Chức năng kinh tế và chức năng giáo dục tinh thần, tình cảm cho xã hội hoàn toàn không đối lập nhau, mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong các sản phẩm văn hóa, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của xã hội. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Việt Nam đã bước vào phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp văn hóa là xu hướng kinh tế mới của thế giới mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, gia nhập và phát triển thị trường văn hóa được cho là năng động nhất hiện nay. Bên cạnh đó, công nghiệp văn hóa góp phần thực hiện chủ trương của Đảng làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo ra những giá trị xã hội và giá trị kinh tế tích cực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Tính đến năm 2022, khoảng 70.321 cơ sở[1] đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá (tăng 7,2%/năm), thu hút 2,3 triệu lao động (chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế), xuất siêu 41,9 tỷ USD.
1- Phát triển Công nghiệp văn hóa để phát huy sức mạnh kinh tế của văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Thứ nhất, Phát triển Công nghiệp văn hóa để phát huy sức mạnh kinh tế của văn hóa. Công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo bao gồm các chu trình, sản phẩm và dịch vụ văn hóa rộng lớn mà ở đó sáng tạo là trung tâm[2]. Tại các nước phát triển, công nghiệp văn hóa là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp văn hóa tại những nước này hàng năm cao hơn hai lần so với ngành công nghiệp dịch vụ và gấp bốn lần so với lĩnh vực sản xuất. Nó được định vị như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh tổng thể, thúc đẩy sự đổi mới, cũng như tạo sự cân bằng, đa dạng hơn cho nền kinh tế. Các tổ chức, doanh nghiệp văn hóa tham gia vào chuỗi sản xuất này đã và đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua tăng cường sự tích hợp giữa văn hóa – nghệ thuật với kinh doanh và công nghệ. Công nghiệp văn hóa đã làm phát lộ sức mạnh kinh tế của văn hóa, một sức mạnh mà những quốc gia biết cách khai thác đã và đang thu được kết quả tốt đẹp. Đây là một trong những khía cạnh của quan hệ giữa văn hóa và phát triển cần được chú ý. Công nghiệp văn hóa cần được khuyến khích bởi chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước không thể đầu tư cho tất cả các lĩnh vực khác nhau. Ở đây, rất cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm nguồn vốn, thu hút nhân tài, chủ động tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm. Như vậy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay thực sự cần thiết, giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, Phát triển công nghiệp văn hóa để phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” đã được tổ tiên để lại; có hệ giá trị và bản sắc riêng, không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một sức mạnh mềm quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế. Đảng yêu cầu, cần khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Cum từ “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Để phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
2- Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển Công nghiệp văn hóa
Sự nghiệp đổi mới được Đảng ta khởi xướng và tiến hành từ năm 1986 đến nay đã trải qua gần 40 năm. Thế và lực của đất nước đã có những thay đổi vượt bậc, mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một nước phát triển và có thu nhập cao. Quá trình đổi mới trước hết là đổi mới nhận thức về mục tiêu, đặc trưng và con đường đi lên của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã dần dần được bổ sung, phát triển và kết tinh trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (Bổ sung và phát triển năm 2011). Quá trình đổi mới nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm.
Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước nói chung và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói riêng. Năm 1998, khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Đảng ta đã xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội"[3]. Đảng ta cũng đã khẳng định văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... "biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển"[4]. Trong Nghị quyết này, Đảng ta cũng xác định cần phải xây dựng, ban hành các chính sách để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế, xác định yêu cầu xây dựng chính sách kinh tế trong văn hóa; chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa v.v... Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 cho thấy, chúng ta đã gặp rất nhiều lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa này khi chúng ta luôn coi văn hóa là một lĩnh vực nhạy cảm, rộng lớn không thể áp dụng hoàn toàn các quy luật, mối quan hệ kinh tế để xử lý vấn đề văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã lần đầu tiên đề cập rõ về công nghiệp văn hóa, xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong năm mục tiêu cụ thể của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những thập kỷ tới “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết đã xác định “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa” như một trong sáu nhiệm vụ được triển khai, trong đó nói rõ mục đích phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; Đảng chủ trương khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Muốn vậy phải có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Để phát triển công nghiệp văn hóa, Nghị quyết cũng chi rõ, cần phải đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và các cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương tới địa phương. Như vậy, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa được đề cập trong Nghị quyết đã bao quát khá toàn diện và cụ thể các khía cạnh: mục đích, nội dung, điều kiện và trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta trong những thập kỷ tới.
Đây là cơ sở để nhận thức về công nghiệp văn hóa trong quan hệ với văn hóa với phát triển bền vững, phục vụ trực tiếp mục đích phát triển đất nước, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Có thể nói, công nghiệp văn hóa là một ngành sản xuất công nghiệp đặc thù, vì ở đó, sản phẩm được tạo ra là văn hóa và tạo ra những sản phẩm văn hóa bằng phương thức công nghiệp.
Do đó, công nghiệp văn hóa vừa thuộc phạm trù kinh tế vừa thuộc phạm trù văn hóa. Đó là tác động của mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa và giữa văn hóa với kinh tế. Các sản phẩm của công nghiệp văn hóa dưới dạng hàng hóa, vật thể vừa là văn hóa vật chất vừa là văn hóa tinh thần, phục vụ nhu cầu thưởng thức, cảm thụ, tiêu dùng văn hóa của con người, những nhu cầu và thị hiếu cảm thụ tiêu dùng hết sức đa dạng, lại nhiều mức độ và cung bậc khác nhau.
Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa”[5]
Công nghiệp văn hóa vừa thể hiện chức năng kinh tế, đem lại lợi ích, lợi nhuận trong sản xuất - kinh doanh, vừa phải đảm bảo chức năng văn hóa, giáo dục nhận thức, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ lại vừa nhằm giáo dục đạo đức, rèn luyện nhân cách, thực hành lối sống. Tiêu dùng sản phẩm văn hóa do công nghiệp văn hóa chế tạo ra, vừa nhằm đáp ứng và kích thích nhu cầu văn hóa, xây dựng lối sống văn hóa, xã hội văn minh vừa góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước, nhất là trong hội nhập kinh tế và văn hóa.
Như vậy, nhận thức của Đảng và Nhà nước ta đối với lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng đã có sự thay đổi cơ bản: (1) Thừa nhận có thị trường văn hóa phẩm và công nhận sản phẩm văn hóa như là hàng hóa được lưu thông trên thị trường; (2) Tạo điều kiện cho thị trường văn hóa phẩm phát triển bằng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế; (3) Thông qua một số chính sách cụ thể, khuyến khích ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế nhằm phát triển kinh tế tri thức và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này giúp các nhà quản lý và các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật theo mô hình "bao cấp" trước đây vượt qua những định kiến hẹp hòi, khép kín cho rằng văn hóa không phải là sản phẩm hàng hóa, văn hóa không tham gia vào thị trường, văn hóa không có chức năng kinh tế..., giải phóng năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp ở thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp quy về văn hóa, thông tin, trong đó có nhiều luật và văn bản dưới luật liên quan trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ… Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua nội dung nhiều luật quan trọng, thuộc lĩnh vực văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa phát triển đúng hướng, vững chắc trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt chức năng giáo dục chính trị - tư tưởng, chức năng định hướng các chuẩn giá trị của văn hóa, đồng thời phát huy được hiệu ích kinh tế của các hoạt động văn hóa. "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020" đánh giá: "Cơ chế thị trường huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển "công nghiệp văn hóa" ở nước ta"[6]. Đồng thời, Chiến lược nhận định: "Phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới"[7]. Tiếp đó, “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ ban hành ngày 8/9/2016 với mục tiêu “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam” và đến nay đang được nghiên cứu điều chỉnh.
3- Một số giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức
Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đổi mới, tăng cường hội nhập quốc tế, tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thời gian tới Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
(1) Hoàn thiện thể chế về công nghiệp văn hóa, điều chỉnh quy định không còn phù hợp, trong đó chú trọng tính thương mại và tạo động lực cho cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động đổi mới, sáng tạo, tạo ra tài sản trí tuệ; khích lệ các doanh nghiệp và trung gian tài chính đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển, thương mại các sản phẩm/dịch vụ trong công nghiệp sáng tạo; có chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa bài bản, đồng bộ cả về phát triển văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, truyền thông, tài chính, cơ sở hạ tầng..
(2) Xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp sáng tạo. Tạo điều kiện để kết nối thị trường trong nước với các quốc gia và khu vực mậu dịch mà việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được coi trọng. Đồng thời, các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
(3) Tập trung nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa, mở ra những mô hình đầu tư mới bao gồm các cơ hội cho các tổ chức văn hóa có thể đa dạng hóa nguồn thu, kinh doanh và tiếp cận những loại hình tài chính khác nhau (bao gồm các khoản cho vay), tham gia hợp tác công – tư, vào các công việc kinh doanh hay các dự án chung (gồm các dự án với các tổ chức văn hóa và các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới)
(4) Ban hành chính sách về giáo dục và đào tạo kỹ năng sáng tạo, sớm bổ sung nguồn nhân lực chuyên môn cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống đào tạo nhân lực bài bản, kết hợp đào tạo về kỹ năng nghề và kinh doanh.
(5) Hình thành và phát triển các Trung tâm Sáng tạo “Creative Hub” hoặc cụm công nghiệp sáng tạo “Creative Cluster” là yếu tố then chốt hình thành và tập trung các doanh nghiệp sáng tạo.
Tài liệu Tham khảo
1- Văn kiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, IX, X, XI, XII, XIII
2- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
3- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”
4- Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020
5- Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
6- Tài liệu Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24-11-2021
7- Tạp chí Cộng sản
8- GS.TS Hoàng Chí Bảo, “Vai trò, tác dụng của Công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững đất nước trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”
9- PGS.TS Bùi Hoài Sơn, TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, Ths.Nguyễn Thị Thu Hà, “Định hướng giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam”
10- TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Thời cơ và thách thức”.
12- Báo cáo Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Tháng 12/2023.
Chú thích:
[1] Cơ sở hoạt động liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: doanh nghiệp, cơ sở kinh tế cá thể, đơn vị sự nghiệp có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa.
[2] Những ngành được coi là thuộc về công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo có thể kể đến gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình, phần mềm vi tính, du lịch văn hóa…
[3] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, BCHTW khóa VIII, Nxb. CTQG, 1998, tr.55.
[4] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, BCHTW khóa VIII, Nxb. CTQG, 1998, tr.55.
[5] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, 2021,Tập II, tr.135.
[6] Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 581-QĐ/Ttg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
[7] Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 581-QĐ/Ttg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương