Với đợt tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) về cơ bản đặt cược rằng nền kinh tế nước nhà đã thoát khỏi xu hướng giảm phát. Đồng thời, việc BOJ chấm dứt lãi suất âm cũng được kỳ vọng sẽ mang lại cho đồng Yên Nhật trợ lực cần thiết để đảo ngược đà trượt dốc kéo dài từ cuối năm ngoái.
Giới chuyên gia cho rằng tăng trưởng yếu có thể đã trở thành một vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế đất nước mặt trời mọc, do đó đồng Yên sẽ không dễ được giải phóng khỏi áp lực giảm trong một sớm một chiều.
Được khuyến khích bởi những dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế và tăng trưởng tiền lương, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda tại cuộc họp vào trung tuần tháng 3/2024 đã chấm dứt một trong những cuộc thử nghiệm chính sách tiền tệ kéo dài nhất trong lịch sử, khép lại quãng thời gian 11 năm theo đuổi chính sách siêu nới lỏng nhằm mục đích đưa nền kinh tế thoát khỏi áp lực giảm phát dai dẳng. Trong cuộc thử nghiệm này, BOJ áp dụng chính sách ngắn hạn ở ngưỡng âm và biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhằm giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn dài ở mức thấp.
Người khởi xướng cuộc thử nghiệm nói trên là cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda, người tiền nhiệm của ông Ueda và lên nắm quyền ở BOJ vào năm 2013. Khi đó, ông Kuroda có một kế hoạch táo bạo là tạo ra cho nền kinh tế một mức lạm phát thấp nhưng bền vững. Ông muốn đạt được một kết quả mà các đời thống đốc BOJ trước đó không thể làm được từ giữa những năm 1990, khi giá cả và tiền lương ở nước này dường như rơi vào trạng thái tua chậm. Tham vọng của ông Kuroda khi đó là tạo ra mức lạm phát 2% chỉ sau hai năm bằng cách tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ của BOJ.
NHỮNG CHUYỂN BIẾN KINH TẾ
Hiện tại, có vẻ như Nhật Bản đã đạt được mục tiêu lạm phát như vậy, nhưng cũng phải mất thời gian hơn một thập kỷ và giá trị bảng cân đối kế toán của BOJ đã tăng gấp 4,5 lần trong cùng khoảng thời gian lên mức 760 nghìn tỷ Yên, tương đương 4,9 nghìn tỷ USD. Con số này thậm chí còn lớn hơn cả GDP hàng năm của Nhật Bản.
Những thay đổi trong nền kinh tế của Nhật Bản thực ra chưa phải là lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm gần đây dao động ở khoảng 0,8-0,9%, một mức lãi suất hợp với cụm từ “bình thường hóa” hơn là một sự thắt chặt chính sách tiền tệ thực sự.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất mỗi khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, nhưng nền kinh tế Nhật Bản hiện nay chưa thể coi là “nóng” mà chỉ là đang “ấm” lên. Nếu so với mặt bằng toàn cầu, mức tăng trưởng GDP của Nhật Bản còn khiêm tốn, nền kinh tế thiếu chút nữa đã rơi vào suy thoái trong quý 4/2023.
Giới phân tích cho rằng việc Nhật Bản điều chỉnh chính sách tiền tệ vẫn là một cột mốc quan trọng, phản ánh giá cả đầu vào tăng lên trên toàn cầu tạo ra cho Nhật Bản một mức lạm phát mà chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã mất nhiều năm không thể mang lại. Tháng 3/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đã duy trì mức tăng trên 2% trong suốt hai năm trở lại đây.
Ngoài ra, việc BOJ tăng lãi suất cũng là một sự công nhận rằng tiền lương ở Nhật Bản đã bắt đầu tăng sau khi gần như đi ngang suốt 30 năm qua. Các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân của Nhật Bản năm 2023 mang lại kết quả là mức tăng lương khá ấn tượng 3,6%.
Tuy nhiên, trên thực tế tiền lương thực tế vẫn giảm do lương tăng chưa đủ bù lạm phát. Theo số liệu được Bộ Lao động Nhật Bản công bố vào tuần trước, tiền lương thực tế ở Nhật Bản trong tháng 3/2024 sau khi trừ đi lạm phát giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp. Năm 2023, tiền lương thực tế ở Nhật Bản giảm 2,5%, mức giảm tính trên cơ sở năm mạnh nhất kể từ thập niên 1990.
LẠC QUAN VÀ BI QUAN
Từ góc nhìn của nhiều nhà phân tích ở ngoài Nhật Bản, việc BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ là một sự xác nhận rằng nền kinh tế nước này đã đạt tới một sự chuyển biến xứng đáng. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã có một sự “phê chuẩn” sớm cho thành công của BOJ, bằng cách đầu tư số vốn ban đầu 6,7 tỷ USD vào năm công ty giao dịch lớn nhất của Nhật Bản vào năm 2020. Năm nay, ông tăng cổ phần nắm giữ trong các công ty này lên khoảng 9%. Nhiều nhà đầu tư khác cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội, góp phần đưa thị trường chứng khoán Nhật lên mức cao nhất kể từ thập niên 1990.
Tháng 3/2024, CEO Larry Fink của Công ty Quản lý quỹ đầu tư BlackRock, nhận định rằng nền kinh tế Nhật Bản đã có một bước ngoặt. “Chúng tôi đã tăng tỷ trọng đầu tư vào Nhật Bản và các nhà đầu tư thích điều này”, ông Fink nói với tờ Nikkei. Ông tin tưởng rằng lãi suất tăng thực chất sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật, việc tiền tiết kiệm được trả lãi cao hơn sẽ giúp kích thích tiêu dùng và đó là điều mà Nhật Bản cần.
Tuy nhiên, giới chuyên gia ở Nhật Bản lại có cái nhìn kém lạc quan hơn. Một số nhà kinh tế Nhật cho rằng động thái tăng lãi suất của BOJ không liên quan nhiều đến niềm tin vào nền kinh tế, mà xuất phát từ tình trạng mất giá sâu của đồng Yên Nhật. Đồng nội tệ của Nhật đã giảm giá khoảng 15% so với đồng USD trong một năm qua và giảm khoảng 50% kể từ khi BOJ bắt đầu cuộc thử nghiệm chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vào năm 2013.
“Rõ ràng, hành động này của BOJ được thúc đẩy bởi vấn đề tỷ giá Yên. Nền kinh tế thực ra đang tăng trưởng chậm lại, thậm chí thiếu chút nữa thì suy thoái. Đây không phải là một tình thế phù hợp cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ”, kinh tế trưởng Martin Schulz của Fujitsu nhận định với tờ Foreign Policy.
Những người theo trường phái bi quan có trong tay nhiều số liệu ảm đạm để nói về triển vọng kinh tế Nhật Bản, nhất là xét trong dài hạn và cả triển vọng tỷ giá đồng Yên.
Thứ nhất, Nhật Bản đang là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với dân số giảm 0,5% mỗi năm và tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở nước này hiện là 30%. Dân số giảm là một gánh nặng đối với tăng trưởng kinh tế và ngân sách quốc gia. Một phần do dân số lão hóa, Nhật Bản có lượng tiền tiết kiệm khổng lồ. Nhưng cũng chính vì dân số lão hóa, các công ty của Nhật Bản khó sử dụng hiệu quả lượng tiền tiết kiệm này, bởi một nền kinh tế có dân số giảm sẽ có nhu cầu ít hơn với đầu tư cơ bản.
Vì hạn chế này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nhật Bản chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,5%/năm trong vòng bốn năm tới, so với mức 2% của kinh tế Mỹ. Con số tăng trưởng như vậy đối với Nhật Bản đã là ấn tượng, xét tới tình trạng thiếu lao động ở nước này, nhưng không thể coi là một sự “trỗi dậy” của nền kinh tế.
Thứ hai, lượng tiền tiết kiệm khổng lồ cũng là một nguyên nhân khiến lãi suất ở Nhật Bản khó tăng. Mục tiêu lạm phát 2% mà BOJ cho rằng đã trong tầm tay là mức cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ lạm phát bình quân hàng năm ở Nhật Bản trong 10 năm đến cuối năm 2021. Việc lạm phát tăng thêm 1,4 điểm phần trăm là lớn hơn nhiều so với mức tăng lãi suất 0,1 điểm phần trăm vừa rồi của BOJ. Điều này đồng nghĩa lãi suất thực ở Nhật Bản giảm xuống thay vì tăng lên.
Thứ ba, việc BOJ tăng lãi suất được xem là một động thái cảnh báo đối với thói quen chi tiêu mạnh tay của Chính phủ Nhật Bản. Trong những năm chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, BOJ gần như mua vào bất kỳ số trái phiếu nào mà Chính phủ phát hành, qua đó khiến khối nợ công vốn đã khổng lồ của Nhật Bản càng lớn hơn, hiện đã lên tới khoảng 264% GDP, cao hơn nhiều so với mức nợ của bất kỳ một nền kinh tế khác đang vận hành bình thường trên thế giới.
Với mức nợ lớn như vậy, chỉ cần lãi suất tăng nhẹ cũng sẽ khiến gánh nặng tiền lãi của Chính phủ Nhật Bản tăng lên nhiều. Ngay cả khi lãi suất thấp, gần 9% ngân sách của Chính phủ Nhật phải dành cho việc trả lãi vay.
Gánh nặng này tăng lên đúng vào thời điểm mà Thủ tướng Fumio Kishida cam kết tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội và tăng chi phí quốc phòng khoảng 60-100% trong vòng 5 năm tới. Bởi vậy, khó có chuyện Nhật Bản có thể trụ vững với sự thắt chặt chính sách tiền tệ như ở Mỹ, nơi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang áp dụng mức lãi suất chính sách 5,25-5,5%.
Tất cả những yếu tố nói trên khiến nhiều chuyên gia tin rằng Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở trong tình trạng tăng trưởng yếu, lãi suất thấp và đồng tiền yếu trong những năm tới, trừ phi có những dịch chuyển lớn trong môi trường kinh tế toàn cầu hoặc chính sách tiền tệ của các quốc gia khác.
Theo Vneconomy