Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lỗ hoạt động 114,3 tỷ USD trong năm 2023, mức lỗ kỷ lục của ngân hàng trung ương này và là một hệ quả của việc Fed mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2020-2021 để vực dậy nền kinh tế trong đại dịch rồi lại tăng lãi suất dồn dập sau đó để chống lạm phát.
Theo tờ Wall Street Journal, khoản lỗ này của Fed là sự bổ sung vào mức thâm hụt ngân sách khổng lồ của Chính phủ liên bang và đòi hỏi Bộ Tài chính Mỹ phải phát hành nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ hơn để bù đắp. Tình trạng thua lỗ của Fed có thể tiếp tục chừng nào lãi suất ngắn hạn còn duy trì gần mức cao hiện nay. Điều đó có thể dẫn tới một cuộc tấn công chính trị nhằm vào Fed, dù cho tới hiện tại chưa có dấu hiệu nào về một cuộc tấn công như vậy.
Theo báo cáo tài chính 2023 chưa được kiểm toán của Fed công bố cách đây ít hôm, Fed phải trả lãi cho các khoản tiền gửi và chứng khoán của các định chế tài chính gửi tại Fed nhiều hơn so với số tiền lãi mà Fed thu được từ số chứng khoán mà Fed đã mua trước đây - khi lãi suất còn ở mức thấp. Đó là do từ năm 2022-2023, Fed nâng 5,25 điểm phần trăm lãi suất ngắn hạn - tức lãi suất quỹ liên bang - lên mức 5,25-5,5%, cao nhất hơn 2 thập kỷ, và duy trì cho tới nay.
Việc thua lỗ không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của Fed và Fed cũng không phải đề nghị Bộ Tài chính Mỹ bơm tiền. Không giống như các cơ quan liên bang khác, Fed không phải tới Quốc hội để xin bù đắp thua lỗ. Thay vào đó, với thua lỗ phát sinh vào năm 2022, Fed viết một hoá đơn nợ (IOU) gọi là “tài sản hoãn dụng” (deferred asset).
Theo luật của Mỹ, Fed phải chuyển lợi nhuận có được, sau khi trừ chi phí hoạt động, tới Bộ Tài chính Mỹ. Trong lịch sử của mình, Fed hầu như năm nào cũng lãi. Nhưng Fed đã lỗ trong năm 2022 và thua lỗ tăng thêm trong năm 2023, đồng nghĩa thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ trở nên lớn hơn so với trường hợp Fed tiếp tục lãi như trước đây.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Fed chuyển 76 tỷ USD tiền lãi cho Bộ Tài chính. Sau đó, Fed bắt đầu lỗ và kết thúc năm với lượng tài sản hoãn dụng 16,6 tỷ USD. Cho tới năm 2022, trong suốt lịch sử 109 năm, Fed chưa bao giờ ngừng chuyển lãi cho Bộ Tài chính Mỹ trong một khoảng thời gian đáng kể nào.
Năm 2023, mức tài sản hoãn dụng của Fed tăng lên 116,4 tỷ USD, nâng tổng mức tài sản hoãn dụng của 2 năm liên tiếp lên 133 tỷ USD. Khi nào thoát khỏi tình trạng thu lỗ, Fed sẽ bù lại số tài sản hoãn dụng này trước, sau đó mới nối lại việc chuyển tiền lãi tới Bộ Tài chính Mỹ.
Việc khi nào Fed có lãi trở lại tuỳ thuộc vào khi nào Fed hạ lãi suất. Fed hoạch định lãi suất nhằm mục địch giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định, đồng thời kích thích công ăn việc làm trong nền kinh tế chứ không đặt mục tiêu lợi nhuận.
Việc Fed thua lỗ là một “tác dụng phụ” của việc kích cầu kinh tế trong đại dịch Covid-19 thông qua mua vào lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp nhà. Thị giá của các chứng khoán này sụt giảm mạnh sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát vào năm 2022, nhưng Fed không vào sổ các khoản lỗ do thị giá tài sản giảm nếu Fed giữ các chứng khoán đó cho tới khi đáo hạn. Thay vào đó, Fed chủ yếu lỗ vì phải trả lãi nhiều hơn số tiền lãi mà Fed được nhận từ các chứng khoán đó.
Bắt đầu từ tháng 9/2022, tiền lãi qua đêm mà Fed phải trả cho các ngân hàng đối với các khoản tiền gửi tại Fed, còn gọi là dự trữ, và các giao dịch chứng khoán khác mà Fed thực thi để quản lý lãi suất, đã vượt qua thu nhập mà Fed có được từ danh mục chứng khoán trị giá 7,1 nghìn tỷ USD. Danh mục này chủ yếu bao gồm trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng nợ thế chấp nhà mà Fed mua vào trong các chương trình kích cầu hồi 2009-2014 và 2020-2022.
Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục thua lỗ chừng nào còn giữ lãi suất trên 3,5% và bán bớt tài sản trong danh mục - quá trình giảm quy mô bảng cân đối kế toán thường được gọi là thắt chặt định lượng (QT) mà Fed khởi động vào năm 2022.
Tài liệu về các cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed cho thấy trong thập kỷ qua, các quan chức ngân hàng trung ương này đã lo ngại về rủi ro áp lực chính trị nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh và hứng thua lỗ từ danh mục chứng khoán. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, khi Fed đưa lãi suất lên cao và thua lỗ, giới chức Mỹ hầu như chưa đưa ra sự chỉ trích nào.
Trước khủng hoảng tài chính 2007-2009, Fed duy trì một danh mục tương đối nhỏ. Sau đó, lượng nắm giữ trái phiếu của Fed đã tăng bùng nổ và Fed cũng cải cách việc quản lý lãi suất. Trước khủng hoảng, Fed mỗi năm thường chuyển cho 20-30 tỷ USD tiền lãi, tương đương chưa đầy 1,5% thu ngân sách liên bang.
Sau đó, lợi nhuận ròng của Fed tăng mạnh nhờ Fed giữ lãi suất ngắn hạn ở mức thấp trong khi nắm giữ những trái phiếu dài hạn mang lại lợi suất cao hơn. Từ 2012-2021, tỷ trọng tiền lãi mà Fed đóng góp cho Bộ Tài chính thu ngân sách liên bang đã tăng gần gấp đôi. Trong 10 năm đó, Fed chuyển tổng cộng 870 tỷ USD cho Bộ Tài chính Mỹ, bao gồm 109 tỷ USD trong năm 2021.
Theo Vneconomy