quốc gia đang đương đầu với lạm phát cao.
Giá hàng hoá Trung Quốc cập cảng ở Mỹ đã giảm liên tục trong các tháng từ đầu năm đến nay và xu hướng này có thể tiếp tục cho tới khi giá tại nhà máy ở Trung Quốc trở lại trạng thái tăng.
Diễn biến một số giá cả của Trung Quốc hàng tháng so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Hải quan, Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Bloomberg.
Diễn biến một số giá cả của Trung Quốc hàng tháng so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Hải quan, Tổng cục Thống kê Trung Quốc/Bloomberg.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Wells Fargo ước tính rằng một cuộc “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc - mà theo định nghĩa của Wells Fargo là tốc độ tăng trưởng thấp hơn 12,5% so với mức tăng trưởng xu hướng của nước này - sẽ khiến dự báo lạm phát ở Mỹ vào năm 2025 giảm 0,7 điểm phần trăm còn 1,4%.
PHỤC HỒI DU LỊCH CHẬM LẠI
Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ như du lịch, thay vì mua sắm hàng hoá, nhưng họ vẫn chưa đi du lịch nước ngoài nhiều như trước. Cho tới gần đây, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn cấm việc tổ chức đi tour tới nhiều nước khác, và số chuyến bay còn chưa phục hồi hoàn toàn, đồng nghĩa việc đi du lịch nước ngoài đối với người Trung Quốc còn đắt đỏ hơn so với trước đại dịch.
Tổng lượng du khách Trung Quốc đại lục đi du lịch nước ngoài, và lượng du khách Trung Quốc đại lục tới Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Macau và Mỹ qua các năm. Đơn vị: triệu người.
Ngoài ra, đại dịch và kinh tế giảm sút khiến thu nhập của người Trung Quốc eo hẹp hơn, chưa kể cuộc khủng hoảng bất động sản khiến các hộ gia đình sở hữu nhà đất cảm thấy “nghèo” đi so với trước. Điều này có nghĩa là có thể phải mất một thời gian dài nữa để hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc hồi về mức trước đại dịch. Ảnh hưởng nhiều nhất sẽ rơi vào những nền kinh tế Đông Nam Á có mức độ phụ thuộc lớn vào du lịch như Thái Lan.
ẢNH HƯỞNG VỀ TỶ GIÁ
Các thách thức kinh tế mà Trung Quốc đương đầu đã đẩy đồng nhân dân tệ của nước này giảm giá hơn 5% so với đồng USD từ đầu năm tới nay, về ngưỡng 7,3 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, bao gồm tăng tỷ giá tham chiếu.
Xu hướng giảm giá của đồng Nhân dân tệ có ảnh hưởng nhiều nhất đến các đồng tiền ở châu Á, Mỹ Latin, Trung Âu và Đông Âu - theo dữ liệu của Bloomberg. Mối lo về ảnh hưởng của sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc cũng có thể gây áp lực mất giá lên các đồng tiền như đôla Singapore, baht Thái Lan, hay peso Mexico - theo ngân hàng Barclays.
“Với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu, sẽ rất khó để lạc quan về các nền kinh tế và các đồng tiền ở châu Á, và chúng tôi lo ngại hơn về đồng tiền của những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu kim loại”, trưởng nghiên cứu vĩ mô thị tường mới nổi của công ty PGIM, bà Magdalena Polan, nhận định. Theo vị chuyên gia này, hoạt động xây dựng giảm sút ở Trung Quốc có thể khiến đồng tiền của những nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu hàng hoá cơ bản, như đồng peso Chile và đồng rand Nam Phi, đương đầu áp lực mất giá.
Đồng đôla Australia đã giảm hơn 3% trong quý này, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong rổ tiền tệ G10.
SỨC HÚT CỦA TRÁI PHIẾU TRUNG QUỐC GIẢM SÚT
Việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong năm nay để vực dậy tăng trưởng kinh tế đã làm suy giảm sức hấp dẫn của trái phiếu nước này đối với nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc và tìm kiếm tài sản khác trong khu vực để thay thế.
Lượng vốn ròng của các quỹ nước ngoài chảy vào/ra thị trường trái phiếu các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia, và Hàn Quốc từ đầu năm đến nay. Đơn vị: tỷ USD.
Tỷ trọng của trái phiếu Trung Quốc trong tổng lượng trái phiếu của khu vực mà nhà đầu tư nức ngoài nắm giữ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2019, theo phân tích của Bloomberg. Trong khi đó, các quỹ ngoại đang rót nhiều vốn hơn vào trái phiếu nội tệ của Hàn Quốc và Indonesia, trong bối cảnh ngân hàng trung ương của các nước này đang gần đến hồi kết của chu kỳ tăng lãi suất.
Theo vneconomy.vn