Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 và cảnh báo rằng các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á-Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng vào hàng thấp nhất trong 5 thập kỷ trở lại đây, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ và mức nợ cao trở thành chướng ngại vật đối với tăng trưởng.
Dự báo ảm đạm về kinh tế khu vực năm 2024 phản ánh mối lo ngại gia tăng về tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và khả năng sự giảm tốc này lan ra các nước láng giềng. Đối với năm 2023, Chính phủ Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
TĂNG TRƯỞNG SUY YẾU, ÁP LỰC CẢI CÁCH GIA TĂNG
Trong lần dự báo này, WB cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 4,4% trong năm 2024, giảm 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo mà định chế có trụ sở ở Washington DC đưa ra hồi tháng 4. WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay ở mức 5,1%.
WB cũng hạ dự báo tăng trưởng 2024 đối với các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á-Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc còn 4,5%, từ mức 4,8% đưa ra trong lần dự báo trước. Đây sẽ là một sự giảm tốc đáng kể từ mức tăng trưởng 5% mà khu vực này được WB dự báo đạt trong năm 2023.
Dự báo mới nhất của WB cho thấy Đông Á-Thái Bình Dương, một trong những đầu tàu tăng trưởng chính của thế giới, sẽ đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuối thập niên 1960 nếu không tính đến những cú sốc lớn như đại dịch Covi1-9, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, và cú sốc dầu lửa thập niên 1970.
Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo, nhận định sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu Covid đã không bền vững và mạnh mẽ như kỳ vọng trước đó của giới chuyên gia kinh tế. WB nhấn mạnh việc doanh thu bán lẻ ở nước này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch, giá nhà vẫn giảm, nợ của các hộ gia đình tăng lên, và đầu tư của khu vực tư nhân ảm đạm.
Vị chuyên gia cảnh báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á-Thái Bình Dương sẽ còn đuối trừ phi các chính phủ, bao gồm Chính phủ Trung Quốc, bắt tay vào cải cách sâu hơn đối với lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, việc dịch chuyển khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào bất động sản và đầu tư đã cho thấy là một thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này.
“Tại một khu vực vốn dĩ đã phát triển nhờ thương mại và đầu tư vào sản xuất, chìa khoá quan trọng tiếp theo cho tăng trưởng sẽ đến từ cải cách khu vực dịch vụ để thúc đẩy cuộc cách mạng số”, ông Mattoo nói.
Nhu cầu toàn cầu suy yếu đang ảnh hưởng rõ rệt đến các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á-Thái Bình Dương. Xuất khẩu hàng hoá của Indonesia và Malaysia đã giảm 20%, và của Trung Quốc và Việt Nam đã giảm hơn 10% trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ của hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ cùng tăng, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế càng xấu thêm.
ẢNH HƯỞNG TỪ CHÍNH SÁCH MỚI CỦA MỸ
Ngoài ra, theo WB, triển vọng kinh tế xấu đi còn phản ánh rằng khu vực này, không riêng gì Trung Quốc, bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các chính sách công nghiệp và thương mại mới của Mỹ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật Chip và Khoa học (Chips).
Trong nhiều năm, quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cộng thêm việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc, đã làm lợi cho nhiều nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á-Thái Bình Dương thông qua việc đẩy đơn hàng về phía các nước này, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với sự ra đời của hai đạo luật IRA và Chips vào năm 2022 - các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất ở Mỹ và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc - các nền kinh tế Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nhiều. Xuất khẩu những mặt hàng bị ảnh hưởng bởi hai đạo luật trên từ các nước này sang Mỹ đã giảm.
“Khu vực này đã hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhờ sự chuyển hướng đến của thương mại, nhưng bây giờ, khu vực này đang phải đối mặt với sự chuyển hướng đi của thương mại”, ông Mattoo nhận định.
Theo WB, xuất khẩu hàng điện tử và máy móc từ Trung Quốc và từ các nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan đều giảm sau khi các chính sách mang màu sắc bảo hộ của Tổng thống Joe Biden được triển khai. Ngược lại, thương mại giữa Mỹ với một số quốc gia khác như Canada và Mexico - là những nước được miễn yêu cầu về hàm lượng nội địa hoá liên quan đến chính sách trợ cấp của Mỹ - không giảm.
“Đối xử thương mại theo những quy định này có sự phân biệt nhằm vào các quốc gia không được miễn quy định về hàm lượng nội địa hoá”, ông Mattoo nhấn mạnh.
Lo ngại về các chính sách mới này của Mỹ, các nước Đông Nam Á đã bắt đầu có hành động. Doanh nghiệp Indonesia đã chỉ trích việc các khoáng sản quan trọng của nước này không được hưởng gói trợ cấp của Mỹ dành cho công nghệ xanh, gọi đây là một sự loại trừ “không công bằng”.
Indonesia là quốc gia sở hữu trữ lượng lớn nhất thế giới nickel, khoáng sản quan trọng đối với sản xuất pin xe điện. Nước này đang cố gắng đàm phán với Mỹ một điều khoản để khoáng sản mà nước này xuất khẩu sang Mỹ được đối xử tương tự như khoáng sản từ Canada và Mexico.
Theo Vneconomy