Nhờ đó, xuất khẩu ô tô của nước này đã tăng gấp 4 lần trong 4 năm qua. Tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường toàn cầu. Và ngay cả xuất khẩu của Trung Quốc trong những ngành có hàm lượng nhân công lớn như đồ gỗ - nơi nước này từng đối mặt nguy cơ mất thị phần vào tay những nước có giá nhân công rẻ hơn - cũng đang tăng mạnh.
Mỹ và nhiều nước châu Âu gần đây đã bày tỏ quan ngại về sự tràn ngập của hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc. Các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil cũng bắt đầu tìm cách hãm bớt việc nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc. Các nước giàu và nghèo đều chung một mối lo rằng nhiều nhà máy của họ có thể phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất hiện đại hơn, có mức độ tự động hoá cao hơn ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, ngành sản xuất của Trung Quốc mạnh đến nỗi nỗ lực tăng cường xuất khẩu của nước này sẽ là điều mà thế giới khó cản nổi. Trung Quốc đã lắp đặt robot tại các nhà máy nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Chuỗi cung ứng chi phí thấp của Trung Quốc sản xuất hầu hết mọi loại linh kiện. Và Chính phủ nước này đang thúc đẩy các ngân hàng trong nước cho vay nhiều hơn để xây dựng thêm nhiều nhà máy.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc đang tìm cách vượt qua các rào cản thương mại ở phương Tây. Họ chia các lô hàng thành các lô nhỏ hơn, mỗi lô có giá trị đủ nhỏ để được miễn thuế. Các công ty Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu sang thị trường phương Tây thông qua các tuyến đường gián tiếp ở Đông Nam Á và Mexico, để né thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.
Dưới đây là 4 điều cần biết về sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc được New York Times điểm lại:
TRUNG QUỐC ĐANG DẪN ĐẦU VỀ XUẤT KHẨU NHỮNG MẶT HÀNG NÀO?
Mặt hàng xuất khẩu thu hút sự chú ý lớn nhất của Trung Quốc là ô tô. Chỉ trong vòng 4 năm, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, đưa nước này trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, với 5 triệu xe được xuất khẩu trong năm ngoái.
Xuất khẩu ô tô điện của Trung Quốc đang là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất, nhưng trên thực tế 3/4 số ô tô mà Trung Quốc xuất khẩu là xe chạy động cơ đốt trong. Do ô tô điện chiếm thị phần ngày càng lớn ở Trung Quốc, các hãng xe ở nước này đẩy mạnh xuất khẩu xe chạy xăng sang các thị trường như Nga và Mexico. Ở Nga, ô tô Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa thị trường.
Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một đội tàu vận chuyển ô tô xuyên đại dương gồm 170 chiếc để đưa lượng ô tô dư thừa đến các thị trường xa xôi, với mỗi chuyến chở hàng nghìn chiếc ô tô cùng một lúc. Trước đại dịch Covid-19, các nhà máy đóng tàu trên thế giới chỉ giao 4 tàu loại này mỗi năm.
Bản thân tàu biển cũng nổi lên như một mặt hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc, với số lượng tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, Mỹ đã bắt đầu cuộc điều tra về việc liệu Trung Quốc có sử dụng các hành vi thương mại bất bình đẳng để mở rộng ngành đóng tàu của nước này hay không.
Tấm pin mặt trời và vật liệu chính của sản phẩm này là tấm wafer cũng nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc tính theo số lượng. Xuất khẩu tấm wafer của Trung Quốc tăng gần gấp đôi trong năm ngoái. Tuy nhiên, do giá sản phẩm năng lượng mặt trời giảm gần một nửa nên tổng giá trị xuất khẩu hàng năng lượng mặt trời của Trung Quốc thực tế đã giảm nhẹ trong năm 2023.
Liên minh châu Âu (EU) đã mở một cuộc điều tra có thể dẫn đến hạn chế xuất khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc vào thị trường khu vực này. Mỹ cũng đang xem xét các quy định chặt chẽ hơn về nhập khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời.
ĐIỀU GÌ KHIẾN TRUNG QUỐC ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU?
Đẩy mạnh xuất khẩu là một cách để Trung Quốc vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Bất động sản vốn là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nhưng lĩnh vực này hiện đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất đi một động lực tăng trưởng quan trọng sau đại dịch Covid-19.
Chính phủ Trung Quốc viêc đẩy mạnh xuất khẩu, cùng với đầu tư mạnh vào các nhà máy để sản xuất hàng hoá ho xuất khẩu, sẽ giúp bù đắp sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản. Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự đặt cược này của Bắc Kinh đang mang lại kết quả.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/4 cho thấy mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 5,3% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một sự tăng tốc so với mức tăng 5,2% đạt được vào quý 4 năm ngoái, đồng thời vượt xa mức dự báo tăng 4,6% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Trong đó, đầu tư sản xuất và xuất khẩu là những lĩnh vực đóng góp chủ đạo vào tăng trưởng.
TRUNG QUỐC ĐANG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU NHƯ THẾ NÀO?
Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đang đổ tiền vào các doanh nghiệp sản xuất. Các khoản vay với lãi suất thấp đồng nghĩa doanh nghiệp Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy với nhiều robot và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Lượng vốn ròng hàng năm cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp là rất lớn. Con số này là 83 tỷ USD vào năm 2019. Đến năm ngoái, con số đã tăng vọt lên 670 tỷ USD.
Các thành phố lớn của Trung Quốc cũng đang chạy đua hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương. Thẩm Quyến đang giúp các nhà sản xuất ô tô điện, như BYD, có được bảo hiểm xuất khẩu, mua tàu chở hàng và thành lập các trung tâm R&D ở nước ngoài. Thiên Tân, một thành phố cảng rộng lớn gần thủ đô Bắc Kinh, đang nâng cấp bến cảng và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp thuộc Liên hợp quốc, sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc diễn ra khi nước này vốn dĩ đã sản xuất gần 1/3 hàng hóa thành phẩm của thế giới - nhiều hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
LIỆU TRUNG QUỐC CÓ VƯỢT QUA ĐƯỢC CÁC HÀNG RÀO THƯƠNG MẠI?
EU gần đây đã thực hiện các biện pháp sơ bộ nhằm hạn chế thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài các sản phẩm năng lượng mặt trời, các nhà lãnh đạo EU đang nhắm vào ô tô điện, tua-bin gió và thiết bị y tế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiếp nối chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tuần trước, ông Biden kêu gọi tăng mạnh thuế đối với thép và nhôm từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc và các công ty nước này đã rút ra được kinh nghiệm từ việc chính quyền ông Trump áp thuế quan lên gần một nửa hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Các biện pháp phòng ngừa mà Trung Quốc vạch ra trên cơ sở những kinh nghiệm đó có thể giúp cho hoạt động xuất khẩu của nước này rất khó bị chặn lại.
Trung Quốc đã ký kết 21 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trong những năm gần đây. Nhờ các thỏa thuận này, Trung Quốc đã bán được cho các nước đối tác đó số lượng linh kiện nhiều hơn số được Trung Quốc chế tạo thành hàng hóa thành phẩm để xuất khẩu sang thị trường phương Tây. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á đã tăng 75% trong 4 năm qua.
Các công ty Trung Quốc như Shein cũng đã trở nên thành thạo trong việc gửi hàng trực tiếp đến tận nhà của khách hàng ở Mỹ để tránh thuế quan. Mỹ cho phép người dân nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá lên tới 800 USD/ngày mà không phải trả thuế, tương đương gần 300.000 USD/năm.
Thượng nghị sĩ Bill Cassidy thuộc đảng Cộng hòa, một người đến từ bang Louisiana, đã bắt đầu thúc đẩy một dự luật để Mỹ đưa ra giới hạn ngang với mức của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu được miễn thuế là 6,5 USD.
Theo Vneconomy