Tư tưởng Hồ chí Minh về phát triển kinh tế
Đồng chí Phạm Ngọc Phương
Phó Vụ trưởng, Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm trước hết và chủ yếu là kết quả vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời còn là kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế là một bộ phận hợp thành của tư tưởng Hồ Chí Minh tạo thành một thể thống nhất của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức và con người.
Ảnh tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành tư tưởng của Người về con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế được thể hiện trong số quan điểm sau:
Thứ nhất, quan điểm xác định con người là động lực quan trọng nhất của xây dựng và phát triển kinh tế.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng. Hồ Chí Minh không bao giờ xem xét con người một cách trừu tượng mà luôn xuất phát từ hoàn cảnh con người hiện thực cụ thể trong các quan hệ xã hội với nhiều bình diện, nhiều chiều khác nhau. Có thể khẳng định: cách tiếp cận cơ bản nhất của Hồ Chí Minh vẫn là đặt con người trong mối quan hệ với cộng đồng dân tộc.
Con người là một chỉnh thể thống nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn quan niệm con người, trong cấu trúc nhân cách, là một hệ thống bao gồm tổng hoà nhiều yếu tố hợp thành như: thể xác và tâm hồn, thể lực và trí tuệ, cái sinh vật và cái xã hội…"Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời"[1]… Cách quan niệm như thế cho phép Hồ Chí Minh đạt tới cái nhìn toàn diện về con người, là cơ sở để Người hiểu, cảm thông, lo lắng cho con người.
Theo Hồ Chí Minh, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng đời sống mới, tiến lên xã hội chủ nghĩa đều phải bắt đầu từ vốn con người, từ việc phát huy nhân tố con người. Đồng thời vai trò của quần chúng nhân dân là rất quan trọng, Người viết: "Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng… Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên"[2].
Thứ hai, quan điểm về mục tiêu và con đường phát triển kinh tế của nước ta
Sau khi giành lại độc lập, toàn bộ sức mạnh và ý chí của nhân dân ta từ mục tiêu đấu tranh cho độc lập, tự do được chuyển sang đấu tranh cho mục tiêu ấm no, hạnh phúc, bởi như Hồ Chí Minh từng nói: "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ"[3].
Người nói: "Tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân"[4]. Phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân, đó là mục tiêu, đồng thời cũng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị của mỗi chính sách, biện pháp kinh tế của chúng ta.
Theo Người, "chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh"[5], vì vậy, phải đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế "làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm"[6].
Như vậy, ở Hồ Chí Minh, quan điểm về mục tiêu thống nhất với quan điểm về động lực, vì mục đích kinh tế là phục vụ nhân dân nên phải dựa vào dân, biết phát huy sức người, sức của, tinh thần làm chủ của dân để làm cho sản xuất phát triển. Người nói: "Đảng và Nhà nước ta dùng lực lượng của nhân dân để xây dựng cho nhân dân một đời sống ngày càng sung sướng. Đó là chủ nghĩa xã hội"[7]. Như vậy nhân dân là gốc và vừa là mục tiêu, vừa là động lực của kinh tế.
Thứ ba, quan điểm về cơ cấu của nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến mối quan hệ giữa các yếu tố hợp thành của nền kinh tế quốc dân. Người đã có ý kiến về cơ cấu của hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực kinh tế: từ cơ cấu kinh tế của cả nước đến cơ cấu kinh tế của từng ngành, cơ cấu vùng (đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển), cơ cấu kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, kinh tế trong nước và hợp tác kinh tế với nước ngoài – tức là quan hệ giữa xuất và nhập, giữa tự lực cánh sinh với tranh thủ viện trợ hợp tác với nước ngoài.
Người cũng chỉ rõ do chỗ bắt đầu đi lên của ta là nông nghiệp, nên trước mắt chúng ta phải lấy nông nghiệp làm chính, tức là theo cơ cấu nông – công nghiệp. Nhưng nông nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh, có sản phẩm dồi dào khi mà ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi, mà muốn có nhiều máy thì "phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta."[8].
Không chỉ nông nghiệp và công nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất xem trọng vai trò của lưu thông hàng hóa và thương nghiệp đối với việc thúc đẩy sản xuất phát triển, xem đây như một bộ phận cơ bản hợp thành cơ cấu vận động của nền kinh tế. Người nói: "phải hiểu rõ trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau... Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc"[9].
Tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ cấu các thành phần kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ thể hiện quan điểm xuyên suốt là: Tập trung phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ tác động biện chứng với phát triển công nghiệp thông qua việc mở rộng sản xuất và lưu thông hàng hóa, hết sức chú trọng sản xuất lương thực và gắn bó hài hòa nó với sản xuất thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu nhằm tận dụng lợi thế so sánh trong nước và tranh thủ các yếu tố ngoài nước để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển. Đối với kinh tế địa phương cũng tập trung vào thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để phát triển đảm bảo nguyên tắc hiệu quả.
Thứ tư, quan điểm về các hình thức sở hữu, các thành phần và cơ cấu các thành phần kinh tế của nền kinh tế.
Tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh về các hình thức sở hữu và kinh tế nhiều thành phần được thể hiện rõ nhất trong hai tác phẩm là "Thường thức chính trị" ( năm 1953) và "Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp Thứ 11 Quốc Hội Khóa I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" ( năm1959). Theo đó, Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và chỉ ra các loại hình kinh tế, các hình thức sở hữu khác biệt, nhưng được cố kết lại thành một chỉnh thể kinh tế – xã hội quá độ trong quá trình vận động. Đặc biệt, khi sự tồn tại của các thành phần kinh tế khác nhau vẫn còn là một tất yếu khách quan và có vai trò nhất định đối với sự phát triển của nền kinh tế thì cần phải tiếp tục sử dụng, phát triển chúng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phải thực hiện "chế độ dân chủ mới". "Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau"[10].
Hồ Chí Minh cũng có quan điểm khách quan với kinh tế tư bản tư nhân trong nước vì nhìn thấy đặc điểm riêng của giai cấp tư sản Việt Nam. Đó là "giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước", cho nên, "nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội"[11]. Bên cạnh đó, Người cũng rất quan tâm đến việc làm ăn, phát triển kinh tế, đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam: "Các bạn, người buôn bán, kinh doanh, tiểu thương, tiểu chủ, công nhân và trí thức, đã chung sống với nhân dân Việt Nam. Các bạn đã khai cơ lập nghiệp ở Việt Nam. Những hoạt động chính đáng về kinh tế và văn hóa của các bạn cũng có lợi cho Việt Nam. Vì vậy tôi khuyên các bạn: Các bạn cứ yên lòng làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ các bạn"[12].
Thừa nhận sự tồn tại khách quan, lâu dài của các thành phần kinh tế không xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng suốt những quan điểm mácxít của Hồ Chí Minh trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kỳ quá độ. Mặt khác với đường lối xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Hồ Chí Minh đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc có liên minh công nông trí thức làm gốc cùng tiến vào thời kỳ mới của dân tộc – xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoàn thành khát vọng của dân tộc: Độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc cho toàn dân.
Thứ năm, quan điểm phát triển kinh tế phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiến bộ xã hội, văn hóa và đạo đức
Gắn bó kinh tế với chính trị, xã hội, văn hóa và đạo đức con người là một trong những quan điểm rất cơ bản của tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh. Chính trị chỉ đạo kinh tế, kinh tế phát triển sẽ củng cố cho nền tảng chính trị bền vững. Nhưng kinh tế phát triển cũng có thể dẫn tới phá vỡ, gây mất cân đối giữa kinh tế với văn hóa, kinh tế với tiến bộ xã hội – đạo đức, kinh tế với môi trường tự nhiên, v.v. Hồ Chí Minh rất nhạy cảm với các vấn đề này nên trong chỉ đạo phát triển kinh tế, Người không chỉ nói một mặt, nhấn mạnh một chiều mà luôn luôn có sự kết hợp, nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa giữa kinh tế với tiến bộ xã hội và đạo đức con người.
Hồ Chí Minh chỉ rõ trong công cuộc kiến thiết nước nhà thì bốn vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phải chú ý, coi trọng ngang nhau, trong đó "văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng…, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục... Văn hóa phải gắn liền với lao động, sản xuất"[13]. Theo Người: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị"[14].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ: tăng cường xây dựng văn hóa chính là để thực hiện nhiệm vụ cơ bản là phát triển kinh tế. Việc xây dựng kinh tế phát triển đất nước trông chờ rất lớn vào việc xây dựng văn hóa nhằm tạo ra động lực tinh thần lớn mạnh. Người viết: "Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ… cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"[15]. Đồng thời, cũng theo quan điểm của Người, một mặt, phát triển kinh tế là nền tảng để xây dựng văn hóa, nhưng mặt khác, văn hóa có tính độc lập tương đối của nó. Văn hóa không phụ thuộc một cách máy móc vào điều kiện sinh hoạt vật chất, vào mức sống, mà có khi cách mạng tư tưởng - văn hóa phải đi trước một bước để dọn đường cho cách mạng công nghiệp, theo tinh thần văn hóa soi đường cho quốc dân đi.
Bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, sản xuất trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, vì vậy mà tất cả phục vụ sản xuất. Đồng thời, Người cũng cho rằng mỗi người cần nhận rõ: "Lao động là một nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tuỳ khả năng mình mà tự nguyện tự giác tham gia lao động, góp phần xây dựng nước nhà"[16]. Theo Hồ Chí Minh, góp sức cho sản xuất phát triển phải trở thành thước đo đạo đức và ý chí cách mạng của mỗi người, và Người yêu cầu "kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất"[17]. Cùng với đó Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm nâng cao tinh thần tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân, tuy nhiên Người cho rằng: "Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái ngược với lợi ích của tập thể, thì không phải là xấu,... Lợi ích chung của tập thể được đảm bảo bằng lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn"[18].
Qua đó, ta thấy Hồ Chí Minh rất chú ý đến vai trò của nhân tố lợi ích trong kinh tế, đồng thời luôn lấy đạo đức của người chủ tập thể để điều chỉnh kịp thời các xung đột lợi ích, tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, sao cho nhà nước, hợp tác xã và xã viên đều có lợi.
Thứ sáu, quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đồng thời với mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển kinh tế là một tư tưởng lớn và nhất quán của Hồ Chí Minh. Người cho rằng: "sự tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường"[19].
Sau Cách mạng tháng Tám, quan điểm hợp tác kinh tế quốc tế lại được Hồ Chí Minh khẳng định: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn"[20] và "sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thực thà"[21].
Ngay từ tháng 12/1946, trong lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc, Người đã tuyên bố chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên tất cả các lĩnh vực nói chung và kinh tế nói riêng. Theo đó, với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: "nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…"[22].
Quan điểm phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh quán triệt và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, hợp tác kinh tế quốc tế bao gồm những nội dung rất rộng, phải định hướng và tuân thủ các nguyên tắc nhất định.
Trước hết, tự lực, tự cường, xây dựng tiềm lực trong nước là điều kiện để mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Theo Người, độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam, "phương châm của ta hiện nay là: Tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta. Song nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà đâm ra ỷ lại"[23].
Ở đây, ta có thể thấy Hồ Chí Minh đã xác định đúng vị trí và giải quyết chính xác phép biện chứng về mối quan hệ giữa nhân tố bên trong và bên ngoài, giữa nội lực và ngoại lực trong xây dựng và phát triển kinh tế; nhân tố bên trong, nội lực là chính, là quyết định; còn nhân tố bên ngoài, ngoại lực là phụ, nhưng lại rất cần thiết và quan trọng. Độc lập về chính trị chỉ có thể được củng cố vững vàng trên cơ sở một nền kinh tế độc lập tự chủ đáp ứng được các nhu cầu bên trong và đủ sức giao lưu với bên ngoài nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân. Nếu sản xuất yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu trong nước, phải phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài thì trước sau cũng dẫn đến bị phụ thuộc về chính trị, không bảo vệ được độc lập và chủ quyền dân tộc.
Tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng những quan điểm cơ bản, vô cùng súc tích và tinh tế về đường lối chiến lược phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và là một phương pháp luận mẫu mực về tư duy kinh tế. Cách trình bày của Người hết sức giản dị và thiết thực, dễ đi vào lòng người vì nó xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng bức thiết của người dân, phù hợp với điều kiện của một nước từ nông nghiệp lạc hậu quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là sự vận dụng nhuần nhuyễn, sinh động và sáng tạo kiến thức của nhân loại vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, chính vì vậy, nó vừa có ý nghĩa về lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn.
Đất nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng, cạnh tranh diễn ra trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt thì tư tưởng của Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng kinh tế nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam soi sáng con đường đi tới thắng lợi ngày càng to lớn hơn của cách mạng nước ta.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.15, tr. 672. Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách "Người tốt, Việc tốt", ngày 7-6-1968
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.5, tr. 333. Sửa đổi lề lối làm việc, 10/1947
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.4, tr. 175 Bài phát biểu đầu tiên tại cuộc họp đầu tiên của Ủy Ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.13, tr. 164 Bài nói tại Hội nghị lần thứ năm của BCHTW Đảng Khóa III
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.10, tr. 390 Nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III, và Hội nghị sư phạm 7-1956
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.4, tr. 81 Trong nguyên bản không đề ngày tháng. Có thể đây là những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên (20-2-1947)
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.13, tr. 432. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn Miền Bắc ngày 13-8-1962
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.12, tr. 445. Bài viết Con đường phía trước, đăng báo Nhân Dân số 2134 ngày 20-01-1960
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.10, tr. 335 Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất 6/1956
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.8, tr. 293-294. Thường thức chính trị 1953
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.10, tr.391. Bài nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III và Hội nghị sư phạm
[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.9, tr.80. Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng 10-10-1954 đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến 10/10/1954
[13] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.12, tr. 470. Bài nói tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng 11-02-1960
[14] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.7, tr. 246. Thư gửi các họa sỹ nhân dịp triển lãm hội họa 1951
[15] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.10, tr. 458-459. Thư gửi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ 21-12-1956
[16] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.10, tr. 545. Lời kêu gọi nhân dịp 1-5 đăng trên báo Nhân dân số 1150, ngày 01-5-1957
[17] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.13, tr. 68. Bài nói chuyện "Xây dựng những con người của Chủ nghĩa xã hội" tại Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc giữa tháng 3-1961
[18] Hồ Chí Minh Toàn tập, tlđd, t.11, tr. 610. Bài viết Đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập số 12 năm 1958
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.1, tr. 14. Vấn đề dân bản xứ, Báo L'Humanité, ngày 2-8-1919.
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.6, tr. 44. Trả lời điện phỏng vấn của Ông Walter Briggs
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.6, tr. 46. Trả lời điện phỏng vấn của Ông Walter Briggs
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.4, tr. 523. Lời kêu gọi Liên hợp quốc
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tlđd, t.10, tr. 56-57. Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc mít tinh ở Quảng trường Thụy Khê chào mừng Đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi thăm Liên Xô và Trung Quốc trở về, 23-7-1955