Trần nợ công trên GDP được nới từ 60% lên 70% sẽ giúp Chính phủ Thái có thể vay thêm tiền để tái thiết đất nước sau khi bị ảnh hưởng nặng vì dịch.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết, mức trần cao hơn là để tăng không gian tài chính và đảm bảo nó không phải là trở ngại nếu chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cần vay tiền để thực hiện chính sách tài khóa trong trung hạn. Việc này cũng giúp duy trì khả năng trả nợ. Ông cho biết trần nợ công mới vẫn phù hợp với đạo luật kỷ luật tài khóa của đất nước.
Trần nợ công mới sẽ có hiệu lực sau khi nó được thông báo trên Công báo Hoàng gia Thái Lan (Royal Gazette). Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về khung thời gian quyết định sẽ được đưa lên Công báo.
Các cửa hàng đóng cửa tại chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok từ khi đợt dịch mới bùng phát.
Ảnh: Apichart Jinakul
Thái Lan rất miễn cưỡng trong việc nâng trần nợ công trong thập kỷ qua nhằm gây tiếng vang về kỷ luật tài khóa. Nhưng với mức nợ đã nhích gần đến ngưỡng giới hạn, các nhà quản lý sẽ khó đáp ứng nhu cầu tài chính cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu vào tháng 10.
Trần nợ công cao hơn sẽ cho phép chính phủ tiếp tục kế hoạch vay nợ của năm tới, ước tính khoảng 2.300 tỷ baht để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, chi tiêu cứu trợ Covid-19 và tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện có.
Ngoài ra, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang chịu áp lực vay bổ sung 1.500 tỷ baht hiện tại của chính phủ khi nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 bắt đầu từ tháng Tư.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput tháng trước đã kêu gọi chi ngân sách thêm 1.000 tỷ baht để chống lại đại dịch, trong khi giới kinh doanh kêu gọi một kích thích trị giá tới 1.500 tỷ baht và tăng trần nợ lên 80% để phục hồi ngành du lịch.
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan dự kiến sẽ đạt 58,9% vào cuối tháng 9, theo Bộ Tài chính nước này. Nó đứng ở mức 55,6%, tương đương 8.900 tỷ baht, vào cuối tháng 7, theo dữ liệu chính thức. Theo báo cáo nghiên cứu của Kasikornbank, tỷ lệ này dự kiến tăng đều đặn lên mức 63,8% vào cuối năm 2022, vì Thái Lan sẽ cần các biện pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Khi đại dịch kéo dài qua năm thứ hai, với việc Đông Nam Á phải hứng chịu tác động tàn khốc từ biến thể Delta, không chỉ có ngân sách chính phủ Thái Lan dần eo hẹp và các lựa chọn chính sách tiền tệ đang cạn kiệt. Malaysia đang đặt mục tiêu nâng trần nợ công lần thứ hai trong vòng hơn một năm, trong khi Philippines đang gần chạm ngưỡng nợ công quan trọng.
Theo Vneconomy