Một số bài học rút ra từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank
Mặc dù việc Silicon Valley Bank sụp đổ giống như sự thất bại của cả bộ máy quản lý ngân hàng này lẫn hoạt động giám sát ngân hàng, nhưng câu chuyện này chứa đựng những bài học quan trọng đối với quy định giám sát trên thế giới.
Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng có giá trị tài sản 212 tỷ USD và 175 tỷ USD tiền gửi, được công nhận là “đặc biệt” bởi nó chuyên cung cấp dịch vụ cho những khách hàng đến từ lĩnh vực công nghệ và phần lớn là các khoản tiền gửi không bảo hiểm của những công ty khởi nghiệp hơn là tiền gửi dân cư. Ngân hàng này không tích cực huy động vốn với lãi suất rất cao, cho nên đây không phải là kiểu “gamble for resurrection” (đầu cơ để hồi sinh - trong lĩnh vực tài chính đó là sự gia tăng độ rủi ro, chẳng hạn như khi thực hiện một khoản vay mới với lãi suất cao hơn để trả nợ). Vấn đề của ngân hàng này - các tài sản phần lớn không phải là những khoản tín dụng, mà là các loại chứng khoán thông thường và có khả năng thanh khoản, mà vốn được phòng ngừa không tốt trước rủi ro lãi suất. Việc tăng lãi suất gần đây, cộng với khả năng phòng ngừa rủi ro kém khiến cho giá trị tài sản của ngân hàng này giảm và hậu quả dẫn đến tình trạng mất thanh khoản khi một số khách hàng quyết định rút các khoản tiền gửi của mình.
SVB đúng như một thất bại rõ ràng của Mỹ trong cả hoạt động quản lý, lẫn giám sát ngân hàng. Cùng với những ngân hàng khác, SVB đã vận động thành công Quốc hội Mỹ nới lỏng quy định, mà theo đó cho phép các ngân hàng này - dựa vào các trái phiếu đã được mua để nắm giữ đến khi đáo hạn (các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc trái phiếu thế chấp dài hạn với rủi ro tín dụng tối thiểu hoặc bằng 0, để nắm giữ chúng đến khi đáo hạn; các khoản lỗ có thể phát sinh do thay đổi giá trái phiếu chính phủ sẽ biến mất khi các trái phiếu này được mua lại - nếu ngân hàng không phải đối mặt với nhu cầu bán gấp); và không phải tuân thủ các yêu cầu Basel đối với tỷ lệ dự trữ thanh khoản (Basel liquidity coverage ratio - LCR[1]: Tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các ngân hàng, theo đó bắt buộc duy trì một tỷ lệ nhất định khối lượng tài sản có tính thanh khoản cao so với dòng vốn dự kiến bị rút khỏi trong khoảng thời gian căng thẳng kéo dài 30 ngày - nhằm đảm bảo khả năng chống chịu trước những cú sốc thanh khoản ngắn hạn).
Trên khía cạnh quản lý chống khủng hoảng, một gói “bailout”[2] sẽ được áp dụng (ngân hàng được giải cứu bởi Chính phủ hay các tổ chức của chính phủ hoặc tư nhân thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính): Sau thông điệp đầy u ám từ phía Chính phủ[3] rằng ngân hàng sẽ không được cứu nhưng sẽ cố gắng giúp đỡ những khách hàng có các khoản tiền gửi không được bảo hiểm, những ngày cuối tuần 11-12/3/2023 đã khép lại với quyết định bảo lãnh đầy đủ[4] cho các khoản tiền gửi không được bảo hiểm, do đó giải pháp này chính là gói “bailout”, cái giá mà sau này Chính phủ có hoặc không thể dồn lên toàn bộ khu vực ngân hàng thông qua việc tăng các loại phí bảo hiểm.
Quyết định này tương đồng với các quyết định từng đưa ra trước đó liên quan đến quỹ LTCM (quỹ phòng hộ lớn nhất[5] trên bờ vực phá sản vào năm 1998 vì cuộc khủng hoảng châu Á và được FED cứu trợ thông qua việc đầu tư thêm 3,5 tỷ USD) hoặc ngân hàng đầu tư Bear Stearns và Merrill Lynch (đứng trước ngưỡng cửa sụp đổ vào năm 2008 và được JPMorgan Chase và Bank of America mua lại) và khác với quyết định liên quan đến Lehman Brothers (mà bị cho sụp đổ, kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008). Và logic của quyết định này vừa giống (nỗ lực ngăn chặn tình trạng “bank run” - rút tiền ồ ạt), nhưng lại không giống (nỗ lực bảo vệ các công ty khởi nghiệp công nghệ, thay vì những người cho vay) với 3 trường hợp trước đó.
Những nguyên tắc chung về giám sát
Các ngân hàng đang kinh doanh thông qua việc chuyển đổi kỳ hạn của các công cụ tài chính (huy động vốn ngắn hạn - tiền gửi của khách hàng, để đầu tư dài hạn - trái phiếu chính phủ), điều khiến cho các ngân hàng dễ bị tổn thương khi xảy ra “bank run”. Như hai giáo sư Douglas Diamond và Philip Dybvig đã chỉ ra trong công trình đạt giải Nobel năm 2022[6] của mình, có một số điểm “cân bằng Nash” khi các khoản tiền gửi không được bảo hiểm đầy đủ, và điều này thậm chí còn đúng hơn nữa trong thời đại của trực tuyến và internet banking - chỉ trong ngày 09/3/2023, người gửi tiền tại SVB đã rút số tiền gửi với tổng trị giá là 42 tỷ USD.
Hộp 1: Những điểm cân bằng và sự hoảng loạn của hệ thống ngân hàng Cân bằng Nash là một khái niệm then chốt của lý thuyết trò chơi, khi tất cả các bên đều có lợi duy trì hiện trạng, vì bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ làm vị trí của các bên xấu đi, với điều kiện những người chơi khác không thay đổi bất cứ điều gì. Các học giả Diamond và Dybvig đã đưa ra một lý thuyết[7], theo đó các ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất khi họ gộp các khoản tiền gửi ngắn hạn của khách hàng để đầu tư dài hạn: Nhiều dự án mang tính dài hạn, trong khi người gửi lại coi trọng tính thanh khoản ngắn hạn. Đồng thời, người gửi không biết chính xác khi nào mình cần tiền. Nhưng vì tại bất kỳ thời điểm nào, chỉ một phần người gửi thực hiện quyền rút tiền gửi trước hạn của mình, nên ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu của người gửi và tiếp tục hoạt động đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, nếu ngân hàng phải nhanh chóng từ bỏ các khoản đầu tư của mình, tình trạng thua lỗ sẽ không tránh khỏi và có thể còn không đủ tiền để hoàn trả tiền gửi cho khách hàng. Và nếu ai đó trong số những người gửi tiền nghi ngờ rằng số người gửi còn lại sẽ rút tiền của họ, anh ta sẽ muốn nhận lại tiền gửi của mình trước khi ngân hàng không còn tiền. Điều này gây ra hiện tượng «bank run». Trong nghiên cứu năm 1983, Diamond và Dybvig đã chứng minh sự cần thiết của việc bảo hiểm tiền gửi, mà sau này đã được áp dụng rộng rãi: Sự đảm bảo về mức độ an toàn cho các khoản tiền gửi giúp tránh được tình trạng hoảng loạn của hệ thống ngân hàng. Nguồn: Econs.online. |
Những rủi ro lây lan đúng là vẫn còn hiện hữu, nhưng cần đặt câu hỏi tại sao việc một ngân hàng chuyên doanh cỡ vừa của Mỹ như SVB phá sản lại có thể khiến các ngân hàng lớn ở châu Âu mất hơn 10% giá trị thị trường chỉ trong vài ngày[8].
Tất nhiên, một trong những lý do là một vài yếu tố tác động đến SVB - cụ thể là chu kỳ tăng lãi suất hiện tại[9] và nguy cơ suy thoái - có khả năng ảnh hưởng đến bất cứ ngân hàng nào. Tình huống này, ở một mức độ nào đó, lặp lại câu chuyện của thập niên 1980 ở Mỹ, khi các tổ chức tiết kiệm và cho vay chuyên biệt biến thành “tác dụng phụ”[10] của chính sách chống lạm phát do FED áp dụng. Các thị trường vốn có bản chất là biến động, đặc biệt khi các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi, liệu các ngân hàng thay đổi một cách vô tình thời hạn đáo hạn do sự buông lỏng giám sát của các cơ quan giám sát hay không. Hơn nữa, đối với mỗi ngân hàng có phòng ngừa rủi ro lãi suất tăng, luôn tồn tại đối tác tài chính mà chấp nhận rủi ro đó về mình, và có khả năng phòng ngừa hoặc không rủi ro đó, v.v. Điều này có thể dẫn đến sự quan ngại về việc có phải chúng ta đang trở lại năm 2008 hay không và các vấn đề liên quan thanh khoản của một số ngân hàng và chúng chắc chắn biến thành các vấn đề liên quan đến khả năng thanh toán. Vào thời điểm đó, sự hoảng loạn có thể biến thành yếu tố mang tính tự duy trì, khi những người gửi tiền, tức là những người có thể thực hiện “bank run”, bắt đầu thực hiện hành động này nếu họ không được bảo vệ một cách đầy đủ.
Lựa chọn giữa “bailout” và phá sản hoặc “bail-in”[11] (cứu trợ ngân hàng bằng những người cho vay và gửi tiền, chẳng hạn như thông qua việc chuyển đổi các khoản nợ này thành cổ phiếu của ngân hàng), cơ quan tài chính của chính phủ sẽ đối mặt với lựa chọn tiến thoái lưỡng nan giữa bất ổn tài chính và rủi ro đạo đức[12]. Bài học ngày 15/9/2008 vẫn còn đó, khi quyết định chuyển các khoản lỗ của Lehman Brothers sang cho những người gửi tiền ngắn hạn được đưa ra để tránh phải “bailout” - nhưng cuối cùng nó lại biến thành vụ phá sản ngân hàng tốn kém nhất, khi kéo theo sự hoảng loạn và làm sâu sắc thêm cuộc Đại suy thoái.
Đương nhiên, rủi ro đạo đức là một vấn đề nghiêm trọng, mà cần được đánh giá đúng mức, còn bảo lãnh các khoản tiền gửi hậu kiến (ex-post) sẽ làm vấn đề này thêm trầm trọng. Một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là dồn các thiệt hại vào những nhà đầu tư không thể thực hiện “bank run”, tức là các cổ đông, những người nắm giữ trái phiếu và tiền gửi có kỳ hạn (và có thể kiện ban lãnh đạo cấp cao và các thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng vì hành vi trái phép).
Việc phân tán “nỗi đau” cho những ai có thể “bank run” chắc hẳn là một ý tưởng phản tác dụng. Trong bất cứ trường hợp nào, không nên kỳ vọng áp dụng “kỷ luật nghiêm ngặt” trong các ngân hàng bằng việc cứu trợ các khoản tiền gửi ngắn hạn do những cá nhân hoặc công ty nắm giữ, dù lớn hay nhỏ, và đảm bảo khả năng hoạt động của các công ty được bình thường, tức là những khoản thanh toán cho các bên như cho thuê trụ sở, nhà cung cấp; thanh toán lương cho nhân viên, cũng như nhận những khoản thanh toán từ phía các khách hàng. Thông thường, những người gửi tiền kiểu này không phải chuyên gia trong việc giám sát các ngân hàng và đó không phải là công việc của họ, vì vậy họ có xu hướng phản ứng bằng hành động “bank run” tự phát, điều mà thường gây tổn hại cho nền kinh tế. Đó là ý tưởng dựa trên “giả thuyết đại diện” (representation hypothesis) được đưa ra vào năm 1994[13]: Chức năng giám sát cần được ủy quyền khi chuyển giao nó từ những người gửi tiền cho các bên khác, mà cụ thể là các nhà đầu tư tư nhân dài hạn, cũng như các cơ quan giám sát và xử lý khả năng mất thanh toán.
Điều này cần phải được thực hiện trên cơ sở kết hợp các công cụ:
1) Các tỷ lệ khả năng thanh toán được điều chỉnh phù hợp (vốn được cân đối theo theo rủi ro, không được cân đối theo rủi ro đòn bẩy nợ và khả năng hấp thụ tổn thất tổng thể, điều sẽ bổ sung cho các công cụ nợ thứ cấp trong khuôn khổ các tiêu chuẩn TLAC và MREL vào vốn);
2) Các tỷ lệ thanh khoản (LCR một tháng và tỷ lệ quỹ ổn định ròng dài hạn hơn);
3) Sự đánh giá cần thiết về tài sản theo giá trị thị trường;
4) Sự giám sát đủ nghiêm (với các bài kiểm tra tốt về mức độ căng thẳng - stress-test);
5) Các kế hoạch phục hồi tài chính và những ngưỡng giới hạn;
6) Các bộ đệm an toàn vĩ mô thích hợp.
Ủy ban Basel và Hội đồng về ổn định tài chính đã xây dựng bộ các quy định quan trọng liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, sự phản kháng của ngành ngân hàng đã làm bộ quy định này suy yếu. Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn “Basel III”, còn ở Mỹ có nhiều ngân hàng “né” bộ quy định “Basel III”, mà về mặt kỹ thuật chỉ áp dụng cho “các tổ chức tài chính quốc tế”.
Hộp 2: “Basel” và các quy định tự cứu “Basel III”[14] là một tập hợp các biện pháp được thống nhất ở cấp quốc tế, nhằm nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng xây dựng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009. Gói biện pháp nhằm thắt chặt các yêu cầu đối với nguồn vốn ngân hàng và khả năng thanh khoản và giảm tỷ lệ đòn bẩy. Tiêu chuẩn TLAC[15] (total loss absorbency capacity - tổng năng lực hấp thụ tổn thất) do Hội đồng ổn định tài chính xây dựng và bổ sung cho các yêu cầu Basel về vốn đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu. Tổng năng hấp thụ tổn thất được hiểu là sự sẵn có các nguồn lực bổ sung dưới dạng vốn và một số công cụ nợ nhất định, mà có thể được sử dụng để bù đắp các khoản lỗ trong giai đoạn phục hồi ngân hàng. TLAC nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro lây lan ra toàn bộ hệ thống khi tạo điều kiện để tái cấp vốn cho ngân hàng bằng “các nguồn lực của chính mình”, tức là bằng nguồn lực của các nhà đầu tư và cổ đông, chứ không phải ngân sách nhà nước. Tiêu chuẩn MREL (minimum requirement for own funds and eligible liabilities -yêu cầu tối thiểu đối với các loại quỹ và các khoản nợ đủ tiêu chuẩn của mình) được áp dụng bằng quyết định EU đối với tất cả các ngân hàng châu Âu, còn đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu, nó được áp dụng cùng với tiêu chuẩn TLAC. Đây là yêu cầu tối thiểu đối với số nợ phải trả của ngân hàng, mà phải đáp ứng các điều kiện nhất định để có khả năng được xóa hoặc chuyển đổi những khoản nợ đó sang thành cổ phần, có nghĩa là để được bail-in (bảo lãnh). Nguồn: Econs.onlin |
Những bài học quan trọng đối với quy định giám sát
Bài học của SVB, mà có thể áp dụng còn cho toàn thế giới, đó là cơ chế hiện hành quy định về tiền gửi ngắn hạn mà các công ty dựa vào đó để hoạt động là chưa hoàn thiện và cần được điều chỉnh. Việc bảo vệ các khoản tiền gửi chỉ dưới 250.000 USD hoặc tối đa 100.000 euro buộc các công ty phải chấp nhận rủi ro không cần thiết, còn đối với một số công ty lớn, việc bảo vệ như thế gần giống như kiểu không có biện pháp bảo vệ nào, điều mà có thể gây rất nhiều tốn kém về khía cạnh kinh tế.Có một vài cách tiếp cận để giải quyết vấn đề này. Trước tiên, đó là tăng cường mạnh mẽ việc bảo vệ những khoản tiền gửi giá trị lớn của các công ty thông qua việc đưa các rủi ro vào phí bảo hiểm tiền gửi mà ngân hàng phải trả, giống như cách đang được thực hiện đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm. Việc điều chỉnh các ngưỡng bảo hiểm đối với những khoản tiền gửi giá trị lớn của các công ty - đó là một chủ đề riêng biệt mà cần suy tính rất kỹ lưỡng. Cách tiếp cận tự nhiên sẽ là áp dụng ngưỡng bảo hiểm gắn với quy mô của công ty, căn cứ vào mô hình kinh doanh của nó. Dù thế nào đi chăng nữa, đó phải là một sự tính toán hợp lý.
Cách tiếp cận thứ hai, ít “cực đoan” hơn, có thể nằm ở việc giảm thiểu rủi ro nội bộ đối với các khoản tiền gửi ngắn hạn của các công ty bằng cách: (i) Nâng số lượng các chuẩn mực không liên quan trực tiếp đến các khoản tiền gửi; (ii) Thắt chặt các chuẩn mực về LCR thông qua việc nâng tỷ lệ rút vốn dự kiến hàng tháng, trên cơ sở tính toán tốc độ rút tiền như đã quan sát thấy ở SVB và tăng mạnh bởi những ứng dụng công nghệ mới.
Quản lý và giám sát ngân hàng không thể loại bỏ tất cả các rủi ro. Tuy nhiên, hai bài học trên đã đưa ra những định hướng hành động rõ ràng, để làm sao cho hệ thống ngân hàng an toàn hơn và được trang bị tốt hơn nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế./.
Nguyễn Quang Huy, Vụ KTTH tổng hợp.
[1] https://www.bis.org/press/p130106.htm.
[2] https://www.investopedia.com/terms/b/bailout.asp.
[3] https://www.cbsnews.com/news/janet-yellen-face-the-nation-transcript-03-12-2023/.
[4] https://econs.online/articles/finansy/naskolko-ustoychiva-bankovskaya-sistema-ssha/.
[5] https://econs.online/articles/opinions/novaya-epokha-fondovogo-rynka/.
[6] https://econs.online/articles/ekonomika/mir-budet-stalkivatsya-s-ugrozoy-finansovykh-krizisov/.
[7] https://econs.online/articles/ekonomika/mir-budet-stalkivatsya-s-ugrozoy-finansovykh-krizisov/.
[8] https://apnews.com/article/credit-suisse-banking-shares-plunge-switzerland-ba1861aa8b61170c00a2789287dc9a08.
[9] https://econs.online/articles/ekonomika/peresborka-tsentralnykh-bankov/.
[10] https://www.federalreservehistory.org/essays/savings-and-loan-crisis.
[11] https://www.investopedia.com/terms/b/bailin.asp.
[12] https://www.atlanticcouncil.org/blogs/new-atlanticist/bailouts-create-a-moral-hazard-even-if-they-are-justified-is-there-another-way/.
[13] https://mitpress.mit.edu/9780262513869/the-prudential-regulation-of-banks/.
[14] https://www.bis.org/bcbs/basel3.htm.
[15] https://www.bis.org/bcbs/publ/d387.htm.