TTXVN giới thiệu bài viết về Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Trung Quốc về Kinh tế Thương mại của ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 Ủy ban Hợp tác Kinh tế-Thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Trong thời gian từ ngày 28/9 đến 2/10 sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Trung Quốc về Kinh tế Thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
TTXVN giới thiệu bài viết của ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế xung quanh vấn đề này.
Những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường.
Cho đến nay, Bộ Công Thương là cơ quan ký kết nhiều cơ chế hợp tác nhất với các tỉnh và địa phương của Trung Quốc, bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, khu vực và đa phương có sự tham gia của hai nước.
Điều này có ý nghĩa thực tế và hiệu quả nhất về kinh tế thương mại giữa hai nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và trên thế giới.
Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và người đồng cấp Trung Quốc.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh hợp tác kinh tế-thương mại tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc.
Tăng trưởng thương mại song phương ở mức 2 con số
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có các buổi hội đàm song phương với phía Trung Quốc. Tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ: Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu lối mở tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương. Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển, cùng với xu hướng đẩy mạnh kinh tế số và thương mại điện tử, đặt ra những khó khăn, thách thức cho cả hai nước trong các lĩnh vực như gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.