Tỷ trọng sử dụng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch xuyên biên giới đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, khi mối quan hệ gần gũi hơn với Nga thúc đẩy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc quốc tế hóa đồng nội tệ và giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tháng 7/2024, 53% giao dịch xuyên biên giới ra và vào Trung Quốc là giao dịch bằng nhân dân tệ, tăng từ mức khoảng 40% vào tháng 7/2021 - tờ Financial Times dẫn số liệu từ Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) cho biết.
Dữ liệu của SAFE phản ánh các giao dịch chuyển tiền qua biên giới mà các ngân hàng thực hiện cho khách hàng và chủ yếu là thanh toán thương mại. Tuy nhiên, dữ liệu này cũng bao gồm dòng vốn đầu tư và các khoản thanh toán nợ.
Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã nhận được một cú huých sau khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hạn chế khả năng của Nga trong việc giao dịch bằng đồng USD. Tháng 2 năm nay, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina cho biết việc sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để thanh toán, giao dịch tài chính và tiền gửi đã có sự gia tăng mạnh mẽ.
Ông Alexandra Prokopenko, nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie ở Berlin, nhận định: “Lệnh trừng phạt đã tạo ra động lực rất lớn để Trung Quốc phát triển hệ thống tài chính của nước này và phát triển các giải pháp nhằm liên kết hệ thống của Trung Quốc với hệ thống của Nga”.
Tăng trưởng của các giao dịch thương mại thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cũng được hỗ trợ bởi các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mà Trung Quốc đã mở hoặc gia hạn trong năm 2023 với các nước gồm Saudi Arabia, Argentina và Mông Cổ - tất cả những nước sản xuất hàng hóa mà Trung Quốc muốn mua. Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), từ năm 2022 đến nay, các ngân hàng thanh toán mới cho nhân dân tệ cũng đã được thành lập ở Lào, Kazakhstan, Pakistan, Brazil và Serbia.
Theo một số nhà phân tích, một lý do khiến Trung Quốc giữ tỷ giá hối đoái với đồng USD ổn định trong năm nay bất chấp áp lực bán ra đồng nhân dân tệ là nhằm khuyến khích các đối tác thương mại của nước nàygiao dịch nhiều hơn bằng nhân dân tệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi một đồng nội tệ mạnh.
“Bạn không thể đến Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc và nói: ‘Này, hãy giao dịch bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD’ trong khi nhân dân tệ đang là một đồng tiền yếu. Để đạt được điều đó, bạn cần phải có một đồng tiền ổn định”, chuyên gia Louis-Vincent Gave của Gavekal - một công ty dịch vụ tài chính - phát biểu.
Những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã chững lại sau khi PBOC phá giá đồng tiền vào năm 2015 để chống lại sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Động thái đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc nhưng dẫn đến sự sụt giảm đáng kể việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán mà nước này phải mất nhiều năm mới có thể đảo ngược.
Giáo sư Edwin Lai thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận định việc các nền kinh tế lớn như Trung Quốc giải quyết phần lớn giao dịch bằng đồng tiền của họ là điều “bình thường”. “Theo tiêu chuẩn quốc tế, đó không phải là một thành tựu to lớn”, ông nói và cho rằng Bắc Kinh không muốn cạnh tranh với đồng USD nhưng “không muốn phụ thuộc” vào đồng bạc xanh.
Trên phạm vi toàn cầu, đồng nhân dân tệ vẫn đứng thứ hai với một khoảng cách lớn sau đồng USD về cho vay thương mại. Theo dữ liệu gần đây nhất từ mạng thanh toán quốc tế Swift, đồng tiền này cũng mới chỉ chiếm 4,74% thanh toán toàn cầu, sau đồng USD, euro và bảng Anh.
Tuy nhiên, theo bà Lucy Ingham - Tổng biên tập của FXC Intelligence, một công ty tư vấn theo dõi thanh toán kỹ thuật số, các hệ thống thanh toán thay thế như CIPS của Trung Quốc và các mạng tư nhân khác khiến việc dựa vào Swift để đưa ra bức tranh đầy đủ về các giao dịch tiền tệ toàn cầu trở nên kém tin cậy hơn.
Dù vậy, dư địa để tăng thêm tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong tài chính thương mại toàn cầu có thể bị hạn chế do phương Tây không muốn giao dịch bằng đồng tiền này.
Giáo sư Daniel McDowell thuộc Đại học Syracuse, một thành viên cấp cao của Hội đồng Atlantic, phát biểu: “Rất khó có chuyện thương mại của Trung Quốc với Mỹ, hay với Liên minh châu Âu (EU) chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ”.
Những trở ngại lâu dài đối với việc sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ - đặc biệt là các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc và các hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ hỗ trợ việc sử dụng đồng USD - đã hạn chế tiến trình này bên ngoài thanh toán thương mại.
Ông Wee Khoon Chong, chiến lược gia thị trường cấp cao tại ngân hàng BNY ở Hồng Kông, cho biết hầu hết các nhà giao dịch ngoại hối vẫn thích giao dịch bằng USD. “Từ cơ sở khách hàng của mình, chúng tôi nhận thấy hoạt động thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ngày càng tăng”, ông Wee nói, nhưng cho biết việc sử dụng đồng tiền này vẫn chưa đạt đến “bước ngoặt quan trọng” tới mức có thể thể thay thế một đồng tiền chủ chốt.
Ông McDowell cho rằng Trung Quốc “không tìm cách lật đổ sự thống trị toàn cầu của đồng USD”. “Điều đó đi kèm với rất nhiều trách nhiệm và phải chấp nhận một số lỗ hổng nhất định… Động cơ của Trung Quốc ở đây chủ yếu là về quyền tự chủ và sự vững vàng”, ông nói.
Theo Vneconomy