1. Tìm đường cứu nước cứu dân, nặng lòng yêu nước thương dân; lăn lộn trong thực tiễn lao động, học tập và tranh đấu; vượt qua mọi gian lao khó nhọc, thử thách hiểm nghèo nơi chốn lao tù với ý chí và niềm tin mãnh liệt; bằng nghị lực phi thường và lòng dũng cảm vô song, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã thấy đường, chọn đường và trở thành người dẫn đường cách mạng cho dân tộc đi đến mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là “đường cách mệnh”, “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Con đường ấy không chỉ giải phóng mà còn phát triển, đưa dân tộc ta từ nô lệ tới tự do, từ mất nước tới độc lập, vượt qua đói nghèo, lạc hậu, đi tới bến bờ ấm no, hạnh phúc.
Một sự nghiệp vĩ đại như vậy, muốn thành công, làm cách mạng đến nơi, tức là triệt để, những người cách mạng không chỉ cần giác ngộ lý tưởng, có lý luận khoa học tiên phong dẫn đường, làm kim chỉ nam cho hành động mà còn cần có đạo đức, trước hết là đạo đức trong sáng, dấn thân, hy sinh vì nước, vì dân.
Viết tác phẩm lý luận “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc lại trước hết nói về “Tư cách một người cách mệnh” là vì vậy. Người gắn chặt tư tưởng lý luận với đạo đức; nhấn mạnh phẩm chất đầu tiên của người cách mạng là “cần kiệm”. Đó là cơ sở của “Liêm”, của “Chính”. Hai yêu cầu nổi bật trong tư cách của người cách mệnh là “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”. “Tư cách”, trong tư tưởng của Người, đó là đạo đức và rộng hơn là nhân cách. Rõ ràng, chủ kiến đạo đức của Người hình thành từ rất sớm và trong hành trình tư tưởng, trong cuộc đời và sự nghiệp của Người, chủ kiến này ngày càng nổi bật, nhất quán từ tư tưởng đến hành động, nhất quán giữa lời nói với việc làm...
Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là tư tưởng đạo đức; hoạt động thực tiễn Hồ Chí Minh, trong đó nổi bật là thực hành lý luận, thực hành đạo đức, nêu gương đạo đức, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi, suốt đời không màng danh lợi đã làm cho di sản Hồ Chí Minh-thời đại Hồ Chí Minh mà Người để lại cho muôn đời sau thật cao thượng và vĩ đại.
Không ai nói nhiều, viết nhiều về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng như Hồ Chí Minh. Cũng không ai nói về chữ "Liêm" của cán bộ, đảng viên-từ đảng viên thường đến cán bộ có chức có quyền-một cách cặn kẽ và sâu sắc như Hồ Chí Minh. Có thể kể đến các tác phẩm như: “Đường kách mệnh” (năm 1927); “Đời sống mới” (tháng 3-1947); “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947); Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (tháng 6-1948); “Cần kiệm liêm chính” (tháng 6-1949); bài báo “Dân vận” tháng 10-1949. Năm 1958, Người viết tác phẩm "Đạo đức cách mạng" về chống chủ nghĩa cá nhân. Nhân dịp Đảng ta 39 tuổi, ngày 3-2-1969, Người viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Trong bản "Di chúc" thiêng liêng, Người chỉ rõ: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch". Đảng cầm quyền phải thật trong sạch để thật vững mạnh; cán bộ, đảng viên phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính để nêu gương cho quần chúng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Người còn nói về đạo làm tướng, về người lãnh đạo phải ra sức đề cao trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm đạo đức, thực hành đức Liêm, đức Chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960). Ảnh tư liệu.
2. Những chỉ dẫn của Người về chữ "Liêm" của cán bộ, thực hành chữ "Liêm" để gây đời sống mới, trước hết là cán bộ, đảng viên trong Đảng, công chức, nhân viên nhà nước để làm người trong sạch, để xứng đáng với sự tin cậy của dân, trải qua mấy thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị. Vậy Liêm là thế nào?
Người nói rõ chữ "Liêm" trong tác phẩm “Đời sống mới”. Thực hành chữ "Liêm" là việc mỗi công chức, viên chức-những đầy tớ của dân-phải thường xuyên chú trọng, phải tự mình đề phòng và vượt qua nguy cơ thoái hóa, hư hỏng. Người cảnh tỉnh: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.
Khởi đầu của Liêm là Cần và Kiệm. “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Lười biếng, vô trách nhiệm đối lập với cần cù, chăm chỉ, tận tụy, chẳng những là kém đạo đức mà còn là bất liêm, là phụ lòng tin của Chính phủ, của nhân dân.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, đồng thời cảnh báo nguy cơ rơi vào bất liêm: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, có Cần, có Kiệm mới có Liêm. Có Liêm mới có Chính. Có đủ cả cần, kiệm, liêm, chính mới là người hoàn toàn. Thiếu một đức thì không thành người. Song ở đời thì “nhân vô thập toàn”. Ai cũng có cái hay, cái dở, cái tốt và cái xấu. Vậy muốn trở nên hoàn toàn thì phải rèn đạo đức suốt đời, phải suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân là giặc ở trong lòng.
Giải thích cặn kẽ chữ "Liêm", trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nêu lên các yêu cầu: Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa, nghĩa là không thoái hóa, biến chất, không bị tha hóa.
Người xác định, cán bộ, đảng viên, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên phải xây dựng lối sống chân chính, lựa chọn giá trị sống cho đúng: “Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.
Chữ "Liêm" không chỉ hiện diện trong “Cần, kiệm, liêm, chính” mà còn trong “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”, đủ thấy đức Liêm cần thiết và quan trọng như thế nào trong đạo làm người.
Đến tác phẩm “Cần kiệm liêm chính”, Hồ Chí Minh giảng giải, phân tích thật sâu sắc và hệ thống về chữ "Liêm", về đức liêm chính, liêm trung của người cán bộ. Đáng lưu ý là ở chỗ, ai cũng cần rèn luyện để thành liêm và ai cũng đứng trước nguy cơ rơi vào bất liêm, không chỉ cán bộ mà cả mỗi người dân, nếu không chịu khó tự tu dưỡng, tự đấu tranh với chính mình. Người chỉ dẫn những lời thấm thía:
Sau khi làm rõ nghĩa LIÊM và BẤT LIÊM, Hồ Chí Minh đề ra giải pháp rất thiết thực cho việc thực hành chữ "Liêm" và chống mọi hành vi bất liêm. “Cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên”. Người đặc biệt nhấn mạnh: “... Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân".
Người còn nói đến trách nhiệm của dân trong việc giữ chữ "Liêm" cho cán bộ: “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM".
Hồ Chí Minh đòi hỏi “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Người thức tỉnh lương tâm, danh dự của mỗi người, phải tự ý thức rằng “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Và Người tin rằng: “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ".
Những chỉ dẫn trên của Người vừa mang ý nghĩa giáo dục, thức tỉnh, cảnh tỉnh, vừa mang tính chất một thông điệp đạo đức từ trong Đảng, Nhà nước đến toàn xã hội, mãi mãi còn giá trị.
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
Theo qdnd.vn