Dự kiến kinh phí được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu trong báo cáo đánh giá tác động lên nguồn ngân sách và Quỹ Bảo hiểm xã hội khi bổ sung một số chế độ trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Theo dự luật, người già từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu lẫn trợ cấp hàng tháng sẽ được ngân sách nhà nước chi trả hàng tháng, cùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí. Quy định hiện nay phải từ 80 tuổi mới được nhận. Mức trợ cấp do Chính phủ quy định tùy từng thời kỳ, nhà nước khuyến khích địa phương cân đối ngân sách trong khả năng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm.
Nếu mức trợ cấp hàng tháng 360.000 đồng như hiện hành, kinh phí dự kiến giai đoạn 2025-2030 là 20.500 tỷ đồng chi trả trợ cấp và 1.000 tỷ đồng thẻ BHYT miễn phí. Nếu nâng mức trợ cấp lên 500.000 đồng mỗi tháng, ngân sách nhà nước chi trả tăng lên 30.000 tỷ đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ước tính 800.000 người cao tuổi được thụ hưởng chính sách khi luật có hiệu lực, tháng 7/2025. Dự kiến cả nước có 1,24 triệu người già 75-80 tuổi vào năm 2025, tăng lên 1,31 triệu năm 2030.
Dự luật bổ sung trợ cấp thai sản một lần 2 triệu đồng cho lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện khi sinh con. Số tiền này bằng với khoản nhà nước đang hỗ trợ phụ nữ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con.
Cơ quan soạn thảo ước tính 80.700 trẻ em được thụ hưởng chính sách vào năm 2025, đến năm 2030 là 138.000 trẻ. Ngân sách chi trả dự kiến cả giai đoạn 2025-2030 hơn 1.200 tỷ đồng.
tỷ đồngDự kiến ngân sách chi trả cho các chính sách bổ sungGiai đoạn tháng 7/2025 - 20301 7231 7233 5493 5493 6563 6563 7653 7653 8783 8783 9953 9958181180180200200223223248248276276202202404404404404404404404404404404Trợ cấp hưu trí 360.000 đồng/thángThai sản BHXH tự nguyệnThai sản lao động Nhà nước202620282030050010001500200025003000350040004500Nguồn Molisa
Luật sửa đổi đồng thời bổ sung chế độ ốm đau, thai sản với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Khoảng 88.000 người thuộc nhóm này đang đóng BHXH bắt buộc song mới được hưởng hai chế độ hưu trí, tử tuất. Nhà nước sẽ phải chi ngân sách để đóng vào Quỹ Ốm đau thai sản nhằm thực hiện chế độ bổ sung. Dự kiến kinh phí phát sinh khoảng 62 tỷ đồng mỗi năm.
Với đề xuất bổ sung người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố vào diện đóng BHXH bắt buộc, thay vì ở khu vực tự nguyện như luật hiện hành (khoảng 270.400 người), ngân sách nhà nước dự kiến chi thêm 332 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, tổng cộng ngân sách nhà nước chi trả giai đoạn 2025-2030 cho các nhóm chính sách trên gần 24.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bên cạnh nhiều chính sách phải tăng chi ngân sách thì cũng có nhiều thứ giảm chi. Ví dụ số người hưởng chế độ trước năm 1995 giảm bình quân 34.000 mỗi năm, tương đương ngân sách giảm chi 2.000 tỷ đồng. Việc tinh giản biên chế theo lộ trình giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm thêm 6.000 tỷ đồng chi cho đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho công chức, viên chức lao động.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối tháng 10, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025. Ngoài giảm năm đóng hưởng lương hưu, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án giải quyết BHXH một lần; đề xuất đưa khoảng 3 triệu người thuộc 5 nhóm lao động vào diện đóng bắt buộc; bổ sung trợ cấp thai sản 2 triệu đồng với người tham gia BHXH tự nguyện; hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống còn 75...
Theo Vnexpress