Trong nỗ lực chống lại đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các quốc gia hàng đầu thế giới đã vay mượn những khoản tiền kỷ lục. Cuối cùng, thế giới phải đối mặt với mức độ nợ công toàn cầu cao nhất kể từ thời kỳ Thế chiến thứ Hai. Để thoát ra khỏi "cái hố này" là điều không hề đơn giản: Lịch sử chứng minh rằng những vấn đề tương tự chỉ giải quyết được bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Và lần này nhiều khả năng cũng không phải ngoại lệ.

Nợ thế giới so với GDP đã đặt ngưỡng kỷ lục. Đại dịch đã dẫn tới nợ toàn cầu tăng thêm 32 nghìn tỷ USD lên thành 290,6 nghìn tỷ USD theo báo cáo trong năm 2020 mới được công bố của Tổ chức Moody's.
Trên thực tế, trong quý IV/2020, nợ công chiếm 105% GDP, trong khi con số này trước đại dịch chỉ là 88%. Và đây là mức nợ công cao nhất kể từ khi chấm dứt Thế chiến thứ Hai.
Theo dữ liệu của Viện Tài chính quốc tế, nợ thế giới tăng 9% trong năm 2020 và đến cuối năm đã đạt mức 335% GDP toàn cầu. Bên cạnh đó, tốc độ tăng của các khoản nợ tại các nước phát triển cao gấp 1,5-2 lần tốc độ tương ứng của những quốc gia đang phát triển.
Chính sách kích thích tiền tệ và tài khoá đã hỗ trợ một cách tích cực cho xu hướng này. Nếu quan sát những quốc gia riêng lẻ, thì có thể nhận thấy nợ chính phủ hoặc là tiệm cận hoặc là vượt mức tối đa trong lịch sử. Nợ chính phủ của Mỹ tính đến cuối năm 2020 đã đạt mức 120% - đây là mức ngang bằng với tỷ lệ nợ công trong thời kỳ Thế chiến thứ Hai. Còn nợ chính phủ của Nhật Bản đã tăng tới mức 250% GDP trong năm ngoái so với mức 299% GDP vào thời chiến.
Áp lực nợ công hiện nay đang trở thành vấn đề chung trên bình diện toàn cầu. Vấn đề ổn định nợ công, đương nhiên, sẽ là một trong những chủ đề quan trọng nhất của các quốc gia trong thời gian tới.
Tạm thời các ngân hàng trung ương đang giữ mức lãi suất thấp, nên việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài không quá tốn kém. Trong năm 2020, lấy ví dụ, Mỹ đã bỏ ra khoảng dưới 10% tổng nguồn thu ngân sách của mình để phục vụ mục tiêu trả nợ - một con số không hề lớn. Nhưng ngay khi các nền kinh tế hàng đầu bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ của mình, một cuộc khủng hoảng nợ có thể bùng lên trên quy mô toàn cầu. Thế giới còn dư địa 3-4 năm trước khi một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra.
Cuộc khủng hoảng kinh tế mới được dự báo có khả năng sẽ xảy ra trong năm 2025-2026, vào đúng thời điểm khi đa số các nền kinh tế bắt đầu bước ra khỏi đại dịch. Việc lạm phát trên thế giới có xu hướng tăng trong những tháng gần đây – chính là điềm báo cho thấy tương lai của việc chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang rất gần. Điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu hay không là khó đoán định, nhưng để thanh toán những khoản nợ, các chính phủ sẽ phải tăng thuế, kéo theo những tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng và sự gia tăng thu nhập của người dân. Cho nên, kể cả khi không có khủng hoảng, chúng ta vẫn có thể chứng kiến sự trì trệ và gia tăng những vấn đề kinh tế-xã hội tại một số quốc gia trên thế giới.
Những ví dụ tương tự của việc áp lực nợ công gia tăng dẫn tới các hậu quả tàn khốc như thế nào đã từng được lịch sử chứng minh. Đó là cuộc khủng hoảng nợ của các nước Nam Mỹ hồi thập niên 1980, và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2007-2008.
Không dễ gì thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Những con số về nợ công tiếp tục tăng trong năm 2021 với tốc độ phi mã, điều mà có thể theo dõi được thông qua chế độ thời gian thực trên trang USDebtClock. Tạm thời chưa có lý do nào cho thấy quá trình này sẽ dừng lại và tình hình sẽ được cải thiện. Những biến chủng mới của vi-rút corona và các biện pháp phong toả bắt buộc, mà giới kinh doanh sẽ phải tuân thủ, không thể làm cho nợ công giảm.
Tất cả mọi sự chú ý, đương nhiên, đang đổ dồn vào chỉ số nợ công của Mỹ trước tiên. Tổng khối lượng nợ công của quốc gia này gần tiệm cận con số 28,5 nghìn tỷ USD. Đây là một số tiền khổng lồ. Trong trường hợp áp lực nợ tiếp tục gia tăng, vỡ nợ là điều khó tránh khỏi đối với Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Hellen, từng tuyên bố rằng, tình hình này sẽ làm cho cuộc khủng hoảng tài chính càng thêm trầm trọng, đe doạ đến việc làm và các khoản tiết kiệm của người dân Mỹ. Và điều đó lại diễn ra đúng trong bối cảnh Mỹ vẫn còn cần phải phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Mỹ sẽ chạm trần nợ công đúng ngày 31/7/2021: Sau đó sẽ không được vay mượn, con số này sẽ bị đóng băng, và Mỹ chỉ còn trong tay các trái phiếu kho bạc, mà đủ để trang trải các chi phí cơ bản trong vòng hai tháng. Tiếp đến, sẽ không thể thanh toán các khoản nợ của quốc gia, không thể vay nợ ở bất cứ nơi nào, trong khi đó đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Vì thế, trần nợ công sẽ phải được nâng lên, bất chấp nguồn trả nợ sẽ lấy từ đâu.
Mỹ sẽ tăng các khoản nợ của mình vì một lý do đơn giản - ngân sách quốc gia luôn trong tình trạng thâm hụt. Chính phủ Mỹ hàng năm chi nhiều hơn thu, và gần như không có khả năng cắt giảm các khoản chi tiêu của mình. Thiếu tiền để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng sẽ được giải quyết bằng những khoản tín dụng.
Nghịch cảnh ở chỗ Mỹ vẫn còn ở trong tình trạng khá hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Bất chấp khối lượng nợ công của Mỹ rất lớn, nhưng đó không phải là vấn đề đáng ngại, bởi vì khoản nợ này sẽ được tất cả các nước hỗ trợ thanh toán một cách trực tiếp hay gián tiếp - nhờ vị thế thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bởi vậy, trong thời gian tới, sẽ khó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ. Trước tiên, Mỹ vay của Nhật Bản (18% tổng nợ công), Trung Quốc (15%) và Anh (6%). Nói cách khác, chính nhờ các quốc gia này, Mỹ đang có được những lợi ích, sự hỗ trợ to lớn trong đại dịch, và nền kinh tế Mỹ dẫn đầu các nước đang phục hồi mạnh mẽ.
Chỉ những quốc gia có đồng tiền nội tệ được sử dụng làm dự trữ ngoại hối và có vị thế trong hệ thống thương mại toàn cầu mới có thể "sống nhờ" các nước khác mà không cần quá quan tâm tới những hậu quả. Vị thế của khu vực Trung và Đông Âu có lợi hơn so với Mỹ Latinh hoặc châu Á, còn những khu vực dễ tổn thương nhất là châu Phi và vùng Caribe.
Đối với Việt Nam, những rủi ro của một cuộc khủng hoảng nợ công thấp hơn nhiều, bởi vì nợ công của Việt Nam không lớn. Dự kiến nợ công đến hết năm 2021 bằng 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh), nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng 53,2% GDP chưa điều chỉnh). Nhưng đương nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Việt Nam không bị ảnh hưởng trong trường hợp những biến động xảy ra trên thị trường thế giới. Dòng vốn đầu tư chạy ra nước ngoài và tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư sẽ gây áp lực lên đồng nội tệ, kéo theo lạm phát có thể tăng cao và thu nhập thực tế của người dân trì trệ. Nhưng xác suất một cuộc khủng hoảng tài chính đối với Việt Nam, có lẽ, là không cao.
Chỉ khi đại dịch COVID-19 chấm dứt đột ngột nhờ khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua công tác tiêm vác-xin đại trà, và nếu như tất cả các quốc gia trên thế giới cùng trên đà hồi phục, khi đó mới có thể tránh được những rủi ro của cuộc khủng hoảng nợ công. Bên cạnh đó, việc duy trì danh mục nợ tối ưu, chi phí nợ hợp lý và nợ được sử dụng hiệu quả, nghĩa vụ trả nợ đảm bảo, thì việc tăng nợ công có thể là một đòn bẩy hữu hiệu để phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch./.
----------------------
Tài liệu tham khảo
1. https://vz.ru/economy
2. https://vov.vn/kinh-te/rui-ro-no-cong-hien-huu-sau-dai-dich-844407.vov
TS. Nguyễn Quang Huy,
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp